SÀI GÒN: HÀNH TRÌNH ẨM THỰC VÀ VV… (13) Sài Gòn “vô!vô! 100 phần trăm!!!”

22 Tháng Tư, 2008 | Ăn uống

 

Trước kia, đại đa số dân nhậu là đực rựa.  Nhưng nay thì số các bà các cô thấy được trong những quán nhậu đã lên đến một tỷ lệ khá cao.  Không kể những cô thiếu nữ trẻ măng làm nghề nhậu thuê, “vô” rất ngọt bia cũng như rượu mạnh.  Trong số những thức uống kèm theo các món nhâm nhi, chắc chắn bia phải được coi là phổ thông nhất để xứng danh là “món giải khát thượng hảo hạng” như từng được  quảng cáo trước năm 75.  Đúng là hảo hạng vì đang trời nắng chang chang, quất liền tù tì một ly cối bia lạnh ngắt hẳn là mọi phiền muộn với đào địch, bực mình với bà nhà cũng tan theo lớp bọt bia trắng xoá.

 

Được coi như “giờ hoàng đạo” của dân nhậu là từ khoảng 5, 6 giờ chiều trở đi.  Đối với dân nhậu lao động, sau khi quần quật suốt nhiều tiếng với công việc chân tay, nắng nôi như thế mà chui về căn nhà chật chội sẽ rất dễ nổi quạu với vợ, với con. Để… bảo vệ hạnh phúc gia đình, chi bằng ra quán nhâm ly một “ga-lông” bia hơi với chút khô cá thiều, một trái cóc hay mấy miếng xoài xanh cho thêm phần  linh động. Khi khệnh khạng trở về bỗng thấy bà nhà trẻ trung và dễ thương hẳn ra, dù có lên tiếng làu bàu cũng hết biết. Đỡ phiền. 

 

Một đệ tử lưu linh thuộc hàng cao thủ, nhiều kinh nghiệm phán rằng bia rượu có khả năng biến xấu thành đẹp, chán đời thành yêu đời.  Thí dụ chẳng may cần phải tiếp xúc với một đấng nữ lưu vừa ăn nói vô duyên, vừa có sắc đẹp của một Thị Nở, sau 3 chai bia sẽ thấy nàng khá hơn. Đến chai thứ 5, sẽ thấy nàng duyên dáng, mặn mà ra phết. Từ chai thứ 10 trở lên, sẽ phải công nhận nàng là một bậc tuyệt thế giai nhân, sắc nước khuynh thành. 

 

Cái khả năng mầu nhiệm của “la ve” (hay bất cứ loại rượu nào) là như vậy.  Có thể dân Sài Gòn muốn nhìn thấy cuộc đời tươi đẹp hơn nên tiêu thụ  bia rượu mạnh bạo như vậy chăng.  Vừa giải nhiệt, vừa có một cái nhìn lạc quan về cuộc đời, ai mà không ham.

 

Nếu bia, uống bia gì bây giờ? Với dân Sài Gòn, hiện nay đứng đầu bảng sắp hạng “Top 10” chắc chắn phải là Heineken và Tiger. Kế đó mới đến những San Miguel, Carlsberg, Corona, Sài Gòn Xanh, Sài Gòn đỏ, Huế, vv… Hai thương hiệu bia thuộc loại “siêu sao la-ve” đầu tiên được dân nhậu chiếu cố nhiệt liệt, khác hẳn với thời kỳ trước năm 75, Budweiser được liệt vào hàng không đối thủ để người viết cũng phải tán tụng là “Vua La-Ve” như được quảng cáo là “King Of Beer”. Nhưng nay vì phải nhập cảng nên giá cả có phần hơi nặng nên đã xuống cấp thấy rõ trong mức độ tiêu thụ.

 

Từ những bàn nhậu, sau khi đã say sưa chén chú chén anh, các tay bợm đã tỏ ra có một tinh thần… văn học rất cao khi sáng tác những câu diễn nghĩa rất hay ho từ những chữ tắt của tên từng loại bia ưa thích. Đúng là rượu vào lời ra, hay tửu nhập văn xuất cũng vậy. Như Heineken, được diễn nghĩa một cách dí dỏm và dễ thương là “ Hôn Em Ít Nên Em Khoèo Em Nhéo”.  Và đọc ngược lại thành “Nếu Em Khôn Em Nằm Im Em Hưởng”.

 

Còn Tiger thì sao? Xin thưa, đó là “Tình Iêu (viết  theo kiểu do nhà văn Nguiễn Ngu Ý sáng chế hồi xưa )Giết Em Rồi”, đề cao mãnh lực của ái tình! Hay quá sức. Lại còn San Miguel, “giải mã” từ những chữ tắt sẽ thành một câu rất lãng mạn, nhõng nhẽo, nũng nịu và tình tứ “Sao Anh Nhớ Mà Ít Ghé Uống, Em Lo! Đố ai có thể diễn nghĩa hay hơn.

 

Trong khi đó Carlsberg mang tính chất tình cảm sâu sắc và… cụ thể: “Cho Anh Ráng Lấy Sức Bế Em Ra Giường”. Còn khi đó, bia Saigon mang ý nghĩa đề cao tình cảm thiêng liêng với bà xã ở nhà. Nếu các em tiếp thị xìu mặt xuống khi bạn lắc đầu quầy quậy trước sự mời mọc những nhãn bia nổi tiếng để chỉ trung thành với những chai Sài Gòn (thật ra tình trạng tài chánh hôm đó không được cho lắm!), bạn có cách trả lời rất tế nhị khi chỉ vào hàng chữ  Saigon để diễn giải rằng “Số Anh Iêu (lại cũng viết  theo kiểu của nhà văn Nguiễn Ngu Ý)  Gái Ở Nhà”. Thế là bạn thoát, chả ai nỡ ép khi bạn đề cao lòng dạ son sắt, thủy chung. 

 

Tán hươu tán vượn mãi về bia bọt, chắc cũng khiến bạn nuốt nước miếng ừng ực trong khi cổ họng khô ran vì khát và mình mẩy đầm đìa mồ hôi do ánh nắng quái ác, nóng hừng hực tấn công. Hơn nữa, cuộc hành trình cũng đã khá dài để bây giờ bạn đang đi vào những chặng cuối cùng. Trước khi chia tay, sao không  nhậu một chầu tiễn biệt.  Cổ nhân thường tiễn nhau bằng bầu rượu.  Mình cũng nên theo gương để tiễn nhau một chầu “la ve”, “cognac” chẳng hạn cho phải phép, nhất là để giữ đúng phong tục cổ truyền.

Bây giờ đã gần 6 giờ chiều, tức đã đến giờ hoàng đạo của thế giới nhậu nhẹt để cùng nhau “vô” vài chai hay vài ly cho cuộc đời thêm thi vị.  Hơn nữa, cổ nhân đã phán về nghệ thuật uống rượu như sau: “người sành rượu phải “tri kỳ vị” (biết vị của rượu), “tri kỳ hương” (biết hương thơm của rượu),”tri kỳ ảo” (biết sự huyền ảo), “tri kỳ linh” (biết cái linh hồn của rượu)“. Bạn thấy thâm thúy chưa? Nào, ta lên đường dấn bước vào con đường nghệ thuật này, còn chờ gì nữa!

 

Nhớ đến các cụ, bèn liên tưởng ngay đến món thịt cầy rất đậm đà tình tự dân tộc, ngạt ngào mùi vị quê hương.  Năm ngoái đã đến với cái hẻm gần cầu Thị Nghè, đối diện hông vườn bách thảo để mê mẩn với những tiệm Hai Mơ và Loan “Chó”. Cũng nên vòng lại “đường xưa lối cũ” xem tình hình thế nào, cô Loan “Chó” sinh hoạt ra sao. 

 

Bảng hiệu của tiệm cô Loan đã được thay thế bằng một bảng hiệu khác. Trong khi đó, nằm sâu trong hẻm có sự xuất hiện của một tiệm khác, với một cái tên rất văn nghệ là “Hà Nội Phố”, nghe nói đâu cũng do cô Loan khai thác. Tiệm này so với tiệm cũ của cô ở đầu hẻm có vẻ tươm tất hơn, chắc nhờ ăn nên làm ra sau khi cô đã ra tay hạ thủ biết bao nhiêu là chú khuyển. 

 

Lên trên lầu, bước vào phòng ăn, kê được khoảng 5, 6 cái bàn thấp lè tè, ta có quyền hạ thổ ngay xuống chiếu, xếp chân chữ ngũ cho đúng cung cách ăn uống của “một thời vang bóng”.  Mấy xị rượu thuốc và nếp than được mang ra nhâm nhi trong với mấy miếng bánh tráng nướng, trong khi chờ đợi những tiết mục thịt luộc, dồi nướng, rựa mận, chả chìa, vv…  lần lượt xuất hiện trên sân khấu là một cái bàn, trên đó cảnh trí đã được xếp đặt sẵn với mắm tôm, chanh, ớt, lá mơ và các loại rau thơm khác như ngò gai, ngổ, húng chó.  Đẹp mắt làm sao.

 

Mời bạn khai vị một miếng dồi nướng trộn với tiết, đậu xanh giã, rau thơm với lá mơ và riềng bằm nhuyễn, vv… chiêu với ngụm rượu thuốc. Lúc đó sẽ cảm nhận được ngay cái “tri kỳ ảo” của rượu hoà hợp với mùi bùi bùi, béo béo, thơm thơm của miếng dồi chó ra làm sao.

 

Sau khi “xử” xong vài xị, bát xáo măng nóng hổi sẽ khiến bạn tỉnh táo ngay tức thời để ra về thơ thới hân hoan với mùi vị cầy tơ còn phảng phất trong miệng và chi ra chỉ khoảng 10 “đô”. Các cụ cũng từng phán rằng: xơi món mộc tồn, nếu không xỉa răng, bẩy ngày sau buồn buồn khều ra ngửi thấy vẫn còn thơm!!!  Bạn thử xem sao.

 

Ngoài hẻm chó gần chân cầu Thị Nghè vừa nói ở trên còn có một số khu bán thịt chó khác cũng nổi tiếng không kém. Như khu gần sân bay Tân Sơn Nhất hoặc trên đường Trần Phú cũng có vài tiệm nổi tiếng, trong số có Nam Hà. Đặc biệt trong hẻm đường Cống Quỳnh là nơi giới trẻ thuộc giới sinh viên thường lui tới do giá cả mềm mại.  Quán có tên Sinh Viên có lẽ là nơi được chiếu cố nhiều nhất. Tại đây phái nữ đến với cầy tơ chiếm một tỷ lệ khá cao. Bèn nhớ một bài thơ đọc được đâu đó như sau, nói về sức quyến rũ của thịt cầy với phái nữ:

 

“Cô kia đi chợ đồng quê”

“Thấy hàng chả chó liền lê thân vào”

“Cặp này anh lấy bằng nao”

“Ba đồng một cặp lẽ nào lại không”

“Nói dối là mua cho chồng”

“Đi qua quãng đồng ngả nón liền ăn”

 

Nếu so với chó là món có một truyền thống lâu đời, từng được đi  vào văn học sử qua áng văn ca tụng hết lời của những nhà văn nổi tiếng, thì sự phổ thông của “sư phụ” có phần thua sút. Nhưng riêng ở Sài Gòn, từ vài năm nay với đà kinh tế thị trường, thịt dê đã trở thành một món không thể thiếu đối với dân nhậu, không phân biệt nam nữ.  Anh cũng dê, chị cũng dê, rất là đề huề. 

 

Muốn dê nơi nào cũng được. Hẻm hóc cũng có dê, bình dân hay cao cấp cũng có dê. Sài Gòn bây giờ nhan nhản những dê là dê.  Đúng là thời kỳ “sư phụ” lên ngôi trở thành “siêu sao” trong làng nhậu nhẹt.  Con đường nhiều tiệm thịt dê nhất có lẽ là Lê Văn Sỹ, nằm đối diện với nhau hai bên đường phố, đèn đóm lập loè. Có thể coi như tiệm 304 là một trong những tiệm đông khách nhất, đông đến nỗi phải mướn thêm một địa điểm gần đó để giữ xe miễn phí cho “thượng đế”.

 

Sau 6 giờ đến khu này bạn sẽ thấy mãnh lực của “sư phụ” đã lôi kéo dân nhậu ghê gớm đến mức nào với một sự đông nghẹt những khách của những  A1, 357, vv… Bạn cũng sẽ khó lòng kềm chế sự sung sướng khi thấy mùi nướng, mùi lẩu dê thơm ngào ngạt bung ra từ tứ phía. Bạn đã đi vào mê hồn trận đầy hỏa mù của “sư phụ” rồi đó! Tại  những quán này, rượu đế ngâm các loại được tiêu thụ rất nhiều.

 

Nào là “Thập Toàn Đại Bổ”, “Thất Xà”, “Hồng Sâm”, Hải Mã”, “Ngọc Dương” và nhất là  “Cửu Xà, Nhất Điểu, Nhị Tắc Kè” mới ghê gớm! Ngoài ra còn có những quán lẩu dê rất nổi tiếng khác, ở lẻ loi trên một con đường nào đó, tấp nập khách khứa ra vào. Đó là những tiệm như 20 Trương Định, 214 Nguyễn Công Trứ hay một tiệm khác nằm ở góc đường Lý Thái Tổ và Ngô Quyền.

 

Nhưng nói về sức chứa có thể nói quán lẩu dê Tư Trì ở Thanh Đa là vô địch. Tư Trì có một diện tích rất lớn không khác gì một khu giải trí.  Nó được chia ra từng khu vực cách nhau bằng những chiếc cầu ván lớn. Mỗi khu như những căn nhà sàn rộng rãi thoáng mát với đèn đóm đủ mầu tựa một đêm hội chợ. Riêng khu vực gửi xe phía trước cũng có thể chứa hàng trăm xe gắn máy, chưa kể đến hàng chục “xế hộp” đủ kiểu.

 

Đây đúng là thiên đường của dân nhậu nhẹt.  Đặc sản của Tư Trì là thịt dê với đủ thứ món chế biến từ  “sư phụ” và “sư mẫu”. “Sư Phụ” có món ngọc dương là quí hoá được coi là món “ông đớp, bà khen”. Còn “sư mẫu” rất được ưa chuộng với món vú dê nướng.

 

Bạn ngồi xuống đi chứ. Một “két” Tiger ngâm lạnh được mang ra ngay tức thì. Để mở đầu chương trình, mời bạn thưởng thức món vú dê (còn gọi là nầm dê để tránh tiếng gọi sỗ sàng) để tăng khẩu vị.  Mùi nướng tỏa ra từ cái lò đỏ than mới hấp dẫn làm sao. Tiếng xèo xèo mỗi khi gắp bỏ miếng vú dê trên lò quyến rũ không thể tả.  Đừng quên nướng những miếng đậu bắp kèm theo những cọng rau muống chẻ và bắp cải để sau đó chấm với chao kèm với miếng vú dê giòn giòn, sừn sựt. Ôi sao như thấy mọi buồn phiền trên cõi đời này đều tiêu tán cả.

 

Bây giờ đến món chính là lẩu “sư phụ”. Muốn đúng điệu, bạn nên “order” thêm 2 món phụ tùng là óc dê và tuỷ dê mới thấy thấm thía để thưởng thức hương vị đậm đà của “sư phụ”. Chờ nước lẩu thật sôi, gắp bỏ hai món phụ tùng đó vào  để nhâm nhi rất tuyệt nhờ chất béo của óc, của tuỷ là 2 ông thần “cholesterol”.

 

Lâu lâu nhấm nháp tí đỉnh, chắc chẳng hề gì.  Nuớc lẩu càng ngày càng trở nên ngọt sau khi được nhúng các loại như cải xanh, đậu bắp, tàu hũ, mì hay bánh hủ tíu cùng chất béo ngọt tiết ra từ thịt chắc chắn sẽ khiến bạn… quên chết. Nếu hôm đó may mắn còn có “bộ đồ nghề” của sư phu, bạn sẽ còn dạt dào thú vị đến chừng nào. Gọi là để tăng cường sinh lực hơn nữa, có dân nhậu còn đập vài cái hột vịt lộn sống vào trong nồi lẩu cho đầy đủ phẩm chất.

 

Nhậu thịt thà đã nhiều, muốn thay đổi không khí, mời bạn đi xơi nghêu, sò, ốc, hến, cua, tôm, vv… một phùa cho “đã”.  Riêng về các loại ốc, nếu từ lâu ở hải ngoại không được ăn, bạn có thể đến với tiệm Star Café để ăn thả giàn với mục “buffet ốc” vào 3 ngày cuối tuần.

 

Star Café nằm trên lầu 1 của City Plaza trên đường Nguyễn Trải, quận 1 (Võ Tánh cũ).  Với khoảng 20 món ốc được chế biến khác nhau, chắc là bạn sẽ có được một bữa buffet khó quên với giá chỉ hơn 3 “đô”, lại còn được tặng món tráng miệng miễn phí. Mời bạn mở màn với ốc leng xào dừa, kế đến ốc bươu hấp gừng, lại còn ốc bươi xào satế, ốc nhẩy, vv…

 

Từng nghe nói có loại ốc mang tên thật hấp dẫn là ốc vú nàng, nhưng lần mò tìm mãi không thấy liệt kê trong thực đơn. Chả lẽ lại hỏi cô tiếp viên xinh đẹp kia là “cô có ốc vú nàng không?“ thì phàm phu tục tử quá sức mình.  Nghe nhiều dân nhậu người miền Trung tán tụng về loại ốc  có tên rất…”sexy” này, nên đã ra công tìm hiểu và được cho biết như sau:

 

Loại ốc mang tên “vú nàng” được tìm thấy nhiều tại vùng Cù Lao Chàm ở Quảng Nam, Cù Lao Ré ở Quảng Ngãi hay ở Bình Thuận, vv… Hình dáng của nó  giống như  đôi nhũ hoa của một nàng thiếu nữ. Đặc biệt là “size” của loại ốc này cũng to lớn tương đương với “size” đôi gò bồng đảo của một nàng thật, bao bên ngoài bằng một lớp xà cừ. 

 

Một “văn sĩ ẩm thực” đã diễn tả một cách rất nhậy cảm về loại ốc này là “nếu dùng cát xát vào vỏ thì toàn thân ốc ửng lên một mầu hồng tuyệt đẹp và gợi cảm”.  Đặc biệt hơn nữa, ốc vú nàng chỉ xuất hiện nhiều vào những ngày trăng tròn, sau đó lặn mất để rồi tái xuất hiện vào những ngày tròn trăng kế tiếp. Một ngày nào đó, chắc bạn và tôi phải mò ra được “ốc vú nàng” xem hư thực ra sao… (còn tiếp)