HOÀNG HOA HỘI: Tháng Giêng là tháng ăn chơi…

31 Tháng Ba, 2016 | Tìm hiểu về rượu

 

Thời gian trước Tết ta, LNĐ nhận được hai lá thư của hội viên Hoàng Hoa Hội, dự định trả lời vào dịp ông Táo về trời nhưng vì phải ưu tiên cho các đề tài mang tính cách thời sự, nay mới làm được, mong hai vị tửu sĩ thông cảm.

Bên cạnh đó, từ xa xưa người Việt mình đã có câu ca dao “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…” thì nay may mắn được sống ở “phúc địa” Úc-thòi-lòi, ta có thể ăn chơi quanh năm, nghĩa là lúc nào cũng nên mua rượu ngon mà uống chứ không nhất thiết phải đợi tết nhất.

Rượu “Lâu đài”!

Tửu sĩ họ Trần hỏi:

1- Tôi thường nghe nói rượu Château (Lâu đài) của Pháp là loại rượu đỏ xịn nhất thế giới, muốn mua một chai uống cho biết mùi vị, xin lão Hội chủ giới thiệu một vài chai để uống cho biết mùi vị.

2- Bạn bè ở Mỹ thường ca tụng rượu vang ở California đứng nhì thế giới, chỉ sau vùng Bordeaux của Pháp, thực hư ra sao?

Trước hết, nói về rượu “Château”, LNĐ đã viết khá chi tiết cách đây mấy năm, nay chỉ nhắc sơ lại:

– Trong tiếng Pháp, chữ “château” (số nhiều: “châteaux”) khi không viết hoa chỉ nghĩa là “lâu đài” (“castle” trong tiếng Anh). Xưa kia chỉ giới quý tộc mới có khả năng sở hữu cơ sở sản xuất rượu, và thường lấy tên lâu đài của mình làm tên của hãng rượu, thí dụ hãng rượu của Nam tước Eric de Rothschild được gọi là “Château Lafite Rothschild”. Theo thời gian, vì càng ngày càng có nhiều hãng rượu, của các nhà quý tộc lẫn hàng thứ dân, chữ “château” không viết hoa khi được sử dụng trong kỹ nghệ rượu ở Pháp chỉ có nghĩa là “nhà sản xuất ruợu” (wine producer); và hiện nay ở Pháp có trên 8.500 “châteaux”. Nhưng không phải tất cả 8.500 hãng rượu nói trên đều lấy chữ “Château” (viết hoa) để đặt tên cho hãng rượu của mình, và cũng không phải loại rượu nào có chữ “Château” trên nhãn rượu đều là rượu xịn!

Trong danh sách các loại rượu “Château” hiện được cửa tiệm Dan Murphys rao bán (online) có những chai thật xịn như Château Lafite Rothschild Pauliac 2010 ($2.300), Château Cheval Blanc St-Émilion 2010 ($2,184), Château Margaux 2005 ($1,800)… và cũng có những chai rẻ mạt như Château lEscart Bordeaux ($14.30), Château Haut Madrac ($23.75)…

Vì chữ “Château” nguyên thủy là một danh từ chung (common noun) chứ không phải là danh từ riêng (proper noun) như các địa danh Champagne, Cognac, Armagnac, Hermitage, v.v…, cho nên bất cứ hãng rượu nào trên thế giới cũng có quyền sử dụng; chẳng hạn Chateau Montelena ở California, Hoa Kỳ, Château Yaldara ở Nam Úc (mới bán cho các xì-thẩu năm 2014)…

Theo một chuyên gia về rượu vang, nếu chỉ kể rượu Château của Pháp, hiện nay có tới 160 loại đang được bán ở Úc. Vì thế, nếu Trần tửu sĩ muốn thử một vài chai, có thể tới tiệm Dan Murphys, cho họ biết khả năng tài chánh của mình để được giới thiệu những chai đáng đồng tiền bát gạo nhất. Cũng theo chuyên gia nói trên, một khi muốn chơi rượu Château của Pháp, phải là những chai giá trên $100, còn dưới giá này, thà uống rượu của Úc còn ngon hơn (chỉ thiếu chữ “Château”!)

Thứ đến là câu hỏi về những lời ca tụng rượu vang ở California đứng nhì thế giới, chỉ sau vùng Bordeaux của Pháp, LNĐ trả lời như sau:

Theo một nhà báo uy tín của Úc, nếu tính chung tất cả các loại rượu do một vùng (region) sản xuất, thì vùng Napa Valley, California, nơi sản xuất tới 90% rượu vang của Hoa Kỳ, chỉ được đứng hạng 8 trong danh sách Top 10, gồm:

1- Bordeaux, Pháp

2- Hunter Valley, NSW, Úc

3- Alsace, Pháp

4- Barossa Valley, Nam Úc

5- Coonawarra, Nam Úc

6- Malborough, Tân-tây-lan

7- Margaret River, Tây Úc

8- Napa Valley, California, Hoa Kỳ

9- Tuscany, Ý

10- Douro, Bồ-đào-nha.

Tuy nhiên, nếu nói về mức độ nổi tiếng thì Napa Valley có lúc đã được đứng hạng nhì (chỉ sau Bordeaux, Pháp). Vì hai nguyên nhân sau đây:

(1) Cảnh đẹp. Napa Valley thuộc Napa County ở phía bắc vịnh San Francisco Bay, miền bắc California, thường được xưng tụng là vùng trồng nho có cảnh đẹp nhất thế giới. Dân số chỉ có 136.484 (vào năm 2010) nhưng mỗi năm đón trên 5 triệu du khách.

(2) Hay không bằng hên! Năm 1976, thương gia Anh Steven Spurrier, một người chuyên phân phối rượu vang của Pháp trên thị trường quốc tế, đã tổ chức cuộc thi “Judgments of Paris” giữa rượu vang của Pháp và rượu vang của Mỹ từ mùa nho 1970 trở về sau; tất cả các chai rượu không dán nhãn được 11 vị giám khảo uy tín nhất nước Pháp thử và cho điểm. Kết quả, cả vang đỏ lẫn vang trắng của Mỹ đều thắng!

Về vang đỏ, chai “Cask 23” (Cabernet Sauvignon) của hãng Stag’s Leap Wine Cellars, Napa Valley, mùa nho 1973, đã hạ các chai xịn nhất của hai mùa nho 1970 và 1971 của Pháp, trong đó hai chai Château Haut-Brion và Château Mouton-Rothschild!

Về vang trắng, tất cả 11 vị giám khảo đều chấm nhất chai Chardonnay của hãng Château Montelena trong Napa Valley.

Rất tiếc, LNĐ chỉ là một tay viết tài tử, lại không phải triệu phú có khả năng tài chánh để thử những chai rượu xịn nhất của Napa Valley, nên không thể khẳng định rượu vang Úc và rượu Mỹ rượu nào ngon hơn, thành thử chỉ có thể viết như sau:

– Rượu Shiraz của Úc dứt khoát ngon hơn bởi vì Napa Valley chỉ nổi tiếng với rượu Cabernet Sauvignon.

– Nếu Trần tửu sĩ rủng rỉnh và muốn thử, có thể mua một trong hai chai Cabernet Sauvignon thuộc loại xịn nhất của Napa Valley mùa nho 2012, để so sánh với chai Cabernet Sauvignon Bin 707 cùng mùa nho của hãng Úc Penfolds:

* Stag’s Leap Wine Cellars Cask 23 Cabernet Sauvignon 2012 (khoảng $200)

* Dominus Estate Napa Valley Red 2012 (khoảng $200).

– Còn vang trắng, chai Chateau Montelena Chardonnay có giá tương đương với chai Eileen Hardy Chardonnay của hãng Hardys, Úc, giá từ 45 tới 60 Úc kim tùy theo mùa nho.

Điên vì nhãn rượu!

Độc giả VVT viết:

Theo đề nghị của LNĐ, tôi thường uống rượu vang trong khoảng giá 15-20 đô; nhưng trong thời gian gần đây, đa số danh sách “best wines” trên báo thường chấm những chai có tên lạ hoắc, khiến tôi muốn điên luôn. LNĐ có thể đưa ra một số “nêm” cố định được không…!

Bạn bè tôi ngày càng có khuynh hướng chuyển sang vang trắng, riêng tôi thì vẫn chỉ enjoy được vang đỏ. Thấy người ta uống vang trắng một cách ngon lành, tôi cũng muốn tập tành bắt chước nhưng không biết “nhập môn” như thế nào?!

LNĐ xin trả lời ông VVT như sau:

– Các nhà báo viết về rượu vang cũng giống như các đồng nghiệp viết về văn học nghệ thuật, tùy theo cảm quan, sở thích, mỗi người có thể đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, càng lên cao thì mức khác nhau ấy càng giảm, cho tới một mức nào đó sẽ “nhất trí”. Chẳng hạn, nói về rượu vang đỏ của Úc thì 100/100 nhà báo sẽ viết chai Shiraz xịn nhất của là chai Grange của hãng Penfolds, mùa nho mới nhất đã giá vài trăm đô, nhưng rượu giá dưới $20 thì 100 người có thể sẽ chấm nhất 100 chai khác nhau. Điều đó cũng dễ hiểu bởi ở Úc có hàng trăm hãng rượu lớn nhỏ với ngàn nhãn rượu khác nhau.

Không ít nhà báo đã viết đại khái: đừng mua rượu của các hãng lớn, bởi vì mình phải trả thêm tiền cho cái cái “nêm”. Điều này khá đúng trong đa số trường hợp, nhất là với những chai giá dưới $20. Nhưng khổ nỗi nếu mua rượu của các hãng nhỏ thì biết lựa chai nào, bởi như đã viết ở trên, mỗi nhà báo có thể sẽ chấm cả trăm chai khác nhau!

Vì thế, LNĐ sẽ dung hòa bằng cách bên cạnh các hãng lớn như Penfolds, Wolf Blass, Rosemount, Hardys, Wynns, Jacobs Creek…, sẽ ghi ra 12 hãng “gia đình” không lớn không nhỏ, nhưng rất uy tín trong kỹ nghệ rượu vang Úc, gồm:

Yalumba, Campbells, dArenberg, Henschke, Taylors, Jim Barry Wines, Mc Williams, Tyrrells Wines, Brown Brothers, Tahbilk, Howard Park, và De Bortoli Wines.

Mười hai hãng “gia đình” nói trên đã liên kết với nhau để đương cự với các hãng lớn. Vì sự thận trọng nghề nghiệp, và cũng để thể hiện tinh thần vô tư, LNĐ không khẳng định rượu của “thập nhị tửu gia” ấy đáng đồng tiền bát gạo hơn rượu của các hãng lớn, nhưng ít ra cũng có thể viết rằng: vì không bị các hãng lớn lấy thịt đè người, họ có thể tiếp tục duy trì truyền thống riêng của từng gia đình: kết quả là những chai rượu ngon và độc đáo, không thể lẫn lộn với bất cứ rượu của một hãng nào khác.

Riêng bản thân LNĐ, từ ngày bỏ công tìm hiểu (chủ yếu là học hỏi bạn bè Úc), đã khám phá ra những chai rượu khá ngon giá cả vừa phải của ba hãng dArenberg, Henschke, và Tahbilk.

Điểm âm duy nhất của các chai rượu này là vì sản xuất với số lượng nhỏ (có khi chỉ vài ngàn chai), nhiều khi chưa kịp mua đã hết!

Về yêu cầu của ông VVT đưa ra một số nhãn rượu “cố định”, LNĐ xin ghi ra những chai vừa túi tiền được ưa chuộng nhất (giá cả có thể thay đổi tùy cửa tiệm, hoặc bán sale hay không sale):

– Hardys Oomoo Shiraz, $15

– Jacobs Creek Reserve Shiraz (hoặc Cabernet Sauvignon), $15

– Taylors Estate Shiraz (hoặc Caberbet Sauvignon), $15

– Penfolds Thomas Hyland Shiraz (hoặc Cabernet Sauvignon), $17

– Wynns Shiraz, $17

– dArenberg Foobolt Shiraz, $18

– Wolf Blass Gold Label Shiraz (hoặc Caberbet Sauvignon), $20

– Pepperjack Shiraz, $20

Cuối cùng nói về việc ông VVT muốn “nhập môn” vào môn phái vang trắng.

Trên thực tế, trong khoảng 10 năm gần đây, không chỉ có bạn bè của ông mà rất nhiều người (Việt) khác đã bắt đầu enjoy vang trắng. Đa số những người này uống cả vang đỏ lẫn vang trắng tùy theo món ăn chứ không phải chuyển hẳn sang vang trắng.

Đây là một diễn biến rất dễ hiểu bởi vì đa số món ăn của người Á đông là thịt trắng (white meat: gà, heo) hoặc đồ biển; mà sách vở đã dạy: thịt trắng, đồ biển thì đi với vang trắng.

Muốn “nhập môn” vang trắng, việc đầu tiên là phải quên đi cái vị chua khi uống, và thứ đến là phải tận hưởng hương thơm của rượu trước khi uống, và uống từng ngụm nhỏ, cho tới khi nào thực sự enjoy.

Bên cạnh đó, quyết tâm cũng đóng một vai trò quan trọng: khi nào bà xã cho ăn thịt trắng hoặc đồ biển, ta nhất định chỉ uống vang trắng mà thôi; lâu ngày sẽ thành thói quen, và dần dần cảm nhận được cái ngon của rượu trắng.

Bốn loại rượu trắng phổ biến nhất (ở Úc) là: Chardonnay, Sauvignon Blanc, Riesling, và Semillon.

Một cách ngắn gọn, có thể viết đặc điểm chính của Chardonnay là đậm đà, Sauvignon Blanc là thanh tao, Riesling là thơm, và Semillon là hơi ngọt, vì vậy tại Úc, Semillon thường được sử dụng để “blend” (pha) với Sauvignon Blanc.

Các vùng sản xuất vang trắng nổi tiếng nhất của Úc và Tân-tây-lan gồm: Hunter Valley (NSW), Adelaide Hills (Nam Úc), Eden Valley (Nam Úc), Mornington (VIC), Yarra Valley (VIC), Margaret River (Tây Úc) và Malborough (Tân-tây-lan).

Về cách chọn loại rượu trắng nào thì Chardonnay vốn đậm đà nên thích hợp với các món thịt trắng nhiều gia vị (xào lăn, cà-ri, xa-tế…) và đồ biển nặng mùi (tôm, cua, cá hấp, oyster…); Sauvignon Blanc thanh tao thì đi với gà chiên, gỏi cuốn, hoặc các món rau trộn; Riesling cũng tương tự Sauvignon Blanc, còn Semillon thì vì có vị hơi ngọt thường để uống chơi chơi, tức uống là chính, ăn là phụ.

Tương tự vang đỏ, hai loại vang trắng Sauvignon Blanc (hoặc Semillon Sauvignon Blanc) và Riesling giá trên dưới $20 là uống được, nhưng Chardonnay thì phải mua chai từ $20 trở lên mới có hy vọng “không chua như dấm”; riêng Semillon, cũng nên mua chai kha khá một chút ($25-$30).

Sau đây là một số chai vang trắng “gợi ý” cho độc giả VVT và những vị nào muốn nhập môn:

* Chardonnay:

– Evans & Tate Metricup Road Chardonnay, $18

– Stonier Chardonnay, $22

– Coldstream Hills Chardonnay, $27

– Yering Station Yarra Chardonnay, $27

– Petaluma, $35

– Voyager Estate, $ 45

* Sauvignon Blanc:

– Stoneleigh, $15

– Oyster Bay, $17

– Pepper Tree Semillon Sauvignon Blanc, $18

* Riesling:

– Pewsey Vale Eden Valley Riesling, $17

– Petaluma Hanlin hill Riesling, $22

– Henschke Greens Hill Riesling, $27

* Semillon:

– Lindermans Hunter Valley Semillon, $30

Hẹn gặp lại các tửu sĩ và huynh đệ trong Hoàng Hoa Hội vào một dịp khác.

Lão Ngoan Đồng

(Trích TVTS số 1559)