Từ “Hoàng Hoa Tửu” tới rượu “Châteaux” (2)

10 Tháng Mười, 2011 | Tìm hiểu về rượu

 

Trong số báo tuần trước, LNĐ đã trả lời Tửu sĩ TTA ở Victoria về “Hoàng hoa tửu”, tuần này xin lần lượt trả lời hai thắc mắc liên quan tới “rượu Château” và mùa nho 2008 của Úc.

 

II- Rượu Châteaux:

 

Ông HNT ở Nam Úc hỏi:

 

Có đôi lần tôi được nghe nói về “rượu vang Châteaux” của vùng Bordeaux là loại rượu vang cao cấp nhất của Pháp, giá cả ngàn đô-la một chai. Nhưng gần đây, vô tình đọc được một hướng dẫn mua quà tặng Christmas của giới thượng lưu ở Úc, tôi thấy  một chai Château giá chỉ hơn 200… Xin LNĐ cho biết những thông tin, chỉ dẫn chính xác về loại rượu này. 

 

* * *

 

Viết về rượu “Château” của Pháp, muốn gọi là “tạm đủ” cũng phải mất vài kỳ báo, trong khi LNĐ thì cho rằng loại rượu này chỉ nên “đọc cho biết biết rồi bỏ qua”, nên xin phép viết ngắn gọn trong một kỳ.

 

Trước hết nói về chữ “château” trong tiếng Pháp (số nhiều viết là “châteaux”), có nghĩa là “lâu đài” (“castle” trong tiếng Anh). Tuy nhiên, khi được sử dụng trong kỹ nghệ rượu vang của Pháp, chữ “château” chỉ có nghĩa là “điền trang” (“estate” trong tiếng Anh).

 

Tại Pháp hiện nay, chữ “châteaux” (không viết hoa) ấy thường được sử dụng để gọi hơn 8500 nhà sản xuất rượu vang (wine producers) trong vùng Bordeaux. Trong số này, có 60 nhà sản xuất (có tài liệu ghi 57, có lẽ là số liệu cũ) sử dụng chữ “Château” (viết hoa) trong tên hãng rượu của mình, chẳng hạn các hãng rượu Château Lafite Rothschild, Château Margaux, Château Latour, v.v…

 

Và 60 nhà sản xuất lấy tên hãng là “Château” ấy đã tung ra khoảng 220 chai rượu vang mang tên “Château…”

 

 

Nguyên nhân đưa tới việc sử dụng chữ “château” để gọi các cơ sở sản xuất rượu vang ở vùng Bordeaux, có thể vì ngày xưa chủ nhân thường là các lãnh chúa, các nhà quý tộc, và cơ sở sản xuất của họ là các lâu đài.

 

* * *

 

Trước khi viết về “rượu Château”, cũng nên có đôi hàng về “rượu Bordeaux” nói chung.

Bordeaux là tên một thành phố cảng, nằm ở cửa sông Gironde đổ ra Đại Tây Dương, ở tây nam nước Pháp. Về hành chính, thành phố Bordeaux là “quận lỵ” của quận (arondissement) Bordeaux, đồng thời cũng là “tỉnh lỵ” của tỉnh Gironde, và thủ phủ của cả vùng Aquitaine. Người dân ở Bordeaux gọi là Bordelais.

 

Bordeaux được ghi nhận là một trong những vùng sản xuất rượu vang đầu tiên trên thế giới (thế kỷ thứ 8), lớn nhất thế giới, nổi tiếng nhất thế giới, và từ bao năm qua, đã được xem là “thủ đô của rượu vang toàn thế giới”.

 

Sản lượng trung bình hàng năm của Bordeaux là 700 triệu chai, trong số đó 89% là vang đỏ, còn lại là rượu vang ngọt nổi tiếng thế giới (Château d’Yquem) và rượu sủi bọt (sparkling wines), trước kia gọi là sâm-banh (champagne), nhưng sau khi tòa án Liên hiệp Âu châu phán quyết chỉ có rượu sủi bọt sản xuất ở vùng Champagne mới được gọi là “rượu champagne”, người ta đã gọi rượu sủi bọt sản xuất ở vùng Bordeaux là “Crémant de Bordeaux”.

 

Ngoài ra, Bordeaux còn sản xuất một loại rượu nặng (brandy) nổi tiếng, gọi là “Fine Bordeaux”.

Bordeaux cũng là nơi tổ chức hội chợ rượu vang Vinexpo nổi tiếng nhất thế giới.

 

“Ngũ đại gia”

 

Nếu ở vùng Cognac có “bát đại gia” của rượu cognac, thì ở vùng Bordeaux cũng có “ngũ đại gia”, nơi sản xuất 5 chai vang đỏ đắt tiền nhất thế giới, là các chai sau đây (theo thứ tự cao thấp):

 

– Château Lafite-Rothschild

 

– Château Margaux

 

– Château Latour

 

– Château Haut-Brion

 

– Château Mouton Rothschild

 

Năm chai vang đỏ nói trên được đánh giá qua một phương thức xếp hạng có tên (dịch sang tiếng Anh) là “Bordeaux Wine Official Classification of 1855”.

 

Nguyên vào năm 1855, nhân có cuộc Triển lãm Toàn cầu tại kinh thành ánh sáng Ba-lê (Exposition Universelle de Paris 1855), Hoàng đế Nã-phá-luân đệ Tam đã chỉ thị vùng Bordeaux chọn 4 chai rượu vang đỏ ngon nhất để triển lãm.

 

Nhưng hãng nào mà không cho rằng rượu của mình là “ngon nhất”?! Cuối cùng họ đã đi tới một thỏa thuận: chọn 4 chai rượu “đắt tiền nhất”. Kết quả là 4 chai Château Lafite-Rothchild, Château Margaux, Château Latour Château Haut-Brion đã được đại diện cho vùng Bordeaux để triển  lãm.

 

Sau đó, phương thức xếp hạng theo giá tiền, tức “Bordeaux Wine Official Classification of 1855”, đã được áp dụng cho tất cả mọi chai vang đỏ mang tên “Château” của vùng Bordeaux. Theo tài liệu mới nhất trên Internet mà LNĐ đọc được, thì trong số hơn 200 chai Château, hiện nay có 62 chai được đưa vào danh sách “rượu xịn”, gồm 5 thứ hạng, từ hạng nhất – Premier grands crus classés (First Great Growths) tới hạng 5 – Cinquième grands crus classés (Fifth Great Growths).

 

Hạng nhất gồm 4 chai rượu “triển lãm” đã kể trên; tới năm 1973, chai Château Mouton Rothschild được nâng cấp, từ hạng nhì lên hạng nhất, nâng tổng số thành 5 chai.

 

* * *

 

Tới đây, nói về giá cả của các chai “Château”, LNĐ có thể viết: thượng vàng hạ cám. Nói có sách mách có chứng, một quảng cáo trên Internet về giá rượu Château đã ghi):

 

– Château Latour 2005 – 750 ml: $1,999.99 (tiền Úc). Sale price: $1,949.99

 

– Château De Sales Pomerol 2006 – 750 ml. Price: $29.99.

 

– Château Margaux 2003 – 750 ml: $1,099.99. Sale price: $919.99

 

Như vậy, cùng là rượu Château, chai Château Latour 2005 giá gấp 65 lần chai Château De Sales Pomerol 2006 – là chai không được nằm trong danh sách 5 thứ hạng kể trên!

 

LNĐ không biết chai Château mà ông HNT đọc được trên quảng cáo hướng dẫn là của hãng nào, nhưng chắc chắn chai đó phải nằm trong danh sách rượu xịn.

 

Cũng cần nói thêm, theo giá cả ghi trên Internet, giá trung bình của một chai Château Margaux khi mới bán ra chỉ vào khoảng 150 tới 200 đô-la Úc. Nhưng vì số lượng sản suất hạn chế (mỗi năm chỉ có 150.000 chai cho toàn thế giới), cho nên tùy vào cách biệt giữa cung cầu, và tùy mùa nho, có những chai sau đó đã được bán lại với giá gấp chục lần.

 

Sau đây là một số kỷ lục về giá của rượu Château của vùng Bordeaux:

 

– Một chai Château Margaux mùa nho 1787 (2 năm trước khi xảy ra cuộc Cách mạng Pháp 1789) hiện được bảo hiểm với trị giá kỷ lục là 225,000 đô-la Úc.

 

  Một chai Château Lafite-Rothschild cũng mùa nho 1787, bán đấu giá với giá kỷ lục 160,000 đô-la Úc. Chai rượu này nguyên là của ông Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, về sau trở thành vị Tổng thống thứ ba của Hiệp chủng quốc. Dĩ nhiên, chai rượu cũ trên 200 năm này chỉ có giá trị sưu tầm, chứ không còn uống được!

 

– Trong một cuộc đấu giá vào ngày 28 tháng 9 năm 2006, các chai rượu mùa nho 1945 của Château Mouton Rothschild đã tạo kỷ lục “tập thể” sau đây: 6 chai magnum (1.5 lít) bán với giá 345,000 đô-la Úc, và 12 chai bình thường (750ml) với giá 290,000. Cộng cả hai lại rồi tính đổ đồng, một chai

Château Mouton Rothschild 750ml giá 28,750 đô-la Úc!

 

* * *

 

Nhưng nếu chỉ nói về giá của một chai vang đỏ của Pháp khi mới được bán ra (new release), thì hai chai đắt tiền nhất lại không phải là sản phẩm của “ngũ đại gia”, mà chai Château Pétrus của vùng

Bordeaux và chai Romanée Conti của vùng Burgundy.

 

Sở dĩ chai Château Pétrus không có tên trong danh sách “ngũ đại gia” là vì hãng rượu này nằm ở tổng Pomerol, nơi duy nhất ở vùng Bordeaux không chấp nhận phương thức xếp hạng “Bordeaux Wine Official Classification of 1855”. Giá một chai Château Pétrus mùa nho mới bán ra vào khoảng 1000 đô-la Úc.

 

Còn chai Romanée Conti của vùng Burgundy thì giá tới 3000 đô-la một chai, được chinh thức ghi nhận là “chai vang đỏ mùa nho mới đắt giá nhất thế giới”.

 

Cũng nên biết chai Romanée Conti, cũng như hầu hết vang đỏ của vùng Burgundy, làm bằng nho Pinot Noir, là loại nho quý phái, khó tính và… ái quốc – đem đi nơi nào trồng cũng không thể cho rượu ngon như trồng ở Burgundy!

 

 

Giai thoại và huyền thoại

 

(1) Rothschild:

 

Những độc giả nào quan tâm tới nền tài chánh quốc tế, hẳn không xa lạ gì với cái tên Rothschild, bởi đó là hệ thống ngân hàng và tài chánh quốc tế lớn nhất, mạnh nhất, và giàu nhất thế giới. Rothschild là tên một dòng họ, và dòng họ này cũng chính là chủ nhân của hai trong “ngũ đại gia” của rượu vang vùng Bordeaux: Château Lafite-Rothschild Château Mouton Rothschild.

 
Dòng họ Rothschild có nguồn gốc Do-thái, có truyền thống tài chánh ngân hàng từ ngày chưa có… ngân hàng. Đọc truyện cũ của Pháp, chúng ta thường thấy ở Âu châu thời đó, thành phố nào cũng    có ít nhất một tiệm cầm đồ do người Do-thái làm chủ, kiêm cả công việc cho vay tiền với lãi xuất “xanh xít đít đuôi”  (cing: six – dix: douze)!

 

[Trước đây, do chịu ảnh hưởng ngôn ngữ của Pháp, khi nhắc tới dòng họ Rothschild, người Việt thường phát âm theo tiếng Pháp là “Rốt-sin”]

 

Từ đầu thế kỷ thứ 19, dòng họ Rothschild bắt đầu tìm cách hòa nhập vào tầng lớp quý tộc ở Đức, Pháp và Anh quốc (chủ nhân đầu tiên của hai hãng rượu Château Lafite-Rothschild Château

Mouton Rothschild đều là các vị Bá tước mang họ Rothschild).

 

Trước khi xảy ra Thế chiến Thứ nhất, các ngân hàng và cơ sở tài chánh của dòng họ Rothschild đã phát triển mạnh tại Hoa Kỳ, và vào thời gian trước khi xảy ra Thế chiến Thứ hai, người ta ước đoán dòng họ Rothschild nắm trong tay 30% tài chánh của cả Hiệp chủng quốc! Và nghe kể lại, trước khi quyết định tuyên chiến với Đức Quốc Xã, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã phải “nói chuyện” với các tay lãnh đạo dòng họ Rothschild ở Hoa Kỳ, để bảo đảm sự hậu thuẫn tài chánh!

 

(2) Margaux:

 

Tuy đứng hạng nhì trong “ngũ đại gia” của Bordeaux, nhưng hình như nói tới rượu vang đỏ Bordeaux là dân sành rượu lại nhắc tới “Château Margaux”; không hiểu vì rượu Château Margaux được nhiều người ưa chuộng hơn, hay chỉ đơn thuần vì chữ “Margaux” mang nhiều âm hưởng “Pháp” hơn là chữ “Rothschild”?!

 

Một trong những danh nhân ưa chuộng, phải nói là “mê” vang đỏ Château Margaux, là văn hào Ernest Hemingway của Mỹ, người đoạt giải Nobel Văn chương năm 1954, tác giả những cuốn truyện nổi tiếng như The Old Man and the Sea (Ngư ông và biển cả), A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí)…  Do ảnh hưởng của ông, con cháu cũng đều mê vang đỏ Château Margaux.

 

Người cháu nội đầu tiên (cháu gái) của Ernest Hemingway có tên là Margaux Hemingway – người mẫu kiêm nữ diễn viên điện ảnh, nổi tiếng với phim Lipstick.

 

Có hai giai thoại về cái tên “Margaux” này. Giai thoại thứ nhất nói rằng chính Ernest Hemingway, vì mê rượu vang Château Margaux nên đã “ra lệnh” cho trưởng nam Jack Hemingway đặt tên con gái là “Margaux”.

 

Giai thoại thứ hai do chính Margaux Hemingway kể, theo đó tên khai sanh của cô là Margot Hemingway; nhưng sau này lớn lên, được nghe mẹ kể lại rằng vào đêm bà thụ thai cô, hai ông bà đã cùng nhau “cạn” một chai Margaux Hemingway tự tử, cho nên cô, bản thân cũng mê Château Margaux, đã xin đổi tên thành Margaux Hemingway.

 

Về sau, cả hai ông cháu đều tự tử: Ernest Hemingway tự tử bằng súng năm 1961, còn Margaux Hemingway tự tử bằng cách “overdosed” vào năm 1996.

 

Tuy nhiên cũng xin nói rõ để những người mê vang đỏ được yên tâm: cả hai ông cháu đều tự tử vì bị tâm thần, chứ không phải vì… say rượu! (Còn tiếp)

 

TVTS – 1308