Dự luật thay đổi điều 18C về kỳ thị chủng tộc

12 Tháng Tư, 2017 | Bình Luận
(Photo courtesy: www.humanrights.gov.au)

Điều 18C của Đạo luật Chống Kỳ thị Chủng tộc đặt một người trở thành kẻ vi phạm luật khi ở nơi công cộng họ có lời nói được xem là “gây khó chịu, sỉ nhục, làm bẽ mặt hay dọa dẫm” (offend, insult, humiliate or intimidate) một người vì chủng tộc, màu da, quốc tịch hay sắc tộc.

Cách đây khoảng ba năm, trước  những ta thán của dư luận vì điều 18C đã ngăn cản tự do ngôn luận, phát biểu ý kiến, Thủ tướng Tony Abbott lúc đó đã vận động và tuyên bố sẽ tìm cách để dẹp hay thay đổi   điều khoản này. Tuy nói rất mạnh miệng, nhưng trước phản ứng của các nhóm sắc tộc và vì sợ mất phiếu qua các cuộc thăm dò dư luận không có lợi cho chính phủ, ông Abbott đã không kèn không trống xù dự tính này.

Tưởng rằng Abbot ra đi thì chuyện xét lại điều 18C cũng đi theo ông cựu thủ tướng rất mạnh miệng. Nhưng.

Gần đây xảy ra vụ ba sinh viên đại học Queensland University of Technology (QUT) bị một nữ nhân viên gốc Thổ dân kiện kỳ thị chủng tộc đòi bồi thường $250,000 chỉ vì một ý kiến đưa lên facebook và một họa sĩ biếm họa bị khiếu nại và bị Ủy hội Nhân Quyền Úc điều tra chỉ vì một bức tranh được coi là nói sự thật về tình trạng thiếu trách nhiệm của phụ huynh trong cộng đồng Thổ dân, các chính trị gia và nhất là báo The Australian của tập đoàn truyền thông News Corp đã vận động dư luận và chính trường để thay đổi điều khoản 18C: dẹp bỏ hay thay đổi một số từ quá lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng để than phiền hay kiện cáo.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. (Photo: Reuters)

Từ ngày lên cầm quyền, Thủ tướng Turnbull không mặn mà với  việc tu chính điều khoản 18C. Nhưng với áp lực của truyền thông   và các chính trị gia bảo thủ, người được coi là “ăn nói nhẹ nhàng” hứa sẽ từ từ bàn thảo. Và chỉ đến khi một quan tòa ở Queensland phán ba bị cáo của trường QUT không có lý do để trả lời trước tòa, thủ tướng  đã khơi mào cho các dân biểu nghị sĩ đảng nhà phát biểu ý kiến và cho thành lập một ủy ban quốc hội  lưỡng đảng điều tra như là một hình thức bán cái. Nhưng đầu năm này ủy ban quốc hội sau một thời gian tham khảo ý kiến của công chúng, đã không có khuyến cáo rõ rệt về điều 18C ngoài việc đề nghị tổ chức lại lối làm việc của Ủy hội Nhân quyền Úc. Thế là trước mắt các đảng đối lập, chính phủ không có được lý do “chính đáng” để hành động. Nội bộ đảng Tự do nói riêng và Liên đảng (Tự do và Quốc gia) nói chung càng trở nên chia rẽ. Người bảo thủ muốn dẹp hay ít ra cũng sửa đổi luật. Kẻ trung dung hay cấp tiến muốn giữ nguyên trạng hay sửa đổi “tí ti” vì sợ mất ghế hay mất sự  ủng hộ của các sắc tộc.

Thủ tướng Turnbull cứ cười mỉm chi, mặc cho các nhóm trong đảng  phát biểu. Có người từng giúp ông Turnbull đánh bại ông Abbott trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 9 năm 2015 cho rằng cuối cùng việc đảng Tự do đưa ra dự luật sửa đổi điều 18C sẽ xảy ra dưới thời ông Turnbull làm thủ tướng. Đúng như vậy!

Chuyện đó đã xảy ra vào đầu tuần qua. Tưởng rằng trống đánh xuôi kèn thổi ngược và có quá nhiều ý kiến xung khắc, đảng Tự do sẽ bị tê liệt không có được một quyết định. Nhưng ông Turnbull đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu và đảng đã nhất trí thông qua dự luật mà người ta có thể đoán trước. Không xóa bỏ toàn bộ điều 18C mà chỉ sửa lại. Thay ba chữ đầu offend, insulthumiliate bằng một chữ harass (quấy nhiễu); và để chứng minh bị quấy nhiễu và dọa dẫm (intimidate), người khiếu nại phải được một người bình thường (pub test) trong cộng đồng chính mạch cảm nhận chứ không thể bởi một người trong nhóm cá biệt (sắc tộc).

Như vậy, muốn kiện cáo bị kỳ thị chủng tộc phải chứng minh bị quấy rối  hay dọa nạt, chứ nói một câu vu vơ như mấy anh sinh viên QUT hay một bức hí họa thực tế như của Bill Leak không thể là lý do để kiện.

Lao động và đảng Xanh dứt khoát chống dự luật của chính phủ. Đảng  Xenophon nói chỉ cứu xét tiến trình làm việc của Ủy hội Nhân quyền chứ không ủng hộ thay bằng từ harass. Có nghĩa dự luật sẽ bị viện trên bác bỏ. Nhưng ít ra Thủ tướng Turnbull có quyết tâm bảo vệ giá trị Úc, đó là tự do ngôn luận. Vẫn còn thì giờ để mặc cả với mấy nghị sĩ độc lập, cho đến ngày bầu cử.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1618 phát hành ngày 29.03.2017)