Hỏi và giải đáp 235: Lấy vợ ‘Việt kiều’ (2)

04 Tháng Năm, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Sau khi TL trả lời thư em T., một người trai trót lỡ lấy vợ ‘Việt kiều’, cô đã có một nữ độc giả đóng góp ý kiến. Đó là em X ở… Xin đăng nguyên văn những đoạn chính trong thư (vì không có những tên tuổi và chi tiết cá nhân cần phải giữ kín):

……

Cô Thanh Lan quý mến,

Cũng giống như anh T, em xin phép xưng hô bằng em cho thân mật. Đọc số tuần qua, càng thông cảm với suy nghĩ và nỗi buồn của anh T, em lại càng cảm phục sự phân tích và nhận định của Cô trong việc tìm ra phương hướng giải quyết đúng đắn nhất cho anh và những người đồng cảnh ngộ.

Em dù còn ít tuổi, đường đời đi chưa qua phân nửa nhưng vì em là một người trong cuộc, nên xin có đôi lời gọi là để an ủi cho anh T lên tinh thần.

Thưa Cô,

Em là một cô gái VN lấy chồng Việt Kiều. Xuất thân và sự nghiệp học vấn của em không thể so sánh với anh T, đã vậy nhan sắc chỉ ở mức trung bình. Em được họ hàng làm mai và trở thành vợ của A (chồng em) và sống rất hạnh phúc từ mấy năm nay.

Trường hợp của em đơn giản hơn của anh T có lẽ vì em không có ước vọng sang Úc sẽ học lại. Tuy nhiên em không tin rằng những sự thất vọng của anh T hiện nay là do thất bại trong việc học lại bằng cấp cũ, mà chủ yếu là do suy nghĩ của anh, cộng với thái độ của gia đình vợ.

Em xin lỗi anh T trước khi đưa ra nhận xét: suy nghĩ của anh về bằng cấp là không đúng nếu như áp dụng tại xã hội Úc hiện nay. Em thấy có nhiều phụ nữ Úc thành đạt, có địa vị hơn chồng rất xa, mà vợ chồng sống rất hạnh phúc và tôn trọng lẫn nhau.

Đấy là nói về đàn ông Úc, những người mà khi còn trẻ có dư điều kiện ăn học thành tài mà không chịu học hoặc cố gắng học nhưng không vào. Còn người Việt Nam mình, do nhiều hoàn cảnh cá nhân khác nhau, đã có không ít người không thể sử dụng lại bằng cấp cũ, không đủ khả năng tiếng Anh để đi học trở lại, đã phải làm công nhân, nhưng là ‘công nhân trí thức’.

Điều quan trọng là anh T và chị A. hòa hợp về tâm hồn và quý mến kính trọng lẫn nhau. Việc anh cố gắng để gia đình không bao giờ bị thiếu hụt và chưa bao giờ nhận một sự giúp đỡ nào của gia đình vợ, theo em là đã quá đủ để nói lên giá trị và tư cách con người của anh. Hiện nay anh chị đã có nhà, có xe, có con cái xinh đẹp, ngoan ngoãn thì tất cả mọi thứ khác đều vô nghĩa hoặc chỉ là phụ thuộc.

Thú thật với cô và quý vị độc giả, khi mới sang Úc và đi làm hãng, em cũng mặc cảm khi so sánh thân phận của mình với chị em chồng cũng như với các cô gái đồng trang lứa trong cộng đồng Việt Nam. Nhưng càng ngày em càng cảm thấy tự tin, chẳng phải chỉ vì ở Úc có tiền là mua được tất cả mà còn vì em thấy trong xã hội này có một sự bình đẳng gần như tuyệt đối. Mỗi người luôn luôn có hai thành phần bạn bè: bạn bè cùng nơi làm việc và bạn bè để giao tế.

Em được những người làm trong hãng nể trọng vì em có học thức, có tư cách của người được giáo dục, em giao kết với những người có địa vị một cách ngang hàng và tự nhiên bởi vì điêu quan trọng là cùng trình độ, sở thích chứ không cần cùng địa vị. Dĩ nhiên cũng có một số người Việt còn mang đầu óc quan liêu, thì mình đừng chơi với họ, hoặc vì hoàn cảnh bắt buộc phải tiếp xúc thì cứ xem họ như người cùng giai cấp với mình, dần dần họ sẽ phải thay đổi thái độ hoặc tự động rút lui!

Còn đối với gia đình bên vợ, em thấy anh T cho rằng vì ‘mình không có bằng cấp, địa vị như anh em bên vợ mà chỉ là thằng cu-li’ nên bị khinh rẻ, em cho rằng chỉ vì anh T trước đây đã ôm nhiều mộng đẹp, nay mộng không thành nên mới tự ti mặc cảm.

Trong phần góp ý kiến với anh T, cô có nhắc tới giai cấp ‘Việt kiều’ với nghĩa mỉa mai, theo em chỉ đúng trong quá khứ, hoặc ngày nay nếu còn hiện hữu thì cũng chỉ có giá trị, chỉ là ‘tiêu chuẩn’ của người thủ lợi vật chất, chứ còn đối với những người ý thức, cả người trong nước cũng như hải ngoại, hai chữ ‘Việt kiều’ không còn mang nghĩa mỉa mai như trước kia nữa đâu.

Sau hết nói về thái độ của gia đình A đối với anh T, em nghĩ rằng thời gian sẽ khiến họ thay đổi, có chậm trễ thì cùng lắm cũng là khi các cháu khôn lớn, học hành nên người.

X.