Hỏi và giải đáp 237: Đàn ông bạc tình!

09 Tháng Năm, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Vô tình trùng hợp, lá thư TL trả lời tuần này cũng viết về chuyện tan vỡ hạnh phúc, có khác chăng là em X (tác giả lá thư) đã chung sống với chồng được hơn 15 năm. Sơ lược hoàn cảnh của X như sau:

X, gần 40 tuổi, và chồng (A) là một cặp xứng đôi vừa lứa, tuy không có nhiều thời gian tìm hiểu (kết hôn khi cả hai mới tới Úc) nhưng chung sống rất hạnh phúc, hòa hợp. Tới khi đứa con lớn chuẩn bị lên trung học, A mới lén lút đi lại với một cô gái trẻ (B) và sau khi cô ta có bầu thì mọi việc bị đổ bể. A bỏ vợ con (ly dị một cách hợp pháp) để chung sống với B… Hiện nay hai người rất hạnh phúc!

X viết:

…Em nghĩ nguyên nhân chính là vì B trẻ đẹp, còn con gái trong khi em đã là một phụ nữ bắt sắp bước vào tuổi 40. Chuyện xảy ra đã hơn 1 năm, nay em không còn thù ghét cô ta nữa, vì trai thiếu gái thừa, không kiếm được trai độc thân đành lấy đỡ người có vợ vậy. Em chỉ khinh ghét con người bạc tình bạc nghĩa, coi vợ con như  con số không. Em cứ đau khổ với ý nghĩ tại sao con người có thể tệ hại đến như thế được? Có phải tất cả mọi người đàn ông khi gặp hoàn cảnh thuận tiện đều có thể bỏ vợ con một cách dễ dàng như thế hay không?

Nhìn chung quanh, em biết không em là nạn nhân duy nhất nhưng em tự hỏi tại sao việc ấy lại xảy ra cho mình, cho các con mình? Tại sao đàn ông nếu chỉ thích gái trẻ đẹp ngay từ đầu không chịu sống độc thân vui tính, muốn cặp muốn bỏ ai cũng được, mà lại lấy vợ làm chi để rồi gây oán tạo nghiệp?!

 

Ý kiến Thanh Lan:

Em X thân mến,

Bất cứ một cuộc tan vỡ hôn nhân nào cũng có nguyên nhân riêng của nó, tuy nhiên xét một cách chung chung, người ta bắt buộc phải nhìn nhận thực tế phũ phàng: phần lớn là do người đàn ông gây ra, vì bản chất tham lam cố hữu và thế thượng phong mà xã hội đã tạo cho phái nam.

Có thể viết mà không sợ các ông chồng phản đối: nếu không có lý trí ngăn cản, đạo đức ràng buộc (nguyên nhân chủ quan), nếu không sợ pháp luật làm khó dễ, không sợ tiếng đời khen chê (nguyên nhân khách quan) thì trong 10 ông có tới 9 sẽ thể hiện lòng tham lam đó qua hành động, có khác chăng chỉ là ở mức độ (‘one night stand’, cặp kè lén lút hay công khai, v.v…).

Như vậy, khi  gặp hoàn cảnh thuận tiện, người đàn ông có thể bỏ vợ con một cách dễ dàng hay không là tùy thuộc vào các yếu tố nói trên – mà trong đó, theo TL, lý trí là quan trọng nhất rồi mới tới đạo đức. Bởi vì lý trí có khả năng, nhiệm vụ phân biệt phải trái, đúng sai để hướng dẫn lương tâm con người. Một khi thiếu lý trí thì đạo đức không còn giá trị gì nữa.

Ở đây, bỏ qua những trường hợp chia tay do lỗi hoặc do ý muốn của cả hai người để chỉ kể những vụ chia tay do người đàn ông chủ động, thì phải nói không có cuộc chia tay nào có thể gọi là ‘tốt đẹp’ được. Kể cả những trường hợp được báo chí ca tụng, chẳng hạn đạo diễn điện ảnh Steven Spielberg của Mỹ tự nguyện chia đôi gia tài 600 triệu đô-la cho vợ cũ, cũng để lại vết thương lòng cho người phụ nữ bị chồng bỏ.

Cho nên, chúng ta cũng phải nhìn nhận những ‘tích cực’ mà phong trào đòi nam nữ bình quyền đem lại cho nữ giới, không chỉ về mặt pháp lý mà còn về mặt tinh thần để họ thấy đàn ông không còn độc quyền chủ động trong cuộc sống tình cảm, không còn đóng vai trò quyết định, không còn là người ban phát hạnh phúc cho nữ giới nữa!

Trở lại trường hợp của em, TL cho rằng A đã mất hết lý trí khi gặp B. Tức là đã say mê B tới mức bất chấp mọi hậu quả. Bởi nếu còn chút lý trí, A sẽ phải ‘ngoại tình có giới hạn’, tức là hưởng thụ thân xác của B, thậm chí thương yêu lo lắng cho B nhưng không để B mang bầu!

Nói tới việc mang bầu thì cũng không thể lập luận một cách ‘nhân đạo’ như em, cho rằng ‘vì trai thiếu gái thừa, không kiếm được trai độc thân đành lấy đỡ người có vợ vậy’. Trong trường hợp này, B cũng là người mất lý trí nên mới dám ‘cướp chồng người’.

Dĩ nhiên, Chúa Phật đã phán dạy chúng ta không được phán đoán kẻ khác, đồng thời những người đàn ông bỏ vợ, những người đàn bà cướp chồng người cũng sẽ tự biện minh là họ ‘bị’ thu hút bởi sức mạnh không thể chống cưỡng của nhau. Nhưng không phải vì thế mà dẹp bỏ hay coi thường những nguyên tắc đạo lý, đạo đức chung.

Cho nên TL rất đồng ý với em khi khuyên quý tu mi nam tử rằng: một khi biết rõ bản thân mình là người chỉ thích đàn bà con gái trẻ đẹp thì hãy sống độc thân vui tính, muốn cặp muốn bỏ ai cũng được, chứ đừng lấy vợ, có con để rồi sau này gây oán tạo nghiệp. TL cũng có thể viết thêm: nếu lỡ có vợ con rồi mới khám phá ra mình là người ‘đa tình’ thì phải ‘tự chế’, không ‘tự chế’ được thì phải ‘hạn chế’, đừng để tới mức có con ngoại hôn, hay tệ hại hơn, tan vỡ hạnh phúc gia đình. Trong trường hợp này, ‘đạo đức giả’ (giống như ông Rex Hunt mới đây) là có lợi!

Thanh Lan