Hỏi và giải đáp 239: ‘Nghiệp làm mẹ’ (2)

25 Tháng Năm, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý với nữ độc giả X – một bà mẹ đang có ‘nguy cơ’ lên chức ‘bà ngoại bất đắc dĩ’. Sơ lược hoàn cảnh  của bà X như sau:

A, con gái bà X, mới 17 tuổi đã có bầu, mà ‘tác giả’ (B) cũng còn vị thành niên. Tuy nhiên đối với bà, điều quan trọng nhất không phải là B vị thành niên mà chính vì cậu ta ‘không ra gì cả’: con nhà giàu nhưng không lo học hành, chỉ lo đàn đúm ăn chơi, phá phách; cho nên bằng mọi giá, bà không chấp nhận cho A tiếp tục quan hệ với B, chứ đừng nói gì tới việc nhận B làm con rể!

Vấn đề còn lại của bà là giải quyết bào thai (3 tháng) trong bụng con gái. Lúc đầu bà quyết định dẫn A đi phá nhưng… ‘Ban đêm tôi cứ nằm chiêm bao những chuyện mơ hồ, hãi hùng, chẳng có đầu đuôi gì cả nhưng đã khiến tôi hoang mang lo sợ, chần chừ… Tôi là người theo đạo thờ cúng ông bà theo truyền thống gia đình, có nghĩa là tôi không mấy tin tưởng và e ngại trời đất. Tôi chỉ muốn xin cô những lời khuyên giải rất  thực tế: lợi hại như thế nào?…’

 

Ý kiến Thanh Lan:

Bà X kính mến,

Có lẽ bà không đọc mục này thường xuyên, hoặc đọc nhưng đã quên, bởi vì trên thực tế không phải tất cả những độc giả hỏi về đề tài phá thai đều là Phật tử như bà đã viết. Nhưng dù sao chăng nữa, tất cả những ý kiến của TL trong các vụ này chỉ có giá trị tương đối so với tâm sự của một nữ độc giả có con gái phá thai cách đây mấy năm, qua đề tài ‘Nghiệp làm mẹ’. TL quên mất tên nên tạm gọi là bà Y.

Bà Y không hề đem giáo lý nhà Phật ra để khuyên mọi người, và chữ ‘nghiệp’ bà sử dụng cũng chỉ mang ý nghĩa đời thường. Trong trường hợp của bà, bà chỉ biết việc con gái (Z) phá thai sau khi cháu đã âm thầm tự ý thực hiện. Nhưng sau khi con gái ‘thú tội’ và nhận thấy ảnh hưởng tai hại gây ra cho con gái (hối tiếc, buồn sầu…) bà Y vừa đau khổ lây với nỗi buồn của con vừa ân hận vì mình đã không làm tròn bổn phận của một người mẹ. Bởi vì theo lập luận của bà, nếu quả thực bà là một người mẹ ‘perfect’, là nơi nương tựa, là nguồn an ủi của con cái thì cháu Z đã phải thú thật và hỏi ý kiến của mẹ trước khi phá thai!

Từ đó, bà Y đã dành hết thì giờ và tình thương cho con gái, kết quả sau một thời gian cháu Z đã nguôi ngoai và vui sống trở lại, mặc dù không thể lấy lại những gì thơ ngây đã mất.

Lá thư của bà Y ngày ấy đã khiến TL (và có lẽ nhiều bà mẹ khác) không chỉ xúc động mạnh mà còn phải giật mình: làm mẹ không chỉ là hạnh phúc (nhìn con ra đời và khôn lớn), là trách nhiệm (giáo dục con nên người), là đau khổ (khi thấy con hư), mà phải nói đó là một cái ‘nghiệp’ – nghĩa là chúng ta phải chấp nhận vô điều kiện, phải cố gắng hết sức mình, không than van, không oán trách số phận, không so bì với người khác, không đổ lỗi cho con ‘khó dạy’, v.v…

TL thực sự đã học được rất nhiều qua lá thư tâm sự của bà Y, và nay xin sử dụng để góp ý kiến với bà:

Thứ nhất, việc bà ‘đêm nằm chiêm bao những chuyện mơ hồ, hãi hùng, chẳng có đầu đuôi gì cả’ nhưng đã khiến bà hoang mang lo sợ, chẳng cần phải là một nhà giải mộng cũng có thể khẳng định nguyên nhân là vì ban ngày chính bà đã hoang mang lo sợ. Vì bà tự nhận ‘không mấy tin tưởng và e ngại trời đất’, TL chỉ nói về lợi hại trước mắt: nếu bà không cảm thấy an tâm, không thể dứt khoát 100% trong việc đưa cháu A đi phá thai, TL khuyên bà không nên nên thực hiện. Bởi vì như bà Y đã tâm sự: sau khi cháu Z con gái bà phá thai, chính cháu là người phải hối tiếc, ân hận, và đau khổ nhiều hơn ai hết  về một việc làm mà cháu chưa đủ khôn ngoan, chín chắn, trừng trải để quyết định một cách đúng đắn. Bi thảm chính là ở chỗ ‘vô tội (vì chưa ý thức) nhưng vẫn mang mặc cảm tội lỗi.

Nhưng, như bà Y đã viết, con đau khổ một thì mẹ xót xa mười!

Dĩ nhiên bà, hoặc một số người thân quen có thể so sánh giữa lợi và hại một cách cụ thể để đi tới kết luận: chỉ ‘bỏ’ một bào thai mà giải quyết được tất cả mọi rắc rối, tai hại thì dù mang ‘tội’ cũng còn hơn là ‘giữ’.  Nếu quả như thế, TL chỉ xin đặt một điều kiện: nếu bà thực sự an tâm và nhất quyết sẽ không ân hận thì cứ việc  tiến hành.

NHƯNG ở đây, đêm đêm ác mộng lại về thì rõ ràng bà chưa an tâm. Cháu A còn nhỏ dại, tất cả tùy thuộc vào mẹ thì bà càng phải đắn đo suy nghĩ. Cháu A trở thành single mum vào tuổi 18, bà lên chức ‘bà ngoại bất đắc dĩ’ là những gì không mấy tốt đẹp nhưng ‘lâu rồi đời người cũng qua’, trong khi nếu để cháu A phá thai và rồi đây cháu bị ám ảnh thì ám ảnh ấy có thể kéo dài suốt một đời, gây ảnh hưởng tai hại khôn lường về tâm lý.

Đó chính là những lời khuyên giải rất thực tế của TL theo yêu cầu của bà.

Kính,
Thanh Lan