Hỏi và giải đáp 241: “Đàn ông phản bội” (3)

30 Tháng Năm, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Sau khi TL đăng lá thư của nữ độc giả Y trong “Hỏi và giải đáp 238“, đã có một nữ độc giả khác đóng góp ý kiến, đó là bà X. Cũng tương tự như lá thư của nữ độc giả Y – một người vợ bị chồng bỏ – lời lẽ trong thư của bà X – một người không bị chồng bỏ – cũng có phần ‘dễ gây mích lòng’, tuy nhiên về nội dung thì  nói chung cũng là những giải thích mang tính cách xây dựng hơn là đả kích lẫn nhau. Dù sao, để tránh xúc phạm tới bất cứ thành phần độc giả nào, TL cũng xin lỗi trước nếu như có ai cảm thấy không vui sau khi đọc lá thư góp ý này.

* * *

Cô Thanh Lan thân mến,

Tôi đọc cả hai kỳ báo “Đàn ông phản bội” 1 và 2, nhận thấy sự lên án nào cũng đúng. Tuy nhiên ngạn ngữ có câu ‘tiên trách kỷ hậu trách nhân’, tôi cho rằng trong đa số trường hợp, những người tự nhận là ‘nạn nhân’ cũng phải chịu một phần trách nhiệm trước sự đổ vỡ.

Xin viết thêm để tránh những sự ngộ nhận cho tôi là kẻ ‘may mắn’, ‘chưa thấy quan tài’: những trường hợp tôi rút tỉa kinh nghiệp đều là của người thân quen, chứ không phải tôi khơi khơi lên mặt dạy đời.

Ngay đầu thư, chị Y đã khẳng định ‘cũng có những ông chồng đối xử với vợ thật là tuyệt vời và ngược lại cũng có những bà vợ thật là quá quắt’, nhưng sau đó lại viết tiếp:

‘Nhưng hiện tại vào thời điểm này đàn ông ngoại tình, bỏ vợ, bỏ con khá phổ biến trong cộng đồng chúng ta… Tôi cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự nên tôi cảm thấy xót thương cho thân phận người phụ nữ của xã hội văn minh, cái gọi văn minh này có đi quá trớn không?!’

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, và hy vọng cũng là của một số không ít chị em khác, chúng ta nên đổ tội cho khuynh hướng thực tế, ích kỷ của xã hội tây phương chứ không nên kết án nền ‘văn minh tây phương’. Bởi vì một khi đã gọi là ‘văn minh’ thì có nghĩa là đi lên, là lấy cái mới (tốt hơn) để thay cái cũ. Văn minh chỉ xấu khi bị lợi dụng, lạm dụng.

Tôi xin lấy thí dụ:

Nếu một người vợ trẻ mới ngoài 30, thì dù đã 2, 3 mặt con

nhưng nếu biết gìn giữ sắc đẹp, thân hình, biết lúc nào đầu tắt mặt tối, lúc nào phải ưu tiên chiều chuộng, thu hút chồng thì một người chồng bình thường (chứ không cần phải gương mẫu) cùng lắm cũng chỉ đi ‘đèn đỏ’ cho biết mùi (xin lỗi nếu tôi hơi sỗ sàng), chứ chẳng ai dại gì đèo bồng cho thêm mệt óc và mệt xác!

Cho nên khi chị Y viết ‘mình phải vật lộn với miếng cơm manh áo, có lúc phải quên đi bản thân mình, hy sinh cho gia đình’ cho nên già xấu đi, không thể ‘địch lại’ với các em ở VN ‘em nào cũng trẻ, cũng ăn nói ngọt ngào êm dịu’ là chị đã vô tình nhận một phần lỗi về mình.

Đã là con người thì dù đàn ông hay đàn bà cũng chẳng có ai là ‘thánh’. Đàn ông tham lam, ích kỷ, ham mê sắc dục thì đàn bà chúng ta cũng độc địa, cố chấp, tham tiền!

Những sự thiệt thòi mà phụ nữ, kể cả tây phương lẫn Á đông, phải chịu là do hủ tục, truyền thống xã hội đem lại chứ không phải vì đàn ông ít lương tâm, kém đạo đức hơn đàn bà. Chúng ta phải chấp nhận sự thiệt thòi ấy như một việc tất yếu thì mới vui sống hạnh phúc được.

Dĩ nhiên, tôi không thể bênh vực những ông chồng cờ bạc, rượu chè, trai gái, nhưng thiết nghĩ không phải bất cứ những người chồng nào phạm vào các tội ấy đều ‘ra đường nói xấu vợ, đổ lỗi cho vợ để bao che, khỏa lấp đi cái tâm địa xấu xa của mình’ như chị Y đã viết. Bởi vì không ai có thể lừa dối, gạt gẫm chính lương tâm của mình. Thành thử nếu một người chồng mà cố tình hành xử như thế (nói xấu vợ, đổ lỗi cho vợ) thì hạnh phúc gia đình của ông ta coi như đã ‘hết thuốc chữa’, còn chung sống với nhau chẳng qua vì con cái, vì sợ tiếng dèm pha của người đời mà thôi.

Tuy nhiên, nếu người chồng của chị Y mà mở miệng nói rằng ‘đã chán vợ’, ‘đã hết cảm giác với nhau’ thì tôi không còn gì để nói nữa, bởi anh ta đã để lộ bản chất tệ bạc và con người quá tầm thường của mình.  NHƯNG bên cạnh đó, chị Y, cũng như các bà vợ trung niên khác, không nên suy nghĩ một cách đơn giản (thực chất là thiển cận) rằng ‘đã lớn tuổi tại sao không nghĩ tới con cái đã trưởng thành mà còn nghĩ tới… cảm giác’!

‘Cảm giác’ không chỉ là sinh thú trời ban cho mỗi con người mà còn là liên kết thiêng liêng vô hình giữa hai người bạn đời – mặc dù tùy theo mỗi tuổi tính cách sôi động có thể bớt đi nhưng sự nồng thắm phải duy trì.

Cuối cùng, tôi xin đại diện thành phần mà chị Y gọi là ‘những chị đang sống hạnh phúc bên chồng con’ để thưa rằng: đứng trước bất hạnh, đau khổ của người khác, mỗi người chúng ta đều có suy nghĩ và phản ứng khác nhau, tùy vào bản chất con người, quan niệm đạo đức chứ không phải cứ hễ ‘không bị chồng bỏ thì huyênh hoang’ hay ‘có những nhận xét không tốt về người bị chồng bỏ’.

Chúng tôi biết rất rõ như chị Y đã viết: chúng tôi ‘có số được hưởng hạnh phúc’, chúng tôi ‘chưa chắc đã đẹp hoặc bản lãnh hơn ai’ mà ‘chỉ vì lấy được những ông chồng biết ý thức trách nhiệm bổn phận’ nên không lâm vào hoàn cảnh bị chồng bỏ.

Bản thân tôi, và đa số bạn bè, chưa bao giờ có cái nhìn miệt thị hay những suy nghĩ không tốt về các bà mẹ độc thân đang cố công nuôi dạy con cái nên người – chưa kể có những trường hợp chúng tôi còn phải bày tỏ sự cảm phục sâu xa.

Trong xã hội tây phương chúng ta đang sống, giữa một phụ nữ đang sống bên chồng con và một bà ‘single mother’ chân chính, chưa chắc ai đã hơn ai, về mặt tinh thần cũng như vật chất. Hy vọng lá thư của chị Y đã không đào sâu thêm hố ngăn cách mà một thiểu số vô ý thức đã đặt ra giữa những người cùng khái nhưng khác cảnh đời.

Kính chào cô Thanh Lan,

X.