Hỏi và giải đáp 246: Lụy vì Tình (2)

15 Tháng Sáu, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

Sau khi trả lời thư em A (Lụy vì Tình) trong “Hỏi và giải đáp 243“, Thanh Lan nhận được thư của em N, một phụ nữ từng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Thư viết ngắn gọn, lời lẽ nhẹ nhàng, không đề cập nhiều tới chi tiết cá nhân nên TL cho đăng nguyên văn:

……

Cô Thanh Lan thân mến,

Đọc lời khuyên của Cô trong bài “Lụy vì Tình” em thấy rất an ủi vì tình cảnh của em mấy năm trước cũng có phần tượng tự như của A vậy, nhưng khi biết em quyết định chia tay thì người Mẹ chồng đã mắng em không tiếc lời là em đã vì cái tính ích kỷ, không có lòng bao dung rộng lượng, không nghĩ đến con cái mà đã làm cho gia đình tan nát!

Chồng em sau một thời gian dài thất nghiệp, đã đi học đại học, sau đó kiếm được việc làm chừng 1 năm thì sinh tật! Trong suốt thời gian biết chồng ngoại tình, em cũng đã thử ráng “chịu đấm ăn xôi” để giữ lại người cha cho các con, và nhứt là tình nghĩa vợ chồng 10 năm trời đâu thể nói bỏ là bỏ được, phải không Cô? Em đã ráng làm đủ mọi cách để anh suy nghĩ lại mà bỏ người đàn bà kia. Bà Mẹ chồng lúc đó cũng ra sức khuyên can anh. Nhưng anh thì không chịu bỏ, vì như anh nói đó chỉ là một cách “giải trí” của anh và em, tuy là vợ, cũng không được xen vào chuyện riêng của anh! Sự việc kéo dài được hơn 1 năm, cuối cùng trong một lần cãi nhau, anh lại  nói câu mà anh vẫn thường nói “chịu được thì ở, không được thì ly dị!” và em đã đồng ý chia tay. Sức chịu đựng của em dù sao cũng có giới hạn. Nhiều lúc em nghĩ là em có thể điên lên được khi anh nói chuyện thoải mái với cô bồ của anh ngay trong nhà em. Cô Thanh Lan nói đúng, sống như vậy rất dễ mất thăng bằng và dễ nghĩ quẩn lắm.

Công với nỗi đau bị chồng phản bội, xót xa cho các con hãy còn nhỏ dại mà đã mất cha, là nỗi đau lòng bị Mẹ chồng (người mà trước giờ em luôn kính trọng) chà đạp, bêu rếu với tất cả những người quen biết. Vẫn biết một người Mẹ có thể làm tất cả vì con, nhưng giúp con mình bằng cách vu khống, bôi nhọ con dâu để lấp liếm việc con trai mình mất đạo đức thì thử hỏi khi đêm xuống, Bà hổ thẹn với chúng không?

Hai mẹ con Bà đã cho em một bài học đắt giá và em luôn lấy đó để tự nhắc nhở mình và các con là “Đừng tin vào bất cứ ai mà chỉ tin vào chính mình mà thôi” để không ai có thể làm tổn thương mình. Cuộc đời đầy rẫy những kẻ phản bội và đạo đức giả!

Rất cảm ơn Cô về những lời khuyên rất hợp tình hợp lý trong mục “Tâm Tình Bạn Đọc” của Cô.

Kính thư, N.

 

Ý kiến Thanh Lan:

Đọc xong lá thư của em N, chắc chắn sẽ có nhiều độc giả liên tưởng tới loạt bài tố khổ ‘Đàn ông phản bội’ mà TL vừa chấm dứt. Tuy nhiên, mục đích lá thư của em NN chỉ là để tâm sự hơn là đề cập tới sự phản bội và đạo đức giả của người đời – trong trường hợp này là của người chồng 10 năm tình nghĩa và bà mẹ chồng trước kia em luôn kính trọng.

Có lẽ TL khỏi cần phân tích, quý độc giả cũng thấy em N đã quyết định đúng khi chia tay với người chồng còn tệ hại hơn người chồng của em A. Bởi ít ra chồng của A cũng còn biết ‘nể’ vợ qua việc ngoại tình một cách lén lút trong khi chồng của N thì thẳng thừng  nói vào mặt vợ ‘chịu được thì ở, không được thì ly dị!’.

Bên cạnh đó, so với nhiều người cùng cảnh ngộ, N còn đau khổ hơn vì bị bà mẹ chồng ‘chà đạp, bêu rếu với tất cả những người quen biết’. Và đây cũng chính là điểm TL muốn đề cập tới.

Chuyện bênh con bênh cháu xưa nay là lẽ thường. Nhưng khi phải lựa chọn giữa con và cháu thì sẽ bênh con, và khi phải lựa chọn giữa con trai và con dâu thì đương nhiên sẽ bênh con trai, cũng là lẽ thường.

Xin kể lại kinh nghiệm bản thân: trước năm 1975, ông chồng quý hóa của TL ở trong quân đội, mỗi khi bị ‘cấm trại’ (curfew) lại tập tành cờ bạc với chúng bạn; vì ổng cứ tìm cách chối quanh, TL phải về nhờ mẹ chồng can thiệp. Nhưng bà không cần tìm hiểu hư thực, phán ngay: Chị nói sao chứ dòng họ nhà tôi xưa nay không có ai đánh bạc cả!

TL tức mình mách với bà ngoại (của chồng) thì ngoại – đã từng xính vính vì chồng con – cười khẩy: Mẹ cháu nói đúng đấy, cả nhà này xưa nay không có ai đánh bạc cả, chỉ trừ bố và các em trai thôi (tức là ông ngoại và các cậu của chồng)!

Ngày ấy TL không ‘mần tới nơi tới chốn’ vì hai lý do: (1) biết ông chồng của mình chỉ ‘ham vui theo chúng bạn’ chứ không đến độ bán vợ đợ con, (2) bà mẹ chồng là người hiểu biết: thương con trai, thương cháu nội nên phải (ép bụng?) thương cả con dâu, nên rốt cuộc luôn luôn vui vẻ cả làng !

Kể ra chuyện này, không phải TL khoe mình là người ‘có phước’ mà chỉ muốn đề cao những ông chồng biết thương vợ thương con và những bà mẹ chồng hiểu biết. Một người chồng thương vợ thì dù ‘mỡ dâng tới miệng mèo’ cũng không thể quên thuở ban đầu mặn nồng, quên tình nghĩa bao năm. Một người cha thương con thì không thể bỏ con bơ vơ để vui duyên mới, để thỏa mãn dục vọng của bản thân. Một bà mẹ chồng thương con trai thì không thể ra mặt thù ghét con dâu; một bà nội thương cháu thì không thể hắt hủi, khinh rẻ người mẹ của chúng.

NHƯNG thực tế cho thấy ngày nay hôn nhân tan vỡ là chuyện xảy ra rất thường, và không phải trong trường hợp nào cũng là do lỗi người chồng không thương vợ thương con, hay do lỗi mẹ chồng không chịu thông cảm hiểu biết. Do đó, trường hợp em A chia tay do lỗi người chồng và những trường hợp tương tự chỉ là ‘cá biệt’, còn nói chung thì có khi do lỗi chồng, có khi do lỗi vợ. Tuy nhiên, dù do lỗi bên nào, chúng ta cũng không bắt buộc phải cay đắng,  thậm chí thù hận nhau. Muốn được như thế, chúng ta nên bắt chước người tây phương.

Dưới con mắt người Á đông, đầu óc thực tế của người tây phương dễ đưa tới chia tay, nhưng cũng chính vì có thể chia tay nhau một cách dễ dàng, hai bên sẽ ít cay đắng, ít hận thù nhau. TL biết viết ra thì có vẻ mâu thuẫn: chung sống với nhau bằng tình nghĩa của người Á đông thì làm sao có thể chia tay một cách thoải mái như người tây phương?! Tuy nhiên, nếu chúng ta là người có lương tâm thì cho dù chia tay một cách không êm đẹp, cũng có thể giảm bớt cay đắng và tránh được thù hận.

‘Có lương tâm’ là biết nghe theo lẽ phải, là biết tôn trọng đạo đức. Khi đọc truyện, xem phim, hoặc quan sát những gì xảy ra chung quanh, ai trong chúng ta cũng phân biệt được phải trái, chính tà, thấy được công tội, tốt xấu của các nhân vật trong truyện, trong phim, ngoài đời, từ đó sẽ bênh vực người ngay lành và lên án kẻ gian ác; thế nhưng trong cuộc sống của chính mình, nhiều khi chúng ta lại làm ngược lại: với bản thân, chúng ta luôn luôn có đủ mọi lý do để biện minh cho việc làm sai trái của mình, với ‘gà nhà’, chúng ta chỉ biết nhắm mắt bênh vực, bất kể phải trái!

Thành thử người Á đông mình càng đề cao đạo đức thì lại càng dễ trở thành đạo đức giả hơn là người tây phương. Thu hẹp trong lãnh vực gia đình, vợ chồng muốn chia tay nhau cứ đặt thẳng vấn đề, lỗi người nào người đó nhìn nhận thì sẽ ‘dễ chịu’ hơn là tìm cách đổ tội, lên án lẫn nhau với mục đính tranh giành ảnh hưởng nơi con cái hoặc phân bua với người đời.

Đã có những trường hợp ‘tốt đẹp’ (tuy không nhiều nhặn gì) cho thấy sau khi chia tay, đôi bên vẫn giữ được một quan hệ tương đối ‘thân thiện’, Kết quả ra sao, có lẽ TL khỏi cần đi vào chi tiết. Chỉ biết việc đó sẽ có lợi cho bản thân mình, cho các con, cho cả hai gia đình, cho con cho cháu, và nhất là khỏi trở thành đề tài cho thiên hạ bàn tán, dèm pha

 

Thanh Lan