Hỏi và giải đáp 258: Chỉ là ‘bạn tốt’?

18 Tháng Bảy, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư của cháu H, một cô gái đang bị một người ‘bạn tốt’ làm phiền. Tóm tắt nội dung thư như sau:

H, trên 25 tuổi, đã có bạn trai, hiện làm chung sở với nhiều người khác phái, trong đó có Úc và nhiều sắc dân khác, kể cả người Việt.

Sống ở Úc đã lâu, H tin rằng nam nữ có thể thân nhau với tư cách chỉ là chỉ ‘good friends’, cho nên H giao thiệp với mọi nam đồng nghiệp một cách thoải mái. Tuy nhiên gần đây đã có ‘vấn đề’: A, một anh bạn người Việt, đã có thái độ khác lạ, tỏ ra thân mật và chiếu cố tới H một cách đặc biệt. H thực sự mến A vì A là một con người tốt, cho nên H muốn nhắc nhở cho A biết H đã có boyfriend (mặc dù chưa đính hôn) để A đừng tốn công tiến thêm. Tuy nhiên, cho tới nay, A mới chỉ tỏ ra qua hành động, cử chỉ mà chưa nói điều gì liên quan tới tình cảm, cho nên H không biết phải phản ứng như thế nào? H rất mến A và không muốn A bị ‘hurt’ khi mình tỏ thái độ…

Ngoài ra, sự thay đổi của A còn khiến H nghi ngờ, lo ngại biết đâu sẽ còn những nam đồng nghiệp khác có thể trong đầu cũng không chỉ xem H là một ‘good friend’. Cho nên A tự hỏi không hiểu giữa nam nữ có thể thân nhau với tư cách chỉ là ‘good friends’ như giữa những người cùng phái hay không?

Trả lời của Thanh Lan:

Cháu H thân mến,

Cô xin đi vào câu hỏi thứ hai của cháu trước: giữa nam nữ có thể thân nhau với tư cách chỉ là ‘good friends’ như giữa những người cùng phái hay không?

Muốn giải đáp một cách chính xác, cô phải ngắt câu hỏi ra làm hai phần, và trả lời như sau: giữa nam nữ CÓ THỂ thân nhau với tư cách chỉ là ‘good friends’, NHƯNG không giống như  giữa những người cùng phái!

Cô không nghĩ rằng một người khôn ngoan, tinh ý như cháu sẽ cho câu trả lời của cô là khó hiểu. Bởi vì cháu dư biết quan hệ và cách đối xử với bạn cùng phái bắt buộc phải khác quan hệ và cách đối xử với bạn khác phái.

Giữa những người bạn cùng phái với nhau, ngoài những trao đổi về giải trí, thời trang…, người ta còn trao đổi tâm sự một cách thoải mái dễ dàng, chia sẻ kinh nghiệm trong chuyện tình cảm riêng tư, cố vấn trong việc đối xử giao tiếp với người khác phái, v.v…

Như vậy, cần gì phải làm bạn với người khác phái? Xin thưa, làm bạn với người khác phái cũng có nhiều cái hay, cái lợi, mà quan trọng nhất là (1) để biết thêm về bản chất thực sự của người khác phái, trong đó có (hoặc sẽ có) người yêu của mình, và (2) trong một số trường hợp khi đã thân thiết và tin tưởng lẫn nhau, người bạn khác phái sẽ giúp chúng ta những cố vấn mà người cùng phái không thể nào giúp được (bởi vì có những sự việc mà chỉ người cùng phái mới hiểu nhau).

Bây giờ đi vào ‘vấn đề’ của riêng cháu: cho dù A chỉ bày tỏ qua hành động, cử chỉ chứ chưa nói điều gì liên quan tới tình cảm, cháu cũng phải tỏ thái độ để A đừng tiến thêm nữa.

Hiện hay, cô không biết A đang thực sự hy vọng sẽ chiếm được trái tim của cháu (đã có boyfriend nhưng chưa đính hôn thì vẫn còn… available!) hay là A chỉ bày tỏ tình cảm tự nhiên đối với một người khác phái mà A bị thu hút – có nghĩa là A không cầu mong một sự đáp trả.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp tương tự. Thậm chí cả một số chàng trai đã có girlfriend cũng vẫn chú ý tới những người con gái khác. Chưa chắc chàng ta đã có ý đồ bắt cá hai tay mà nhiều khi chỉ vì bản tính nhạy cảm (sensitive) hoặc lãng mạn (romantic).

Nếu A là người như thế thì chẳng có gì đáng ngại, nhưng biết đâu A đang thực sự hy vọng sẽ chiếm được trái tim của cháu, và sở dĩ A chưa nói ra bởi vì biết cháu đã có boyfriend; A muốn đợi xem kết quả như thế nào đã, rồi mới tính tới bước thứ hai. Vì thế, cháu càng tỏ thái độ sớm thì A càng ít bị ‘hurt’.

A chưa mở miệng nói điều gì thì cũng dễ cho cháu trong việc từ chối tình cảm của A. Chẳng hạn, khi được A săn đón thì tìm cách lẩn tránh, hoặc đưa A tới chỗ có những người bạn khác; không bao giờ nhận lời đi đâu một mình với A, cho dù A nói rằng chỉ ‘mượn’ cháu đóng vai partner…

Nhưng phương cách tốt nhất và hữu hiệu nhất là xuất hiện thường xuyên với boyfriend của cháu tại những nơi có sự hiện diện của A.

Riêng về việc A tặng quà, nếu là quà birthday, Christmas và chỉ là những món quà bình thường thì cháu đành phải nhận, nhưng nếu A tặng quà nhân dịp Valentine Day thì dứt khoát phải trả lại A. Chắc chắn A sẽ bị ‘hurt’ nhưng như cô đã nói ở trên, nếu đây là việc sớm muộn bắt buộc phải xảy ra thì ‘the sooner the better’ cho cả cháu lẫn A.

Nhưng dù sao, cô vẫn tin rằng A sẽ không dại dột phiêu lưu một cách liều lĩnh (take risk) như thế, mà cháu chỉ cần tỏ thái độ né tránh, là A đã đủ hiểu.

Và nếu sau này trở lại tình trạng cũ – tức là A chỉ đối xử với cháu như những người bạn khác phái trong sở, cháu nên tỏ ra tự nhiên, thoải mái như không có chuyện gì xảy ra, để giúp A cũng được tự nhiên, thoải mái.

 

Thân mến,
Thanh Lan