Hỏi và giải đáp 266: Mấy đời bánh đúc có xương…

06 Tháng Tám, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

 

TL nhận được thư em A, một nữ độc giả đang “khốn khổ vì mẹ chồng”. Xin rất sơ lược nội dụng thư để tránh gây phiền hà, rắc rối cho người trong cuộc:

A, trên 30, và chồng (B) con sống hạnh phúc cho tới khi bà nội sang đoàn tụ và ở chung. B có nhiều anh chị em ở Úc nhưng bà chọn B vì thương B nhất. Càng thương B, bà càng ghét A, thậm chí ghét luôn cả cháu. Nhưng khi A phàn nàn với chồng, B lại cho rằng vì A có thành kiến với mẹ chồng nên ‘tưởng tượng’ ra như thế… A cho biết không thể tiếp tục tình trạng hiện nay và dự tính sẽ đưa ‘vấn đề’ ra để cả đại gia đình giải quyết…

 

Ý kiến Thanh Lan:

Em A thân mến,

Tất cả những gì mà em viết là ‘chưa từng thấy’ trên thực tế đã và đang xảy ra hàng ngày, chỉ có điều là em không ‘thấy’ mà thôi!

Trước hết là tình trạng mẹ chồng ‘càng thương con trai càng ghét con dâu’. Theo tâm lý thông thường, khi dựng vợ gả chồng cho con, cha mẹ nào cũng lo ngại con gái về làm dâu nhà chồng thì sẽ bị ăn hiếp, còn con trai lấy vợ thì sẽ bị vợ nắm đầu! Sự lo ngại này hoàn toàn dựa trên thực tế. Tuy nhiên, một khi thực tế luôn luôn như thế thì phải chấp nhận. Người nào, phía nào không chấp nhận thì sẽ gây ra căng thẳng, đối nghịch, thâm chí đổ vỡ.

Chúng ta phải chấp nhận thì mới mong tìm ra phương hướng giải quyết ‘tốt nhất có thể có’.

Hai chữ ‘chúng ta’ TL đề cập tới ở đây là cả hai phía mẹ chồng và con dâu. Tuy nhiên, theo đạo đức thánh hiền Á đông cũng như  khuyên dạy của các tôn giáo, phận làm con thì phải ‘kính trên’ trước khi đòi hỏi người trên phải ‘nhường dưới’.

Nếu chúng ta kính trên một cách thành thật, TL tin rằng tới 95% các bà mẹ chồng dù trong bụng không ưa con dâu cũng sẽ không nỡ ra mặt ghét bỏ. Số 5% còn lại là những bà mắc ‘bệnh hành hạ con dâu’, TL xin miễn có ý kiến.

Vậy em phải bình tâm suy nghĩ và tự vấn lương tâm của mình trước khi lên án mẹ chồng. Em phải đưa ra câu hỏi và tự trả lời: khi mẹ chồng mới chân ướt chân ráo sang Úc, và giữa hai người ‘chưa có gì’, em có ‘thương’ bà chút nào không, hay là đã ‘ghét’ ngay từ khi đối diện?

Có thể em sẽ hỏi ngược lại TL: bả chưa làm gì mình thì mắc mớ gì phải ghét?! Xin trả lời: bởi vì bả là… mẹ chồng!

Theo suy đoán của TL, chính thái độ lạnh nhạt (dù lễ phép) của em đã tạo ra thành kiến nơi mẹ chồng. Tiếp theo, cách em đối xử với chồng con, cho dù ‘chan chứa tình thương yêu’ đã bị bà mẹ chồng cho là ‘nắm đầu chồng con’.

Thực tế phũ phàng cho thấy không những chúng ta phải ‘dạy con từ thuở còn thơ’ mà còn phải bắt chồng vào khuôn khổ ngay từ khi mới bắt đầu chung sống. Tuy nhiên, có nhiều cách ‘bắt’ khác nhau, lộ liễu hay kín đáo, kết quả hay thất bại, tùy thuộc vào từng người vợ.

Chỉ trích chồng (cho dù chỉ trích đúng), ra oai với con cái trước mặt mẹ chồng là đại thất sách. Không bà mẹ chồng nào chấp nhận việc đó cho dù trong bụng bà biết con trai làm sai, cháu nội nói bậy!

Kế đến là việc em viết là ‘ghét con dâu, ghét luôn cả cháu’, TL giải thích như sau: không bà nội nào lại ghét cháu mà chẳng qua thái độ bà tỏ ra với cháu chỉ là phản ảnh những gì bà muốn tỏ ra với con dâu mà thôi! Vì thế, chồng em có nói là em ‘tưởng tượng ra’ cũng không sai cho lắm.

Như đã viết ở trên, chúng ta không có quyền lên án mẹ chồng, không thể chống lại mẹ chồng, vậy nếu muốn duy trì hạnh phúc gia đình thì không còn cách nào khác hơn là nhịn nhục, hy sinh. Nếu em thực sự yêu chồng và thương con, dần dần em sẽ thấy sự nhịn nhục, hy sinh của mình không vô ích. Em không chống lại mẹ chồng, không tỏ thái độ ghét bỏ thì cho dù trong lòng bà vẫn ghét em, cũng không có cơ hội để ăn miếng trả miếng. Từ đó, không khí sẽ bớt căng thẳng, em có thể sẽ nhận ra những điểm tốt nơi bà, bà sẽ nhận ra những cái đáng yêu nơi em. Kết quả này, TL đã nhiều lần chứng kiến.

Tuyệt đối không nên đưa ‘vấn đề’ ra để cả đại gia đình giải quyết. Bởi vì đó là hành động cạn tào ráo máng. Em sẽ lãnh đủ, sẽ chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả tại hại nào xảy ra sau này.

Thân mến,
Thanh Lan