Băng đảng người Việt núp bóng tiệm móng ở Anh

10 Tháng Tám, 2017 | Người Việt đó đây
Cảnh sát Anh khám xét một tiệm làm móng của người Việt ở thành phố Reading. Photo courtesy: TWITTER

Theo báo chí Anh, các băng nhóm tội phạm người gốc Việt ở Anh đang dùng các tiệm làm đẹp để buôn bán phụ nữ, rửa tiền.

Tuần trước, cảnh sát Anh ập vào một tiệp làm móng ở Southmead, Bristol, sau khi nhận được các cuộc gọi thông báo về tình trạng tệ hại của một phụ nữ bị cầm giữ bất hợp pháp ở đây.

Tại đó, họ bắt giữ ba phụ nữ tuổi 46, 24, 21 cùng một thanh niên 18 tuổi tình nghi hoạt động buôn người và nô lệ. Thanh tra Mike Ray cho biết người phụ nữ là nạn nhân đã được đưa đến một nơi an toàn.

Thanh tra Ray xác nhận: “Cô ấy đang nhận được sự giúp đỡ từ các cơ quan chuyên hỗ trợ nạn nhân của tội phạm nô lệ hiện đại. Ưu tiên của chúng tôi là bảo đảm các nạn nhân được an toàn, trong lúc một cuộc điều tra toàn diện đang được tiến hành để xác định nhóm tội phạm”.

Cảnh sát khu vực Avon và Somerset không tiết lộ quốc tịch của những người bị bắt, tuy nhiên Southmead chính là khu vực mà hồi tháng 11-2013 cảnh sát lần ra tung tích của một thiếu nữ 16 tuổi người VIệt Nam bị bạo hành và bán làm nô lệ tình dục.

Cô gái bị ép “làm việc” trong căn phòng kín bưng phía sau tòa nhà của một tiệp làm đẹp cùng một người bạn trẻ tuổi khác.

Vụ án đó là một trong nhiều trường hợp khiến Bộ trưởng Nội vụ Theresa May (nay là Thủ tướng Anh) công bố một dự thảo luật về nô lệ hiện đại. Văn bản này chính thức trở thành luật ngày 26-3-2015.

Chính quyền London khi đó tuyên bố rằng đạo luật sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ nhất đến các băng nhóm tội phạm, rằng “nếu các anh dính líu đến hoạt động buôn người bẩn thỉu này, các anh sẽ bị bắt, bị truy tố và sẽ phải ngồi tù”.

Trong một báo cáo năm 2014, Anti-Slavery International nhận định Việt Nam là quốc gia có số nạn nhân trẻ em bị buôn người nhiều nhất tại Anh, chủ yếu là để trồng cần sa.

Lợi nhuận từ cần sa có thể lên đến nhiều triệu Mỹ kim, tiền này sau đó được rửa thông qua các doanh nghiệp sở hữu bởi các băng nhóm tội phạm, ví dụ như tiệm làm móng, trước khi được chuyển về Việt Nam theo dạng tiền mặt.

Các nguồn tin cảnh sát Anh tiết lộ không có gì ngạc nhiên khi một sự gia tăng đột biến trong sản lượng cần sa trùng hợp với sự gia tăng số lượng các tiệm làm móng.

Một số trẻ em người Việt không có giấy tờ tùy thân được nhà chức trách tại Anh phát hiện thường khai rằng các em được dặn tìm đến tiệm làm móng gần nhất khi đặt chân đến bất cứ thị trấn hay thành phố nào của Anh.

Những đứa trẻ này sau đó bị chuyển đến làm việc trong một trang trại trồng cần sa bất hợp pháp hoặc một tiệm làm móng khác. Cho đến nay tình hình vẫn không có gì thay đổi.

Theo Tuổi Trẻ