Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Úc thúc Việt Nam cải thiện nhân quyền

10 Tháng Tám, 2017 | Tin Việt Nam
Vũ Minh Khanh (giữa) cầm bức ảnh của chồng, Luật sư Nguyễn Văn Đài, và người phụ tá Lê Thu Hà tại nhà thờ ở Hà Nội vào ngày 27.12.2015. Photo Courtesy: Kham/Reuters

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW)  kêu gọi chính phủ Úc, trong cuộc đối thoại nhân quyền song phương với Việt Nam ngày 10.8 năm nay, hối thúc Việt Nam phải cải thiện nhân quyền một cách đáng kể. Lời kêu gọi được đưa ra giữa chiến dịch của Hà Nội tăng cường trấn áp bất đồng chính kiến với một loạt những vụ bắt giữ và tuyên án trong thời gian gần đây.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết họ đã đệ trình một văn kiện với chính phủ Úc đưa ra đề xuất bao gồm các lĩnh vực mà Việt Nam cần cải thiện, như tù nhân chính trị và người bị câu lưu, chấm dứt sách nhiễu và bạo lực nhắm vào các nhà hoạt động và người bất đồng chính kiến, và tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tôn giáo.

“Việt Nam ra sức đàn áp những chỉ trích trên mạng trong năm 2017,” Elaine Pearson, giám đốc của tổ chức HRW ở Úc, nói. “Úc và các nước khác cần có một cách tiếp cận thống nhất trong việc buộc chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm, và điều này có nghĩa là lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình trạng trấn áp ngày càng trầm trọng nhắm vào các blogger và nhà hoạt động xã hội.”

Việt Nam trấn áp các blogger và các nhà hoạt động xã hội có những phát biểu mang tính chỉ trích trên mạng xã hội, khép nhiều người vào tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ luật Hình sự. Hơn 100 nhà hoạt động hiện đang bị cầm tù vì thực hành các quyền tự do cơ bản là biểu đạt, lập hội và tôn giáo, HRW cho biết.

Một trong những vụ việc mới nhất xảy ra vào ngày 30 tháng 7 năm, khi công an bắt giữ bốn nhà hoạt động nhân quyền và cựu tù nhân chính trị có tiếng – Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức – với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của Bộ luật Hình sự.

“Các blogger và các nhà hoạt động xã hội Việt Nam đối mặt với sách nhiễu, hăm dọa, bạo lực, và giam cầm xảy ra hàng ngày,” bà Pearson nói. “Úc cần gây áp lực một cách rõ ràng với Việt Nam để chấm dứt những vụ vi phạm này.”

Theo VOA Tiếng Việt