Bất mãn với Tổng thống Trump, hàng loạt CEO rời bỏ hội đồng kinh tế của Mỹ

16 Tháng Tám, 2017 | Tin thể thao
Kenneth C. Frazier, giám đốc điều hành của hãng dược lớn Merck. Photo courtesy: Reuters

Một loạt các giám đốc điều hành (CEO) đã rút khỏi hội đồng cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau phát ngôn của ông về bạo loạn sắc tộc ở Virginia.

Theo CNN, chuyện ông Trump thất bại trong việc lên án hành vi phân biệt chủng tộc hôm 12.8 làm nhiều giám đốc điều hành của hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Donald Trump bất mãn.

Cụ thể, CEO Kenneth Frazier, một trong những giám đốc điều hành da màu nổi bật nhất Mỹ, của hãng dược lớn Merck vào sáng ngày 14.8 đã đột ngột rời hội đồng kinh tế của Tổng thống.

Ông Frazier nói: “Các nhà lãnh đạo Mỹ phải tôn trọng những giá trị cơ bản của chúng ta bằng cách quay lưng rõ ràng với những biểu hiện hận thù và chuyện cho một nhóm người là tối cao”.

Cũng trong ngày 14.8, CEO Under Armour Kevin Plank cũng đăng tải nội dung phản đối mạnh tình trạng phân biệt chủng tộc trên Twitter. Tối 14.8, hãng Under Armour cho biết ông Plank sẽ từ bỏ hội đồng của Tổng thống. CEO này cho biết: “Under Armour tham gia vào sự đổi mới và thể thao, không phải chính trị”.

Sự ra đi của Kevin Plank được cho là đòn giáng mạnh đối với ông Trump bởi hồi đầu năm, vị CEO này từng gọi tân tổng thống là “tài sản thật sự” của quốc gia.

Cùng thời gian trên, CEO Intel Brian Krzanich chia sẻ rằng ông cũng ra khỏi hội đồng “để kêu gọi sự chú ý đến những tổn hại nghiêm trọng mà môi trường chính trị bị chia rẽ của chúng ta đang gây ra cho nhiều vấn đề rất quan trọng”.

Ông Krzanich nhấn mạnh: “Tôi rút khỏi hội đồng cố vấn nhằm kêu gọi chú ý vào những vấn đề đang gây hại cho nền chính trị, gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong đó có việc giải quyết tình trạng suy giảm sản xuất của Mỹ”.

Khi CNN phỏng vấn khoảng 20 giám đốc điều hành thuộc hội đồng về việc họ muốn đi hay ở, vài người trong số họ lên án sự thù địch và niềm tin mù quáng, một số khác không bình luận và những người còn lại thì không trả lời.

Dù vậy, có ít nhất bảy doanh nghiệp hay CEO cho hay họ vẫn sẽ ở lại với hội đồng vừa được thành lập hồi tháng 1 để tư vấn cho ông Trump về vấn đề tăng trưởng trong ngành sản xuất. Sản xuất là một khía cạnh quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ.

General Electric (GE) cho hay hãng “không dung thứ cho sự thù địch, niềm tin mù quáng và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”, song Chủ tịch GE Jeff Immelt thì vẫn ở lại trong hội đồng vì “việc tham gia vào cuộc thảo luận về cách thúc đẩy tăng trưởng và năng suất ở Mỹ” là quan trọng với GE. Đại diện của ít nhất năm hãng khác là Dow Chemical, Whirlpool, Campbell Soup, International Paper và Nucor cũng thể hiện quan điểm tương tự. Hãng công nghệ Dell thì “không thay đổi” trong lập trường hợp tác với chính quyền của Tổng thống Mỹ trong nhiều vấn đề chính sách ảnh hưởng đến công ty.

Tổng hợp