Chuyện nực cười ở trạm thu phí Cai Lậy: Giảm giá vé nhưng tăng năm thu

17 Tháng Tám, 2017 | Tin Việt Nam
Trạm thu phí BOT Cai Lậy – Tiền Giang thu phí từ 1.8 nhưng bị tài xế phản ứng. Photo Courtesy: Dân Trí

Chỉ mới sau hơn nửa tháng trạm thu phí BOT Cai Lậy chính thức đi vào hoạt động, giới chức và chủ đầu tư tuyên bố sẽ giảm phí thu cho các phương tiện lưu thông qua trạm.

Các tài xế trong những ngày gần đây áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để tỏ thái độ, từ việc chạy xe chậm cho tới dùng tiền lẻ trả phí gây ùn tắc giao thông, dẫn tới việc trạm thu phí nhiều lần phải mở cổng cho xe lưu thông tự do.

Bộ Giao thông Vận tải hôm 16.8 đã họp với chính quyền tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư, thống nhất phương án giảm mức thu phí cho tất cả các phương tiện giao thông qua lại, truyền thông trong nước nói.

Mức giảm áp dụng từ 10,000VND đến 40,000VND tùy vào loại xe, tương đương với giảm từ khoảng 22.8% cho tới 33.3% một lượt, theo kế hoạch sẽ bắt đầu áp dụng từ 21.8.

Ngoài ra cư dân địa phương có hộ khẩu ở các xã trong khu vực được miễn hoàn toàn nếu sử dụng xe hơi tối đa 30 chỗ ngồi và xe tải có trọng tải tối đa tới 4 tấn, nếu không phục vụ mục đích kinh doanh. Các xe còn lại được áp dụng mức giảm 50%.

Song song với việc điều chỉnh giảm giá, đề án mới tăng thời hạn thu phí 6 năm 5 tháng như dự án ban đầu lên gấp đôi, khoảng 12 đến 13 năm.

Trước diễn biến mới nhất trên, BBC dẫn lời một một người dân giấu tên sống trong khu vực nói: “Nếu giảm phí mà lại kéo dài thời gian thu phí thì có nghĩa là tốn thêm tiền.”

Theo người dân này, trung bình một ngày có khoảng 50,000 xe qua lại trạm BOT Cai Lậy và với mức thu trung bình thu 70,000 VND một lượt xe, thì một ngày trạm BOT Cai Lậy thu được 3.5 tỷ. Như vậy, sau 6 năm 5 tháng, tức 77 tháng, số tiền thu về sẽ là trên 8 ngàn tỷ đồng, người này nói.

Nếu tính theo mức phí mới đã giảm xuống còn khoảng trung bình 50,000/xe, một ngày trạm vẫn thu 2.5 tỷ và sau 12 năm, tức 4380 ngày, trạm BOT Cai Lậy sẽ thu về gần 11 ngàn tỷ.

Theo báo Nông Nghiệp, dự án xây dựng tuyến tránh 12km là theo hợp đồng BOT có vốn đầu tư là 1,395 tỷ vay vốn ngân hàng. Sau đó, đã có thêm 400 tỷ được bỏ ra để “tăng cường mặt đường Quốc lộ 1A”.

 

Vụ các trạm BOT ‘nhắm vào ông Thăng’?

“Suy cho cùng, vẫn tủ tiền đấy thay vì thu gần 7 năm thì kéo dài 12-13 năm,” trang Zing viết.

Do vậy, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa nói tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8 rằng “nhà đầu tư sẵn sàng” đồng ý với đề xuất giảm giá vé, Zing tường thuật.

Báo Vietnamplus trích lời Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói: “Dự án Cai Lậy đã thực hiện lấy đầy đủ ý kiến từ hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội đến chính quyền địa phương.”

“Người dân tại chỗ không có phản ứng mà chỉ có bảy doanh nghiệp ở địa phương khác phản ứng và có hiện tượng dàn xe tại chỗ để dựng chuyện,” Bộ trưởng Nghĩa nói thêm.

Các cơ quan chức năng được yêu cầu phải “đảm bảo an ninh trât tự, an toàn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông” tại trạm thu phí Cai Lậy, đồng thời “phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật”, Zing tường thuật.

Trạm BOT Cai Lậy nằm gần đoạn giao giữa Quốc lộ 1A và đường tránh, và bắt đầu hoạt động từ 1.8.2017.

Theo BBC Tiếng Việt