Kỷ niệm Long Tan Day, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì đất nước

30 Tháng Tám, 2017 | Bình Luận
(Photo: TVTS)

Nước Úc có một lịch sử chỉ mới 229 năm nếu tính từ ngày Đệ nhất Hạm đội do Thuyền trưởng Arthur Phillip chỉ huy đổ bộ lên bờ biển Sydney Cove vào năm 1788 (một năm trước ngày cách mạng Pháp phá ngục Bastille và vua Quang Trung đại phá quân nhà Thanh của Tàu). Liên bang Úc cũng mới thành hình được 116 năm khi tất cả các thuộc địa tự trị của Anh họp lại để hình thành một quốc gia  theo thể chế liên bang vào ngày 1.1.1901 (Commonwealth of Australia).

Một quốc gia son trẻ với dân số  chỉ khoảng 3.7 triệu người ngày nay đã lên tới 24 triệu, vẫn không phải là nước có nhiều dân hay dân số gia tăng nhanh. Nhưng khác với nhiều nước, mặc dầu dân số ít, đất nước chưa bao giờ bị chiếm đóng, bị ngoại xâm (ngoại trừ một lần thành phố Darwin ở phía bắc bị Nhật dội bom trong Đệ nhị Thế chiến, Úc có nhiều người chết vì tham gia cả  thảy 14 trận chiến ở hải ngoại với các nước đồng minh.

Cuộc chiến đầu tiên xảy ra tại Nam Phi có tên Second Boer War (1899-1902). Tiếp theo là những trận chiến tại Tàu (Nghĩa Hòa Đoàn 1900-01), Đệ nhất Thế chiến (1914-18), Nội chiến Nga (1918-19), Đệ nhị Thế chiến (1939-45), Tình trạng khẩn cấp Mã Lai (1948-60), Chiến tranh Triều Tiên (1950-53), Đối đầu Borneo (1963-66), Chiến tranh Việt Nam (1965-73), Chiến tranh Vùng Vịnh (1990-91), Chiến tranh A Phú Hãn (2001-14), Chiến tranh Iraq (2003-09), Operation Astute (2006-13 duy trì trật tự tại Đông Timor) và Chiến tranh chống Nhà nước Hồi giáo (từ 2014 đến nay) tham gia với Mỹ và trên 20 nước Âu Châu và Trung Đông.

Trong số những cuộc chiến này, ngoài chiến tranh Triều Tiên được coi là bất phân thắng bại, Úc và đồng minh đều thắng và chỉ thua trận nội chiến ở Nga và chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến Việt Nam mà các đồng minh và Việt Nam Cộng Hòa bị gọi là “thua” có nhiều nguyên do trong đó Mỹ thua vì quốc hội Mỹ muốn rút quân, các nhóm thiên tả và truyền thông Mỹ chống chiến tranh. Việt Nam Cộng Hòa thua vì bị đồng minh Mỹ “phản bội” và thiếu viện trợ so với Bắc Việt được sự viện trợ quá dồi dào của Liên Xô và Trung Cộng. Gọi Úc thua trận là không đúng dù đã có 521 binh sĩ  hy sinh trong thời gian 8 năm giúp Miền Nam chống lại Bắc Việt xâm lăng, vi phạm các hiệp định quốc tế mà họ đã ký vào như Hiệp định Geneva (1954) và Hiệp định Paris (1973).

Nói đến quân đội Úc, Việt Cộng phải nể mặt và sợ khi phải đối diện với những binh sĩ tinh nhuệ và có kỷ luật. Trận Long Tân xảy ra vào ngày  18 và 19 tháng 8 năm 1966 tại khu rừng cao su gần xã Long Tân ở phía nam Vũng Tàu. Đại đội của Úc với quân số 108 người phải đối đầu với cuộc tấn công của một trung đoàn gần 2,500 bộ đội của Việt Cộng, nhưng cuối cùng Việt Cộng đã phải rút lui với số tử vong ước chừng 250 người. Phía Úc chỉ có 18  binh sĩ tử thương, đều là những người trẻ tuổi từ 19 đến 22.

Trận Long Tân trở thành một trận chiến nổi tiếng nhất của quân đội Úc trong Chiến tranh Việt Nam. Một trận đánh không cân sức mà Úc thắng đã nói lên tinh thần dũng cảm và khả năng chiến đấu của binh sĩ Úc. Và cũng vì vậy Long Tan Day trở thành một ngày linh thiêng đối với quân nhân Úc nói chung và những cựu quân nhân Úc từng tham chiến ở Việt Nam nói riêng.

Ngày trước, quân đội Úc đã dựng một cây thánh giá tại nơi xảy ra trận chiến để mỗi lần đến ngày 18 tháng 8, các quân nhân Úc đang tham chiến tới  tưởng niệm các đồng đội đã nằm xuống. Nhưng khi cộng sản Bắc Việt chiếm Miền Nam, cây thánh giá của quân đội Úc và những biểu tượng thiêng liêng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng bị đập phá hay xóa đi.

Ngày nay, với bang giao giữa hai nước được coi là thân thiện, mậu dịch gia tăng và với sự viện trợ của Úc, nhà nước Việt Nam cho tái lập khu tưởng niệm ở Long Tân để cựu binh sĩ Úc và thân nhân đến thăm viếng. Nhưng sự cho phép đó có lúc cũng giới hạn. Như năm ngoái, nhân kỷ niệm 50 năm Long Tan Day, Việt Nam cấm binh sĩ Úc mặc quân phục hay mang huy chương khi đến Long Tân dự lễ kỷ niệm. Người cộng sản Việt Nam không có lòng  khoan dung, thật đáng xấu hổ!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1638 phát hành ngày 16.08.2017)