Hỏi và giải đáp 281: Chồng chúa vợ tôi!

10 Tháng Chín, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

TL góp ý kiến với cháu XH, một cô vợ trẻ đang đòi ‘vùng lên’. Tóm tắt nội dung thư như sau:

XH, trên dưới 30 tuổi, và A lấy nhau và đã có con cái. Cả hai đều đi làm full-time, tiền lương gộp lại xài chung, con gửi nhà trẻ…

‘Cháu xuất thân từ một gia đình ‘Việt Nam 100%’, nghe lời mẹ dạy ‘phu xướng phụ tùy’ vì thấy mặc dù ba cháu nắm hết quyền hành trong nhà nhưng gia đình rất hạnh phúc êm ấm, chưa bao giờ thấy ba mẹ to tiếng với nhau hết. Nhưng chồng cháu rất là không biết điều, cháu gọi là ‘được đằng chân lân đàng đầu’ không biết có đúng hay không?’

Những gì cháu XH gọi là ‘được đằng chân lân đàng đầu’ gồm có: không chịu phụ vợ chăm sóc con nhỏ (chưa bao giờ tắm rửa, thay tã cho con, lâu lâu nhờ pha bình sữa thì càm ràm…), không chịu học ‘cook’ để thay vợ khi bận rộn, không chịu giặt giũ và phơi quần áo, về tới nhà chỉ biết đọc báo và coi tivi… Nhiều lúc XH tự nhủ ‘chồng phè thì mình cũng phè cho biết tay’ nhưng tới khi con khóc, nhà cửa dơ dáy bề bộn thì lại không làm như thế được!

Rốt cuộc phải chịu thua chồng nhưng trong lòng rất ấm ức. XH hỏi có cách gì để ‘xây dựng’ A. Nghĩa là trong ôn hòa chứ không gay gắt?

Ý kiến Thanh Lan:

Cháu XH thân mến,

Không phải cô muốn an ủi cháu mà chỉ muốn cháu thấy một điều: so với những gia đình chưa tới mức đổ vỡ nhưng thiếu hạnh phúc, hoàn cảnh của cháu chưa đến nỗi phải than thở nhiều tới mức đó!

Ngày xưa người ta thường nói ‘lấy chồng là mang gông vào cổ’ nghĩa là trở thành… nô lệ! Xét trên một khía cạnh nào đó thì câu này khá đúng: chỉ nội việc hầu chồng hầu con cũng đủ mệt bở hơi tai. Nhưng phía đàn ông thì họ lại so sánh việc ký giấy hôn thú với việc ký bản án chung thân!

Như vậy, dưới mắt những người bi quan thì lấy chồng hay lấy vợ cũng đều khổ. Mà tới khi biết mình khổ thì đã quá muộn!

Nhưng nếu ta nhìn đời với cặp mắt lạc quan hơn, thì mặc dù  người vợ bị ‘đeo gông’, người chồng bị ‘cột cẳng’ nhưng bù lại họ được hưởng những gì mà các cô cậu ‘độc thân vui tính’ không được hưởng. Đó là hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình (sau khi có con).

Thành thử, cô không có một lời nào để khuyên cháu ngoài lời khuyên: stop complain!

Tại sao?

Bởi vì những gì mà cháu gọi là ‘vô tâm vô tình, lười biếng’ của A, cô cho là tự bản tính con người. Mai này các con của cháu lớn lên cháu sẽ thấy sự bất công vô lý mà cháu đang đề cập tới: trong khi cô chị đầu tắt mặt tối thì cô em cứ ‘phè cánh nhạn’, hoặc cậu tư lăng xăng phụ ba làm đủ mọi việc thì ông anh ba cứ tà tà!

Nhưng đâu có phải vì vậy mà cháu kết luận là chị em, anh em không thương nhau nên mới tìm cách ‘bán cái’. Thực ra đó chỉ là bản tính trời sinh. Còn nếu giữa vợ chồng, hoặc anh chị em mà ‘thủ đoạn’ với nhau thì nó sẽ thể hiện ra ngay.

Cho nên nếu cháu không thể ‘chồng phè thì mình cũng phè cho biết tay’ thì không còn cách nào khác hơn là chấp nhận ông chồng dài lưng tốn vải của mình. A thương yêu, trung thành với vợ con, chân chỉ hạt bột (không tứ đổ tưởng) là quý lắm rồi.

Vẫn biết chồng mà đỡ đần vợ thì không còn gì tốt đẹp cho bằng nhưng theo cô, sự đỡ đần ấy phải trên cơ sở tự nguyện, chứ đừng ra lệnh bởi vì khi ấy người đàn ông sẽ cảm thấy khó chịu, và sẽ so sánh mình với anh bạn B, cũng vợ con đùm đuề như mình mà vẫn tối ngày vui chơi đủ mục, để rồi bỗng nhận ra từ đó tới nay mình… bị thiệt thòi! Đây là tâm trạng nguy hiểm nhất trong một cuộc chung sống vợ chồng.

Tới đây nếu cháu đặt câu hỏi ‘what about me?’, cô trả lời như sau:

Ráng làm thêm ít năm nữa rồi tìm một công việc part-time mà làm. Một phần để bản thân đỡ mệt mỏi, nhức đầu, một phần để có nhiều thì giờ mà lo cho chồng con, nhất là dạy dỗ con cái.

Ở Úc, như cháu đã biết, con cái sống ở trường học nhiều hơn ở nhà, tiếp xúc, chịu ảnh hưởng của chúng bạn nhiều hơn là cha mẹ, vì thế khi chúng bắt đầu có trí khôn, cháu phải dồn hết nỗ lực vào việc chăm sóc, bởi vì không chăm sóc thì không có cơ hội, không tỏ tình yêu thương thì không tạo ảnh hưởng với con cái được.

Trước đây có một nữ độc giả đã viết thư ‘tố cáo’ ông chồng chỉ được một tích sự duy nhất là mỗi tuần đẩy thùng rác ra ngoài lề đường một lần, nhưng theo cô quan sát hàng xóm thì thì còn có những ông chồng không làm được việc đó, mà họ vẫn hạnh phúc năm này qua năm khác!

Thành thử chung sống mà không so bì, tỵ nạnh thì mới mong lâu bền.

 

Cô,
Thanh Lan