Hỏi và giải đáp 283: Chia tay thì dễ…

14 Tháng Chín, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL bắt buộc phải trả lời một lá thư không mấy vui vẻ gì; đó là lá thư của một nữ độc giả viết SAU KHI đã quyết định chia tay chồng. Sơ lược nội dung thư như sau:

Y, gần 40, đã có… mấy con với A. Hai vợ chồng quen nhau từ ngày còn đi học, yêu nhau mấy năm rồi mới tiến tới hôn nhân, nhưng cuộc chung sống sau đó lúc nào cũng có sóng gió. A không phải người ham mê tứ đổ tường nhưng tính tình rất khó chịu. Y viết:

‘Nhiều lúc em tự nghĩ thà ảnh ham mê một cái gì ngoài đường rồi   về nhà dễ chịu với vợ con, em còn cảm thấy dễ chịu hơn là phải chịu đựng tính tình của ảnh!’

Rồi việc gì phải đến đã đến: cuối năm ngoái, hai người chia tay nhau (nhưng cho tới nay vẫn chưa làm thủ tục ly dị). Khi chia tay, cả hai đều thề ‘một đi không trở lại – ly nước đã đổ không thể vớt lại cho đầy’. Nhưng sau đó, Y chỉ mong A quay lại làm hòa để chung sống trở lại như xưa, nhưng A không làm việc đó, và cho tới nay theo sự tìm hiểu của bạn bè, A không hề có ý định đó!

Hiện nay, cả Y lẫn A vẫn sống độc thân, không có người nào khác.

Y hỏi: có cách nào để trở lại với A mà không bị mất mặt?!

Trả lời của Thanh Lan:

Em Y thân mến,

TL không muốn dài dòng mà xin đi ngay vào đề. Nhận xét đầu tiên của TL là không biết A khó chịu tới cỡ nào, nhưng rõ ràng em là một người vợ thích tranh chấp. Không cần phân tích sâu xa, chỉ cần lấy đoạn thư em viết ‘…thà ảnh ham mê một cái gì ngoài đường rồi về nhà dễ chịu với vợ con, em còn cảm thấy dễ chịu hơn là phải chịu đựng tính tình của ảnh’ cũng đủ chứng minh em không phải vợ hiền. Một trong những nguyên nhân thông thường nhất đưa tới đổ vỡ hôn nhân là vợ chồng chỉ thích ăn thua đủ chứ không muốn nhân nhượng. Thái độ đó, các cụ mình gọi là ‘khôn nhà dại chợ’.

TL không viết rằng em phải cắn răng chịu đựng tính tình của A, nhưng nếu em là một người vợ hiền thì sẽ có nhiều cách để hóa giải những khó chịu do tính tình của A đem lại. Một trong những cách đó là lấy nhu để thắng cương.

Bởi vì nếu cả hai vợ chồng đều cương, không ai nhịn ai thì giống như hai chiếc xe hơi đâm đầu vào nhau: cả hai đều chết! Nhưng nếu một trong hai chiếc xe – chỉ cần một trong hai thôi – tìm cách né tránh thì hậu quả sẽ không đến nỗi bi thảm như vậy.

Một người chồng, dù tính tình khó chịu tới mức nào thì cũng có lúc

bắt buộc phải dễ chịu, chẳng hạn trong phòng the. Tại sao em không đợi tới những lúc đó để nhỏ nhẹ còm-len?

Rất có thể ngay lúc đó A sẽ tìm cách chống chế, thậm chí không nhận phần lỗi về mình (và người vợ cũng không nên dồn chồng tới chân tường) nhưng chắc chắn sau đó, sẽ có lúc A tự xét con người mình và âm thầm ân hận, để rồi dần dần thay đổi.

Tới đây, nếu em chấp nhận những lời phê bình của TL, TL mới dám đưa ra ý kiến để hy vọng ‘châu về hiệp phố – gương vỡ lại lành’.

Thứ nhất, câu ‘ly nước đã đổ không thể vớt lại cho đầy’ chỉ có ý nghĩa tương đối, và đúng nhiều hay đúng ít còn tùy từng trường hợp.

Không cần nhìn đâu xa mà hãy lấy thí dụ vợ chồng ông cựu Thủ hiến Jeff Kennett. Ngày ấy việc bà Felicity Kennett quyết định chia tay chồng đã trở thành đề tài bán tán xôn xao của dư luận cả nước, thế mà sau đó vẫn ‘châu về hiệp phố’ thì trường hợp của em với A cũng chỉ khó khăn tới mức đó là cùng.

Về phương cách, theo TL tốt nhất là nhờ bạn bè hoặc người thân làm trung gian, tạo dịp cho em và A gặp lại nhau ở những buổi tiệc tùng hay họp mặt nào đó. Giữa hai vợ chồng không con cái, việc  trở lại gặp mặt trực tiếp có thể khó khăn, ngượng ngùng nhưng vì em và A đã có với nhau mấy mặt con, thì chúng sẽ trở thành những ‘trái độn’ để làm giảm bớt những ngượng ngùng, khó khăn ấy.

Điều cuối cùng TL muốn căn dặn em là không nhất thiết vì A là người có lỗi, vì A là đàn ông, v.v… mà em đợi A làm hòa trước. Mà nên tùy nghi ứng xử. Nói cho cùng, có thua thiệt, có lép vế thì cũng là thua thiệt, lép vế với chồng mình chứ có phải ai xa lạ đâu!

Khi góp với em những ý kiến này, TL không hề mang tư tưởng trọng nam khinh nữ, không quan niệm chồng chúa vợ tôi, bởi vì trên thực tế, cũng không thiếu gì người chồng đang ở vào thân phận, hoàn cảnh của em, mà vì hạnh phúc gia đình, tình nghĩa vợ chồng, tình thương dành cho con cái, mà đã chấp nhận mang tiếng sợ vợ – sợ một cách đầy chính nghĩa!

 

Thanh Lan