Hỏi và giải đáp 284: ‘Chồng chúa vợ tôi’

17 Tháng Chín, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

TL sẽ giới thiệu bài viết của nữ độc giả K ở VIC, góp ý kiến với XH (Hỏi và giải đáp 281: Chồng chúa vợ tôi!). Một lần nữa, xin thành thật cảm ơn bà K.

* * *

Cô Thanh Lan thân kính,

Nhân đọc “Chồng chúa vợ tôi”, tôi xin gởi đến cô và XH một số kinh nghiệm tôi đã trải qua. Phải nói rằng tôi hết sức phân vân, vì khi làm công việc này tôi đã để cho quá khứ sống lại, một việc chẳng có gì dễ chịu. Tôi xin chia sẻ, hy vọng XH sẽ tìm được một vài hữu ích.

Tôi đã sống đời lứa đôi trong gần 20 năm, với tất cả tự do, thành thật và tin tưởng. Tôi là một người được giáo dục rằng nên làm việc trong tinh thần ý thức và tự nguyện, cố gắng khắc phục hoàn cảnh và kiên trì. Và điều tôi luôn ghi khắc là: cho thì tốt hơn là nhận. Vì vậy, khi lập gia đình với người tôi thương, tôi không bao giờ so bì hơn thiệt. Tôi thường mệt rã vào cuối ngày nhưng tôi vẫn vui vì biết là mọi sự trong ngoài, con cái đã xong xuôi. Tôi cũng kêu gọi anh ấy giúp, chẳng mấy khi được, nhưng tôi luôn nhẫn nại và chấp nhận. Tôi luôn hy vọng một ngày nào đó anh ấy sẽ nhìn thấy những thiếu sót, vô tâm và bù đắp cho tôi.

Tôi làm việc rất nhiều giờ vì công việc đòi hỏi, muốn làm việc khác ít giờ để lo cho gia đình nhưng không được vì anh ấy luôn nại lý do không bảo đảm tài chánh (lợi tức của tôi khá hơn anh ấy). Tôi phải chịu và nhận ra rằng thực sự anh ấy chỉ muốn có tôi, có gia đình êm ấm như người khác nhưng không có ý thức rằng phải bỏ công sức vào (cha chồng tôi luôn tỏ ra xót xa khi thấy con trai mình làm việc tay chân, tôi hiểu sự ảnh hưởng đó nên không đòi hỏi nữa). Tôi luôn tự nguyện giúp đỡ cho gia đình chồng, không để anh ấy phải mở lời. Nói chung, tôi đã nỗ lực để mong thay đổi anh ấy trong tình yêu.

Khi các con tôi bước vào tuổi thiếu niên, thì cũng là lúc phần chìm của tảng băng “vấn đề” nổi lên. Anh ấy trở thành lý do để các con nại cớ tránh việc (lúc bé chúng vui vẻ làm không hề so đo), chúng không còn nhỏ nữa và nếu tôi giải thích với chúng thế nào về sự đặc miễn của cha, chúng đều không chấp nhận. Tôi xin anh hợp tác (dù chỉ là chút đỉnh để tôi có thể dạy con) thì lúc đó tôi nhận thấy rằng: chính anh ấy giờ đây cũng cho rằng việc uống bia, xem tivi trong lúc tôi phải hoàn tất việc nhà là chuyện đương nhiên. Và anh tránh về nhà sớm, la cà với bạn bè nhiều hơn.

Tôi cố gắng đứng giữa để khuyên các con giữ lòng kính mến cha và đồng thời lựa lời khuyên anh ấy. Tôi đã giữ được cái “hòa khí” cho các con cho đến ngày chia tay và ngay cả bây giờ, tôi vẫn không lên án anh ấy trước mặt con cái, chúng đã đủ lớn để hiểu vấn đề.

Đến đây chắc mọi người sẽ thắc mắc nếu như tôi đã làm được như vậy thì cớ gì tôi lại chia tay sau 20 năm? Xin thưa, vì một hôm tôi chợt nhận ra rằng tôi chẳng còn một mảy may rung động nào nữa. Tôi nhận ra tôi làm việc, tôi phục vụ, tôi sống, tôi chịu thua thiệt… chỉ vì tôi muốn hoàn thành tâm nguyện để cho con cái có mái ấm gia đình càng lâu càng tốt. Tình yêu ngày nào đã chết. Tôi không cách nào yêu một người mà tôi không còn lòng kính trọng nữa. Tôi không còn mong ngóng anh ấy về nữa mà thay bằng cảm giác ngao ngán. Và thảm kịch bắt đầu, lúc đầu tôi còn cố gắng trong chuyện vợ chồng, nhưng dần dần tôi không còn có thể đánh lừa anh ấy và chính mình được nữa… Rồi từ đó dẫn đến chia tay.

Sau khi chia tay, có lúc anh ấy muốn nối lại, nhưng tôi tự hỏi lòng và thấy tình yêu không sống lại nổi nữa, tất cả đều quá trễ. Đến nay đã nhiều năm mà cũng vậy.

Trở lại câu chuyện của XH, cô TL khuyên “stop complain” rất đúng (đau răng mà nghĩ đến hoài thì… nhức hơn). Điều mà tôi muốn chia sẻ ở đây là XH nên cảnh giác với chính mình để đừng rơi vào cái cảnh tình yêu héo mòn như tôi chỉ vì không biết chạy đến cầu cứu với người khác (cố vấn, người thân…) sớm. Khi chuyện của tôi được giãi bầy ai cũng ngạc nhiên tại sao tôi có thể giữ riêng lâu đến thế (thật tình tôi không thể nói ra vì anh ấy quan trọng sĩ diện, tôi biết ngày nào tôi nói ra cho người khác thì sẽ khó có cơ giữ được mái ấm cho con). Có thể khéo léo nhờ người tế nhị khuyên bảo. Nói chung, vẫn nỗ lực sửa đổi nhưng trong tinh thần kiên nhẫn và đừng chất chứa lòng bất mãn, tìm cơ hội giải tỏa như: đi đến chỗ mình thích, gặp người có thể chia sẻ… một lúc để quân bình. Nếu điều kiện tài chánh cho phép thì nhờ người khác làm bớt việc để đỡ vất vả và gián tiếp cho anh ấy thấy mình cũng mệt mỏi sau khi đi làm về, và nếu anh ấy không muốn tốn tiền thì sẽ “săn tay áo” lên thôi. Đó cũng là một cách để chính mình thoải mái hơn. Tốn chút tiền mà vợ chồng có thêm giờ ngồi bên nhau thì cũng đáng. Nếu không được như vậy thì kêu gọi lòng “thương xót” của anh ấy, chẳng hạn: sao hôm nay cái tay của em nó nhức quá, anh làm cái này giúp em; việc này em phải nhờ anh, em yếu quá không làm được… Một tuần vài lần, lâu dần thành quen, thử xem sao. Luôn ghi nhận sự đóng góp của chồng.

Tình yêu thường không chết vì những “đại sự”, nó lụi tàn vì những chuyện không tên. Mong mọi điều tốt đẹp đến với XH trong “nghiệp” làm vợ của mình. Kính.

K