Ngư dân Việt Nam bị giam giữ bóc lột làm việc như nô lệ ở Đài Loan

20 Tháng Chín, 2017 | Tin Việt Nam
Le Tan, một ngư dân Việt Nam đang ngồi trên tàu đánh cá. Photo Courtesy: CNN

Các công tố viên Đài Loan cho biết đã khởi tố 19 cá nhân, bao gồm chủ thuyền và công ty đánh cá, vì tội giam giữ trái phép 81 ngư dân nước ngoài trong một căn phòng chật hẹp và không cửa sổ tại thành phố cảng Cao Hùng, phía nam đảo Đài Loan.

Reuters đưa tin, các công tố viên Đài Loan đã khởi tố 19 cá nhân, bao gồm chủ thuyền và công ty đánh cá, vì tội giam giữ trái phép 81 ngư dân nước ngoài.

Đây là vụ lạm dụng lao động nhập cư mới nhất bị cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện. Theo đó, sau khi nhận được tin báo của một ngư dân, cảnh sát đã bố ráp hai địa điểm và giải cứu những ngư dân đến từ nhiều quốc gia như Nam Dương, Phi Luật Tân,  Tanzania và Việt Nam.

Theo cáo trạng, những ngư dân này bị giam giữ trong một căn phòng chật hẹp và không cửa sổ tại thành phố cảng Cao Hùng, phía nam đảo Đài Loan, thường xuyên bị đánh đập để ngăn không cho họ bỏ trốn khi tàu về bờ.

Còn mỗi khi ra khơi, những ngư dân này đôi khi bị ép làm việc 48 tiếng liên tục với mức thu nhập hàng tháng dao động từ 300-500 Mỹ kim, trong khi theo luật lao động Đài Loan, một ngày làm việc kéo dài không quá 8 tiếng và lương tối thiểu không dưới 930 Mỹ kim.

Các công tố viên mô tả những ngư dân này là “nô lệ trên biển”, thường xuyên bị đánh đập và có lúc làm việc suốt 48 giờ không nghỉ. “Các bị cáo đã lạm dụng ngư dân bất hợp pháp vì tư lợi riêng”, cơ quan công tố phát biểu trong một thông cáo chính thức và miêu tả những ngư dân nước ngoài như “các lao động nô lệ ngoài biển khơi”.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công tố cũng thu giữ 123,000 Mỹ kim từ các công ty để trả lại cho ngư dân.  Nếu bị kết tội buôn bán và giam giữ người trái phép, 19 bị cáo có thể sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất là 7 năm tù.

Giới hữu trách thành phố Cao Hùng, Đài Loan, phát hiện ra sự việc hồi năm ngoái, sau khi nhận được tố cáo từ một nhân viên xã hội đại diện cho các ngư dân.

Nhà chức trách sau đó đã đột kích vào hai địa điểm mà các ngư dân Việt Nam, Indonesia, Philippines, Tanzania bị giam giữ và giải cứu họ.

Vụ án được đưa ra xét xử sau khi dư luận Đài Loan lên tiếng về vụ một viên cảnh sát Đài Loan đã bắn chết một công nhân Việt Nam không vũ trang hồi tháng trước.

Theo các nhóm quyền, tình trạng áp bức lao động di dân khá phổ biến ở Đài Loan, nơi có khoảng 600,000 lao động nước ngoài đến làm các công việc như hộ lý, đánh cá, xây dựng và trong các nhà máy.

Tổng hợp