Từ bỏ Đảng Cộng Sản Việt Nam thật là khó

04 Tháng Mười, 2017 | Bình Luận
Giáo sư Tương Lai. (Photo source: VOA via Youtube)

Vừa qua, đúng vào ngày quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Giáo sư Tương Lai, cựu viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, đã tuyên bố dứt bỏ mọi quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghe tin này, một số nhà hoạt động tranh đấu dân chủ ở trong nước và hải ngoại hân hoan vì có thêm một cây đại thụ cộng sản bỏ đảng. Nhưng nói vậy mà có phải vậy không?

Ra vẻ một số người đã nghe không kỹ, đưa tin không chính xác nên Giáo sư Tương Lai qua cuộc phỏng vấn với Đài VOA, đã nói lại cho rõ hơn: “Tôi xin nói lại, tuyên bố của tôi là dứt bỏ mọi liên hệ với  cái đảng hiện nay, là đảng do Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, không còn là đảng của Hồ Chí Minh nữa, để tiếp tục chiến đấu với tư cách là Đảng Lao động Việt Nam, là đảng của Hồ Chí Minh. Tôi muốn nhấn mạnh điều ấy…

Hầu như mọi người đã nghe rõ, nhưng không biết “bè lũ Nguyễn Phú Trọng” có nghe rõ không để cho ông giáo sư được yên thân “chiến đấu với tư cách Đảng Lao động”? Giáo sư Tương Lai tên thật là Nguyễn Phước Tường sinh tại Thừa Thiên Huế, năm nay đã 81 tuổi, là một trí thức cao cấp của chế độ, thành viên của nhóm tư vấn cho các thủ tướng như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. Trong những năm gần đây Giáo sư Tương Lai có những bài viết phê phán chế độ bắt giam những người bất đồng chính kiến, yêu cầu trả tự do cho những người  chống Trung Cộng và tham dự những buổi lễ truy điệu  những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử trận trong trận Hoàng Sa.

Năm 2015, Giáo sư Tương Lai đã cùng 126 nhà trí thức gởi một bức thư ngỏ đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI đề nghị đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, lấy lại tên Đảng Lao động Việt Nam dùng trước năm 1976. Cho nên việc Giáo sư Tương Lai tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam dù là của Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười,  Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh hay Nguyễn Phú Trọng chẳng có thay đổi gì về mặt nhận thức chính trị, bởi Đảng Lao động của Hồ Chí  Minh chỉ là hậu thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh thành lập vào ngày 3.2.1930 tại Hồng Kông. Vì nhu cầu, Hồ Chí Minh đã thay đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần như việc thay tên đổi họ của ông. Cho nên, nếu Giáo sư Tương Lai “tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao động của  Hồ Chí Minh” thì việc tuyên bố bỏ đảng vào ngày 2 tháng 9 vừa qua chỉ là chuyện xích mích, bất đồng ý kiến trong nội bộ.

Người ta đặt câu hỏi tại sao Giáo sư Tương Lai không tuyên bố đoạn tuyệt luôn với quá khứ của một cái đảng đã phạm những tội ác đối với nhân dân Việt Nam cả hai miền. Chính Đảng Lao động của Hồ Chí Minh đã giết bao nhiêu người vô tội trong cuộc Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc, mở cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam làm hàng triệu người chết. Chính  Đảng Lao động của Hồ Chí Minh đã chôn sống hàng ngàn người vô tội ở Huế năm Mậu Thân khi Hồ Chí Minh đang còn sống.

Phải chăng với cái gốc đảng viên lâu năm và là nhà đại trí thức xã hội chủ nghĩa nên ông không thể nào đoạn tuyệt với chủ nghĩa này? Cũng có thể Giáo sư Tương Lai sợ mang lụy vào thân nên phải mượn cái vía của Hồ Chí Minh để hy vọng sẽ được yên thân trong những ngày cuối đời?

Năm 2011 nhân ngày thương binh liệt sĩ của chế độ, Giáo sư Tương Lai đã có một bài phát biểu nói về những người đã hy sinh bảo vệ đất nước chống chủ nghĩa bành trướng Đại Hán về “tội ác của chúng đã gây ra tại Hoàng Sa vào năm 1974 khiến 74 người con yêu của đất nước đã hy sinh”. Rồi ông trích lời Thánh Kinh “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi để nói”, lời Phật dạy “nước mắt nào cũng cùng vị mặn” nhưng đồng thời ông cũng trích lời của Hồ Chí Minh “mỗi  người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng… gộp lại thành đau khổ của tôi”…  nhưng khổ đau triền miên đó trong 87 năm qua do ai gây nên?

Các trí thức hãy đủ can đảm để hạ bệ “thần tượng” đã gây đau khổ cho nhân dân VN thì đất nước mới khá được. Chớ mượn vía ông Hồ!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1643 phát hành ngày 20.09.2017)