Hỏi và giải đáp 292: Nguội lạnh tuổi già

05 Tháng Mười, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL đề cập tới một vấn đề khá tế nhị, liên quan tới cuộc sống phòng the của những cặp đã không còn trẻ. TL sẽ cố gắng bóng gió xa xôi tới mức tối đa để đám con nít lỡ đọc cũng không hiểu, và những người lớn nào không thích đề tài này, cũng không nễn nỗi bực bội, khó chịu.

Người viết thư là bà X (khoảng giữa tuổi ngũ tuần), một người mà cả nhan sắc lẫn thân hình còn khá đẹp và thu hút so với những người đồng tuổi. Trong khi lạc thú yêu đương của bà không hề suy giảm thì chồng bà (ông Y) từ hơn một năm qua bỗng nguội lạnh dần – cả về tinh thần lẫn thể xác!

Bà X cho biết: chắc chắn tới 100%, ông Y không có người đàn bà nào khác. Như vậy câu hỏi đặt ra là ông hết hứng thú về tinh thần, rồi kéo theo nguội lạnh thể xác, hay ngược lại? Phương cách giải quyết?

Ý kiến Thanh Lan:

Bà X thân mến,

Cho dù hai vợ chồng không cách biệt tuổi tác nhiều, tình trạng người này nguội lạnh sớm hơn người kia là việc bình thường. Bên cạnh đó, việc giữa hai vợ chồng, người nào ‘nguội’ trước cũng không theo một quy luật, một nguyên tắc nhất định nào cả: có khi bà vợ mới ngoài 50 đã treo bảng ‘cấm cửa’, có khi ông chồng chưa tới 60 đã tuyên bố ‘về hưu’ – như trường hợp ông Y của bà.

Dĩ nhiên, TL không thể thay mặt các bác sĩ để ‘chẩn bệnh’ cho ông nhà, nhưng cũng có thể đoán đại khái như sau: ông Y không có bồ bịch, hai ông bà lại tâm đầu ý hợp, sống đầm ấm từ bao năm nay, ông cũng không bị ‘stress’ bởi công việc hay danh vọng, thì tới 99% là do nguyên nhân thể lực.

Hai chữ ‘thể lực’ trong lãnh vực phòng the không thể đánh giá, suy đoán qua sức khỏe tổng quát. Bởi vì, như một tác giả đã ví von, con người – nam cũng như nữ – giống như một cái xe hơi, tới một cái tuổi nào đó thì bắt đầu có ‘vấn đề’. Và nếu mỗi cái xe, tuy cùng hiệu cùng đời lại có những vấn đề khác nhau thì con người cũng thế, không phải ai cũng ‘đi xuống’ cùng một lúc, cùng một cơ phận.

Khi ‘vấn đề’ xảy ra, cần nhất là sự thông cảm, hiểu biết. Thông cảm để không có việc đổ lỗi cho nhau (chồng trách vợ sớm tắt lửa lòng, vợ chê chồng mau xuống cấp), hiểu biết để cùng nhau giải quyết và tận hưởng những gì ông trời còn ban cho + sự trợ giúp của khoa học tiến bộ.

TL không tự khen người Việt ở Úc, nhưng cứ thử nhìn sang xứ Hoa Kỳ thì thấy quả thật các cặp vợ chồng già (gốc Việt) bên ấy sao họ bỏ nhau dễ dàng quá. Chỉ có thể giải thích con người bên đó sống quá thực tế, nên thay vì thông cảm, hiểu biết, kiên nhẫn với nhau, họ đã vội đi tìm ‘nguồn sống’ mới cho những năm tháng ngắn ngủi còn lại.

Trở lại chuyện của bà, nói tới nói lui thì nếu đã nhất quyết ăn đời ở kiếp với nhau thì chỉ có một phương cách giải quyết duy nhất: nhờ lời khuyên và chữa trị của bác sĩ.

Cái khó không phải là phần việc của bác sĩ, mà là làm sao để chồng bà chấp nhận đi bác sĩ. Đàn ông ai cũng tự ái ngất trời, cho nên bà không nên ‘chê, trách’ mà phải khôn khéo để chồng bà có cảm tưởng bà quan tâm tới hạnh phúc của ông, chứ không phải vì ham muốn của bà.

Một khi chồng bà đã đồng ý tìm sự giúp đỡ của bác sĩ thì coi như đã thành công hơn một nửa, bởi vì những gì diễn ra sau đó là chuyện giữa đàn ông với đàn ông, họ nói chuyện với nhau dễ dàng hơn!

Cuối cùng, nếu chồng bà vì tự ái hay một nguyên nhân thầm kín nào đó nhất định thà chết chứ không cho “mấy chả” biết mình đã xuống cấp, thì bà phải chủ động: tìm một vị bác sĩ tương đối thân với gia đình để cầu cứu. Từ đó bà sẽ nhận được những cố vấn, hướng dẫn cách giúp chồng hồi phục. Dĩ nhiên, trị bệnh ‘gián tiếp’ thì khó lòng có kết quả như trực tiếp, nhưng vẫn còn hơn không chữa trị.

 

Thân mến,
Thanh Lan