Hỏi và giải đáp 295: Phòng bệnh hơn chữa bệnh!

12 Tháng Mười, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư em TT, một người vợ trẻ đang lo âu trước những thay đổi nơi chồng. Sơ lược nội dung thư như sau:

TT, gần 40, sống với chồng (A) đã hơn 15 năm, hạnh phúc ‘không trọn vẹn nhưng cũng hơn nhiều cặp khác’. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây những ‘không trọn vẹn’ ấy càng gia tăng, vợ chồng ít ‘thân mật, âu yếm’ như xưa, và xảy ra việc A khi gặp lại các bạn gái cũ, có thái độ trìu mến rất khó diễn tả, dù họ cũng đã có chồng con!…

Trả lời của Thanh Lan:

Em TT thân mến,

Dù lá thư của em dài và hơi lộn xộn, TL cũng nhận ra ý chính của em là sự lo ngại những quan hệ của A với bạn gái cũ sẽ khiến hạnh phúc gia đình có thể tan vỡ!

Nếu quả là như thế, TL viết ngay: hai sự việc đó chẳng ăn nhập gì với nhau! Bởi vì những ‘không trọn vẹn’ đã có từ lâu rồi chứ không phải đợi tới khi A khi gặp lại các bạn gái cũ!

Dĩ nhiên, TL sẽ khuyên em phải lo ‘hâm nóng’ hạnh phúc vợ chồng, nhưng là để nó đừng ‘nguội’ chứ không phải để giữ chồng. Xưa nay không phải là không xảy ra những vụ người xưa gặp lại nhau rồi ‘dính’ trở lại, tuy nhiên giữa hai người xưa hiện đang có chồng con, vợ con thì hơi hiếm. Bởi vì trách nhiệm, lương tâm, đạo đức cũng như quan niệm ‘tình chỉ đẹp khi còn dang dở’, đã không cho phép chúng ta – những người có bổn phận làm gương cho con cái – yếu lòng, đồng thời cũng là sự tôn trọng ‘người xưa’. Thực tế cho thấy nếu cuộc sống vợ chồng không đem lại hạnh phúc, hoặc không đủ thỏa mãn nhu cầu, hoặc thích ‘của lạ’, người đàn ông sẽ đi tìm một đối tượng mới chứ chẳng mấy ai tìm lại người cũ.

Trở lại với những ‘không trọn vẹn’ trong cuộc sống vợ chồng giữa em và A. Nếu em có cặp mắt thần, thấy được cuộc sống thực sự của các cặp vợ chồng quen biết, nhiều khi em sẽ té ngửa, bởi vì nhiều khi ‘coi dzậy mà không phải dzậy’, và chỉ tới lúc cặp vợ chồng ‘lý tưởng’ ấy chia tay, mọi người mới biết hai người có ‘vấn đề’!

Mức độ trọn vẹn của tất cả mọi thứ – chứ không chỉ trong lãnh vực hạnh phúc gia đình – là tùy trường hợp, và cái mức độ ban đầu ấy sẽ gia tăng hay suy giảm là do người trong cuộc. Em và A sống với nhau ‘không trọn vẹn’ mà bền được mười mấy năm thì em nên thầm cám ơn trời phật và tìm cách duy trì hạnh phúc ấy.

Tình yêu là một nhu cầu của con người, như ăn và ngủ. Tình yêu giữa vợ chồng mà chúng ta tưởng rằng ‘nguội’ dần theo thời gian, thực ra chỉ là bị lãng quên trước trăm ngàn thứ nhức đầu: sinh kế, tiền bạc, nhà cửa, con gái, cha mẹ anh em, thậm chí cả bạn bè cũng khiến chúng ta thấy đời là… bể khổ!

Tại sao mỗi ngày chúng ta không chịu khó dành cho nhau một khoảng thời gian nào đó, và quên đi tất cả mọi thứ nhức đầu? Tại sao chúng ta lại quan niệm những lời yêu đương, cử chỉ âu yếm chỉ dành cho thuở ban đầu? Tại sai chúng ta chỉ lo vạch ra những điều không phải, không đúng của người bạn đời để ăn thua? Tại sao chúng ta lại cố kéo con cái về phe mình, tìm cách chứng minh cho chúng tất chỉ có mẹ (hoặc cha) mới thương chúng, mới lo cho chúng?

Và còn hàng chục, hàng trăm cái ‘tại sao’ khác mà nếu kể hết ra chúng ta sẽ phải giật mình, không ngờ mình lại vô tình, nhỏ nhen, tệ hại đến như thế!

Trong cuộc sống gia đình, rất nhiều người trong chúng ta hay ‘đứng núi này trông núi khác’. Thái độ này vô cùng tai hại, mà đầu tiên là khiến chúng ta cảm thấy ‘boring’ để rồi có thể dẫn đưa tới việc ‘thả mồi bắt bóng’!

TL viết rằng rất khó mà xảy ra việc A tìm cách trở lại với những cô bạn gái nay đã có chồng con đàng hoàng, nhưng TL không bảo đảm việc anh chàng sẽ không tìm vui nơi một đối tượng khác. Mà một khi việc đó xảy ra, rất khó cứu vãn!

Cho nên em phải tìm cách ‘renew and recharge’ cuộc sống vợ chồng (người Việt thường nói đùa là ‘hấp hôn’ cũng rất có ý nghĩa). Gần 40 tuổi có thể bị xem là không còn trẻ, nhưng dứt khoát chưa già, em hãy lo chăm sóc dung nhan, thân hình, cách ăn mặc, và mỗi khi điều kiện cho phép, cố gắng tạo không khí thân mật giữa vợ chồng.

 

Thanh Lan