Hỏi và giải đáp 298: ‘Con rơi’

19 Tháng Mười, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

Cách đây hai tuần qua, TL nhận được một lá thư ‘rất khó trả lời’ của nữ độc giả X, viết về việc chồng có con rơi, con ngoại hôn. ‘Khó trả lời’ không phải vì câu chuyện quá rắc rối mà vì  sợ người quen đọc phần trả lời ấy sẽ biết người hỏi là ai!

Sau khi suy nghĩ tới lui, TL thấy chỉ có phương cách trả lời chung chung thì mới hy vọng không có người quen nào đoán ra người hỏi là nữ độc giả X. Sau đây, TL sẽ nêu ra vài trường hợp ‘con rơi’ khác nhau, và góp ý kiến về việc giải quyết, nữ độc giả X thấy mình rơi vào trường hợp nào thì âm thầm ‘tiếp thu’.

* * *

– Ông A và ông B đều có con trước khi lập gia đình. Trong trường hợp của ông A, người mẹ ấy trả “cháu” cho ông bà nội nuôi rồi đi lấy chồng. Trong trường hợp của ông B, người mẹ lại gửi ‘cháu’ cho ngoại nuôi.

Trong cả hai trường hợp này đều giải quyết tương đối dễ dàng, ổn thỏa vì vợ ông A và vợ ông B không có lý do để ghen. Khi đứa bé  trưởng thành, ông A phải có trách nhiệm của một người cha, ít nhất cũng là trong việc dựng vợ gả chồng cho con. Đây là một việc hết sức tế nhị, cần cả sự cương quyết của ông A lẫn sự hiểu biết và độ lượng của vợ ông. Về phần ông B, nếu người mẹ của đứa bé yêu cầu, ông cũng phải có trách nhiệm như ông A…

Thế nhưng ở cuộc sống thực tế, TL mới chỉ chứng kiến một ‘trường hợp ông A làm bổn phận’ chứ chưa thấy ‘trường hợp ông B lãnh trách nhiệm’ nào, rất có thể vì tự ái của người mẹ đứa bé.

– Ông C và ông D đều đi vượt biên trước, vợ con đi sau. Tại trại tỵ nạn hoặc ở miền đất hứa, cặp với người nào đó và có con. Trong những trường hợp này, thường thường người mẹ giữ con, vì ở đây dễ tự lập và vì xã hội tây phương không có nhiều thành kiến với ‘single mum’.

Nếu ông C cặp và có con ở trại tỵ nạn, và sau đó mỗi người một phương trời cách biệt thì nay cùng lắm cũng chỉ có một sự liên lạc giới hạn, chứ không phải nhận trách nhiệm như trường hợp ông A và B. Vậy nếu người vợ biết chuyện, nên giữ bí mật, không cho con cái biết, và cũng đừng bao giờ sử dụng việc này như một ‘thế thượng phong’ trong quan hệ vợ chồng.

Trường hợp ông D có con tại miền đất hứa, người mẹ ấy nay đã có chồng con đàng hoàng, thì bà này là người có toàn quyền quyết định có cho con (có với ông D) biết sự thật hay không. Nếu bà ấy cho nó biết, thì ông D sẽ có trách nhiệm như trường hợp ông A và B.

Tất cả những trường hợp TL vừa nêu làm thí dụ, dĩ nhiên không phải chuyện bình thường, nhưng cũng không nhất thiết gây ra những ‘bi kịch’, thậm chí đổ vỡ. Điều kiện sinh tử là thái độ và phản ứng của người vợ. Nếu bà là người vị tha, muốn để đức cho ‘con mình’ thì cũng sẽ muốn mọi sự tốt đẹp cho ‘con người kia’, không chỉ vì chúng cùng cha, mà còn vì sự công bằng và lòng nhân đạo.

Bên cạnh đó, việc giải quyết tốt đẹp (để chồng làm đủ bổn phận) còn có lợi cho hạnh phúc gia đình. Đàn ông bề ngoài họ khô khan, lạnh lùng, cứng rắn hơn đàn bà nhưng tình cảm của họ rất thâm sâu và bền vững. Họ sẽ chẳng bao giờ quên được người yêu đầu tiên thì nói gì tới một đứa con đang sống đâu đó?! Vì thế, càng tìm cách, tìm dịp ‘hành tội’ chồng, thì càng đưa tới mất hạnh phúc.

 

Thanh Lan