Chiến hạm Mỹ đến Hoàng Sa, Việt Nam nói tự do giao thông ở Biển Đông

13 Tháng Mười, 2017 | Tin Việt Nam
Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội ngày 3.8.2017. Photo Courtesy: Reuters

Trong lúc Trung Quốc cực lực phản đối một chiến hạm của Mỹ tới gần Quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam nói mọi nước đều được hưởng quyền tự do giao thông ở Biển Đông.

Trung Quốc hôm thứ Tư 11/10 chính thức phản đối Hoa Kỳ về việc tàu khu trục Chafee của Hải quân Mỹ hôm thứ Ba 10/10 đi vào vùng nước gần với các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền thuộc Quần đảo Hoàng Sa.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo thường lệ rằng Bắc Kinh đã ngay lập tức phái chiến hạm và chiến đấu cơ tới cảnh báo và xua tàu Mỹ phải ra khỏi khu vực.

Trong khi đó, theo trích thuật của truyền thông báo chí Việt Nam, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo thường kỳ hôm thứ Năm 12/10, nói: “Với tư cách là quốc gia có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và là thành viên Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán của mình, theo đó, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.”

Bà Hằng nói tiếp: “Việt Nam hoan nghênh và tiếp tục đề nghị các quốc gia có đóng góp xây dựng và tích cực trên cơ sở luật pháp quốc tế vào việc duy trì hòa bình ổn định và thượng tôn pháp luật ở trên Biển Đông.”

Trước đó Bắc Kinh nói: “Hành động của chiếc tàu Mỹ vi phạm pháp luật Trung Quốc và luật pháp quốc tế, làm tổn hại tới chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc. Trung Quốc cương quyết phản đối.”

Các viên chức Mỹ, yêu cầu không nêu tên nói với hãng tin Reuters hôm 11/10 rằng tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Chafee, đã tiến hành các hoạt động tuần tra thông thường, thách thức “tuyên bố chủ quyền lãnh hải quá mức” gần quần đảo Hoàng Sa, trong có các đảo nhỏ, các rạn san hô và bãi cạn mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với các nước xung quanh.

Đây là lần tuần tra gần nhất để chống lại những gì mà Washington cho là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược. Nhưng động thái này không mang tính khiêu khích như những lần trước đây kể từ khi ông Trump nhậm chức hồi đầu năm nay.

Tháng tới, ông Trump sẽ đi thăm Trung Quốc trong chuyến công du châu Á lần đầu tiên trong tư cách là tổng thống của ông. Lâu nay ông vẫn gây áp lực đòi Trung Quốc kìm tỏa Triều Tiên. Trung Quốc là nước láng giềng và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.

Ngũ Giác Đài không bình luận trực tiếp về hoạt động tuần tra này, nhưng cho biết Hoa Kỳ đã thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và sẽ tiếp tục làm như vậy thường xuyên hơn trên Biển Đông.

Theo VOA Tiếng Việt