Ứng viên Việt Nam rút khỏi cuộc đua lãnh đạo UNESCO

13 Tháng Mười, 2017 | Tin Việt Nam
Đại sứ Phạm Sanh Châu. Photo courtesy: Bích Hà/TTXVN

Đại sứ Phạm Sanh Châu, ứng cử viên Việt Nam cho vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) quyết định rút tên trước khi diễn ra vòng bầu cử thứ ba.

Việc Việt Nam rút ứng cử trong tình hình tranh cử hiện tại là chuyện bình thường trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là với một cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh cao và quyết liệt này.

Ông Michael Worbs, Chủ tịch Hội đồng chấp hành, đánh giá ứng cử viên của Việt Nam “đã tạo được sự tiến bộ đáng chú ý tại vòng 2” và nhấn mạnh “quyết định rút khỏi cuộc đua của ứng cử viên Việt Nam đã thể hiện sự phân tích tình hình rất sâu sắc”. Theo đánh giá của nhiều thành viên Ban thư ký UNESCO, việc Việt Nam rút ứng cử viên sẽ giúp tập trung phiếu bầu cho nhưng ứng cử viên còn lại.

Trong lịch sử bầu cử Tổng Giám đốc UNESCO, hầu hết các nước đều rút ứng cử viên của mình nếu sau 2 vòng không đạt được 10 phiếu trở lên. Vào năm 1999, hai ứng cử viên Gareth Evans  – Bộ trưởng Ngoại giao – của Australia  và Ismail Sergeldin – Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới – của Ai Cập đã quyết định rút lui sau khi chỉ đạt được lần lượt là 6 và 4 phiếu trong vòng 2.

Thậm chí trong kỳ bầu cử năm 2009, ứng cử viên người Áo, Ủy viên châu Âu về quan hệ đối ngoại, Benita Ferrero Waldne cũng đã rút khỏi cuộc đua, mặc dù nâng được số phiếu từ vòng 2 là 9 lên 11 phiếu ở vòng 3. Các cuộc bầu Tổng Giám đốc các năm 2003 và 2013, do đương kim Tổng Giám đốc tái cử nên cuộc đua dừng ngay tại vòng 1 với chiến thắng áp đảo của đương kim Tổng Giám đốc.

Theo tin mới nhất, Kết quả vòng bầu cử lần thứ 3 với hai ứng viên dẫn đầu là đại diện của của Pháp và Quatar, cùng đạt 18/58 phiếu.

Tuy nhiên, với kết quả này thì UNESCO vẫn chưa thể tìm ra ứng viên đạt đủ số phiếu quá bán (30/58) để giành chiến thắng. Như vậy, Hội đồng Chấp hành UNESCO sẽ tiếp tục bỏ phiếu vòng 4.

Nếu kết quả bỏ phiếu vòng 4 vẫn không tìm ra người đạt đủ số phiếu quá bán, thì chỉ 2 ứng viên có số phiếu cao nhất trong vòng này sẽ được bước tiếp vào vòng 5. Ứng viên nào giành được số phiếu cao hơn trong vòng 5 sẽ là người chiến thắng.

Trong trường hợp hai ứng viên cuối cùng có số phiếu bằng nhau thì Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO sẽ bốc thăm chọn ứng viên duy nhất. Kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ được trình lên Đại hội đồng UNESCO tại khóa họp vào tháng 11 tới.