Tham nhũng chỉ giảm khi  không còn độc đảng

25 Tháng Mười, 2017 | Bình Luận
(Representational image: Reuters)

Vừa qua ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu tổng giám đốc Ngân hàng Oceanbank và cựu chủ tịch ngân hàng này là Hà Văn Thắm đã ra tòa vì tội tham nhũng, chiếm đoạt hàng chục triệu đô la trong cái gọi là “đại án Oceanbank” liên quan đến 51 người. Hai ông chủ chốt lãnh những cái án nặng nhất: Sơn tử hình, Thắm chung thân.

Luật sư của ông Sơn nói thân chủ ông sẽ kháng án. Ở Việt Nam, tòa chung thẩm thường y án, nhưng liệu ông Sơn có bị tử hình không? Theo “tiền lệ” rất có thể ông ta sẽ không bị xử bắn như trường hợp Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, bị kết án tử hình vào năm 2013 vì tội tham ô.

Lý do? Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1.7.2016 ở “điểm c khoản 3 điều 40 quy định, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất  3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực  với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình, chuyển thành hình phạt chung chân” (trích báo Dân Trí ).

Luật này được thông qua vào ngày 27.11.2015 tuy không có hiệu lực hồi tố nhưng tính mạng của Dương Chí Dũng sẽ được bảo đảm trừ bị đầu độc để bịt miệng bởi quốc hội đã có hướng dẫn rất rõ khi thông qua: “Đối với những người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điều c khoản 3 điều 40 Bộ luật Hình sự này, thì không thi hành và chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân” (trích Dân Trí).

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Học viện Quốc phòng Úc đã nhận xét về bản án dành cho  Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm như sau: “Những bản án khắc nghiệt này chủ yếu nhằm để răn đe công chúng chứ ít có tác dụng nếu không cải thiện bộ máy nhà nước độc đảng”.

Thật vậy, những ngày trước Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tay chân như  Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng đã hô hào chống tham nhũng bằng cách kết tội Bí thư  Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vì “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”.

Đây là vụ án chính trị nghiêm trọng được cả nước bàn tán và theo dõi trong nhiều tháng khi phe Nguyễn Phú Trọng đánh phe cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hạ    Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng.  Nhưng “tội” của ông Anh rất mơ hồ như “vi phạm nguyên  tắc tập trung dân chủ”, “kê khai sử dụng bằng cấp không đúng quy định”, “thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng và sử dụng hai nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội”.

Những tội này quả là quá nhỏ so với những vụ tham nhũng hối lộ hàng chục triệu, hàng trăm triệu đô la trong tập thể 200 ủy viên trung ương đảng Cộng sản Việt Nam mà ông Anh là ủy viên trẻ tuổi nhất. Nguyễn Xuân Anh bị mất cái chức bí thư béo bở của thành phố lớn hàng thứ ba trong nước và ủy viên trung ương đảng chỉ là một sự   thanh toán “nhẹ nhàng” trong nội bộ đảng so với những cái chết của  Bí thư Thành Ủy Nguyễn Bá Thanh hay Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, người bị cáo buộc nhận hối lộ liên quan vụ án Dương Chí Dũng.

Bà Châu Thị Thu Nga, cựu đại biểu quốc hội, đang bị xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được nghe nói đã hối lộ $1.5 triệu đô la để được cái chức đại biểu khóa 13 đã xin tòa cho bà khai người nhận hối lộ nhưng chủ tọa không cho phép   vì không thích hợp, bắt trở về chỗ.

Thế nghĩa là sao? Đảng chi phối chính phủ, quốc hội và cả tòa án. Những người bị án tử hình hay chung thân chỉ là tép riu, chứ ủy viên trung ương hay bộ chính trị sẽ không hề hấn gì,  cứ tiếp tục mua thêm nhà, đưa con ra nước ngoài học dù lương thủ tướng chỉ hơn mười ngàn đô la. Việt Nam được liệt kê tham nhũng hàng đầu thế giới. Muốn diệt tham nhũng phải diệt độc tài độc đảng– dẹp đảng CSVN.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1646 phát hành ngày 11.10.2017)