Hỏi và giải đáp 299: ‘Thần tượng’ không phải là ‘chồng’!

22 Tháng Mười, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

TL trả lời thư  của cháu V, có nội dung tóm tắt như sau:

V là chồng là A đều đã gần tới tuổi 40, có con cái, sống khá hạnh phúc hòa hợp. Trừ một điểm: A thường tỏ ra khó chiu khi thấy vợ  thích nam ca sĩ ‘bảnh trai’ này hay khen ‘diễn viên hào hoa’ nọ. V cho đây là một sự ghen tuông vô lý, đưa tới bất đồng cãi cọ nhiều lần, nhưng A vẫn không chịu thay đổi, khiến V luôn luôn ấm ức…

Ý kiến của Thanh Lan:

Cháu V thân mến,

Việc cháu nêu ra không chỉ là ‘problem’ của vợ chồng cháu, hoặc chỉ xảy ra trong ‘xã hội bảo thủ’ của người Việt mà là ‘problem’ của nhiều cặp, xảy ra ở khắp thế giới. Cô không quá lời, bởi vì có lần đọc một tạp chí phụ nữ uy tín của ngoại quốc, cô thấy người ta đã khuyên các bà vợ trẻ nên ý tứ, tế nhị trong việc ca tụng ‘thần tượng’ trước mặt chồng – nhất là khi ca tụng về ‘sức thu hút thể xác’, tức là ‘đẹp trai, quyến rũ’.

Mà một khi đông tây đều quan niệm giống nhau về điểm này thì ta có thể đi tới kết luận: ông chồng nào cũng ít nhiều cảm thấy khó chịu, bực bội trước việc vợ mình ca tụng, mê say một nam thần tượng bảnh trai.

Đây cũng là tranh cãi bất phân thắng bại giữa hai phái nam nữ từ nhiều năm qua. Nàng thì nói: mê kép Brad Pitt (bảnh trai, quyến rũ số một hiện nay) không có nghĩa là hết yêu chồng. Chàng lại lập luận: khen kép Brad Pitt là gián tiếp… chê chồng!

Gọi là ‘bất phân thắng bại’ vì cả hai phe đều có lý. Mà khi cả hai phe đều ‘có lý’ thì nếu hai phe ấy là vợ và chồng thì bắt buộc phải có sự thông cảm, hiểu biết. Trong trường hợp của cháu, A phải thông cảm với việc cháu ‘mê’ thần tượng, và về phần mình, cháu phải tỏ ra hiểu biết, tế nhị trong việc ca tụng thần tượng.

Cô không khắt khe, bảo thủ, không trọng nam khinh nữ, mà chỉ nêu ra thực tế: phụ nữ ở bất cứ thời buổi nào, xã hội nào cũng có những nguyên tắc phải tuân theo – những nguyên tắc mà người ngoài sẽ dựa vào để đánh giá sự khôn ngoan, tế nhị, trình độ học thức và sự giáo dục của gia đình (gọi tắt là ‘gia phong’) của phụ nữ ấy.

Phái nam đã được xem là ‘mã thượng’ thì dĩ nhiên, người chồng không bao giờ được tỏ ra khó chịu bực bội trước việc vợ mình ca tụng thần tượng. Nhưng người vợ cũng cần lưu ý: nhiều khi bề ngoài ổng tươi cười nhưng trong bụng lại không vui một chút nào!

Đây là phản ứng tâm lý tự nhiên của phái nam: không chối cãi mình thua kém người ở điểm này điểm nọ, nhưng vẫn không vui khi người khác vạch ra sự thua kém ấy – khi ‘người khác’ lại chính là vợ mình thì người chồng càng khó chịu bực bội hơn.

Cô tin rằng đó cũng là tâm trạng của A, vì thế nếu A không thể dấu kín sự bực bội trong lòng thì cháu cũng không thể nói chồng mình là người nhỏ mọn, khó chịu. Mà cháu phải xét lại cung cách của mình. Trao đổi giữa bạn gái với nhau, cháu tha hồ mà ca tụng, bày tỏ sự say mê đối với ‘thần tượng’ của mình; nhưng trước mặt chồng, và nhất là có sự hiện diện của người khác, không nên hết lời ca tụng ‘thần tượng’ của mình đẹp trai, quyến rũ. Bởi vì chỉ với một hành động ấy, cháu có thể tạo ra phản ứng thất lợi (negative) nơi ba đối tượng khác nhau: chồng mình, những phụ nữ và những người đàn ông hiện diện.

Chồng cháu sẽ bực bội, hoặc ngượng ngùng, thậm chí cảm thấy mất mặt vì biết những người chung quanh đang đánh giá thấp vợ mình!

Rất có thể một số nữ độc giả trẻ không đồng ý với Thanh Lan, vì cho rằng thời buổi nam nữ bình quyền, lại đã bước sang thế kỷ 21 thì cần phải quan niệm cởi mở hơn để sống cho thoải mái. Xin thưa, quả thật chúng ta cần phải thay đổi quan niệm về nhiều mặt, nhưng riêng trong đề tài mà cháu V nêu ra, những nguyên tắc căn bản về tư cách của người phụ nữ vẫn không thay đổi. Chủ trương nam nữ bình quyền không thể, và không nên áp dụng vào tất cả mọi lãnh vực; chẳng hạn ngày nay, một số phụ nữ tây phương có thể theo chồng hay bạn trai tới những hộp đêm có các cô vũ nữ khỏa thân trình diễn, nhưng có lẽ chẳng có ông chồng hay bạn trai nào lại đi theo vợ hay bạn gái tới những câu lạc bộ có các đực rựa trình diễn thoát y!

Một trong những khác biệt căn bản giữa nữ tính và nam tính là ở chỗ đó. Đồng ý hay không, chúng ta cũng phải tuân theo!

 

Thanh Lan