Hỏi và giải đáp 309: Phúc đức tại mẫu?

14 Tháng Mười Một, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa, TVTS contributor: Henry Heng

TL trả lời thư em X, một nam độc giả trẻ đang vương vào một vài trường hợp tương tự mà TL đã đề cập tới cách đây một vài năm: đó là ‘xuất thân’ của người con gái.

Để giữ kín lý lịch người viết thư, TL xin miễn tóm tắt thư hỏi và  đi thẳng vào việc trả lời.

* * *

Trước hết, xin đề cập tới câu ‘Phúc đức tại mẫu’. Câu này tương tự như những câu ‘Con hiền tại mẹ, Con nhờ đức mẹ, Đức hiền tại mẹ…’. Nghĩa là: con cái nên người, hiền lành đức độ, được hưởng may mắn tốt đẹp là nhờ ở người mẹ đã ăn ở nhân đức, khéo dạy dỗ và làm gương sáng cho con. Ở đây chỉ nói về con gái.

Tại sao lại là mẹ chứ không phải cha?

Có hai nguyên nhân:

Thứ nhất, xưa kia, có thể nói việc giáo dục con cái hoàn toàn lệ thuộc vào gia đình, trường học chỉ là nơi dạy ‘chữ’; mà trong gia đình thì con cái, nhất là con gái, thường gần gũi mẹ hơn cha (vì cha đi làm, mẹ ở nhà lo công việc nội trợ, dạy dỗ con cái), sẽ chịu ảnh hưởng của mẹ nhiều hơn.

Thứ hai, do bản tính khác nhau giữa nam nữ, do quan niệm đàn ông phải biết ‘cầm kỳ thi tửu’, và ‘trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng’, người đời thường dòm ngó cuộc sống, đánh giá tư cách người vợ hơn là người chồng.

Vì thế, khi chọn vợ cho con trai, ta thường chú trọng tới tư cách, đức độ người mẹ của cô gái.

Ngày nay, do những thay đổi của xã hội cũng như trong cuộc sống gia đình, vai trò giáo dục con cái không còn là độc quyền của người mẹ nữa, và ảnh hưởng của học đường, của chúng bạn đối với con cái ngày càng chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người không còn tin tưởng vào ‘phúc đức’ của ông bà, cha mẹ để lại nữa, cho đó là duy tâm, vô lý.

Riêng TL, mặc dù (từ ngày xưa chứ không phải mới đây) chỉ tin vào sự giáo dục gia đình chứ không tin vào phúc đức, cũng phải nhìn nhận trên thực tế, hai thứ này rất dễ lẫn lộn một cách… dễ hiểu: người biết giáo dục con cái thường là người đạo đức!

Như vậy, tiến tới với một gái xuất thân từ một gia đình có bà mẹ đạo đức thì vẫn yên tâm hơn.

Xin nhấn mạnh: hai chữ ‘đạo đức’ ở đây mang nghĩa bao quát là sống phải ‘đạo’ làm người, và ‘đức độ’ theo quan niệm của các bậc thánh hiền, chứ không chỉ có nghĩa là siêng ăn chay, đọc kinh, đi lễ chùa, lễ nhà thờ mà thôi!

Nhưng nếu yêu nhằm một cô gái xuất thân từ một gia đình có bà mẹ ‘thiếu đạo đức’ thì sao?

Dĩ nhiên, như TL đã viết trong những lần trước, chưa hẳn đã là không tốt, nhưng chắc chắn sẽ gặp sự phản đối của gia đình. Trường hợp vượt qua được khó khăn cản trở ấy, chính người con trai cũng phải tìm hiểu thật cẩn thận, suy nghĩ cho thật chín chắn trước khi quyết định tiến tới.

Nên biết ‘yêu nhau’ và ‘chung sống’ là việc khác hẳn. Nói cách khác, một ‘người yêu đáng yêu’ chưa chắc đã trở thành một ‘người bạn đời’ đáng quý!

Ở đây TL không nói tới những trường hợp ‘trai tứ chiếng gái giang hồ’ mà chỉ đề cập tới trường hợp em X và những cậu con trai ‘nhà lành’ khác.

Một khi đã tìm hiểu, biết rõ thân thế của cô gái, sau khi suy nghĩ đắn đo mà vẫn quyết định tiến tới thì phải tiến tới với lòng thành thật, quyết tâm ăn đời ở kiếp với nhau, chứ không nên quan niệm ‘bỏ thì uổng, thôi cứ lấy đại, khi nào chị nhỏ cà chớn thì bỏ mấy hồi!’

Tiến tới hôn nhân với một suy nghĩ như thế là đã nắm chắc 50% tan vỡ, và trong trường hợp không tan vỡ thì tình nghĩa vợ chồng cũng chỉ ở một mức độ nào đó. Suy nghĩ như thế là tự hạ thấp con người mình và bất công với người con gái.

Cho nên, TL khuyên em X nên tìm hiểu, suy nghĩ cho kỹ. Một khi thấy người con gái ấy có nhiều tính tốt hơn tính xấu, và thiết tha muốn cùng nàng nên duyên vợ chồng thì nên quên câu ‘phúc đức tại mẫu’, gạt bỏ những gì liên quan tới bà mẹ, để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

So với những trường hợp TL đã góp ý kiến trước đây, em rất may mắn vì không bị gia đình phản đối một cách quyết liệt. Hơn nữa  ‘nhân chi sơ tính bản thiện’, xưa nay trên đời cũng không thiếu gì ‘sen trong bùn’. Và một khi đã quyết định lấy thì phải lạc quan và tin tưởng. Còn sau này sẽ ra sao? Không một ai trong chúng ta, dù lấy ‘nhà lành’ hay ‘nhà rách’, có thể nói trước được!

 

Thanh Lan