Vần đề song tịch: giải quyết một lần cho xong

22 Tháng Mười Một, 2017 | Bình Luận
Thủ tướng Úc tham dự phiên họp về TPP trong khuôn khổ diễn đàn APEC 2017 ngày 9.11. Photo courtesy: Reuters

Kể từ tháng 7 vừa qua khi Thượng nghị sĩ đảng Xanh Scott Ludlam cho biết ông có song tịch, vấn đề các vị dân cử liên bang vi phạm điều 44 của hiến pháp đã trở thành một tai ương cho những người liên hệ và đảng phái của họ. Số phận của bảy người gồm một dân biểu và sáu thượng nghị sĩ đã được quyết định vào ngày 27 tháng 10 vừa qua trong đó có một dân biểu và bốn nghị sĩ bị Tối cao Pháp viện Úc phán họ bất hợp pháp trong chức vụ dân cử hiện hành bởi họ có song tịch.

Thế là bao nhiêu  biện luận, ý kiến của những giới chức cao cấp am hiểu về luật pháp gồm cả Thủ tướng Malcolm Turnbull (nguyên là một trạng sư nổi tiếng) và những trạng sư cao cấp của chính phủ có nhãn QC, SC nói rằng Phó Thủ tướng Barnaby Joyce không thể coi là có quốc tịch Tân Tây Lan, đã không xảy ra như họ nói.

Ở một xứ dân chủ thượng tôn luật pháp, khi có sự tranh chấp về pháp lý, Tối cao Pháp viện là tòa án cao nhất nước sẽ ngồi nghe và đưa ra phán quyết. Tòa ngồi một thời gian khá lâu để nghe khoảng hai mươi luật sư hàng đầu ra tranh biện cho bảy thân chủ của họ với số tiền công hai triệu đô la do chính phủ tài trợ (bằng tiền của người thọ thuế) trong đó có những vị trạng sư một ngày ra tòa phải trả cho họ khoảng hai chục ngàn đô la.

Thế mà sau một thời gian nghị luận, tất cả bảy quan tòa cao nhất nước đồng thanh tuyên bố bất lợi cho năm vị dân cử. Phó Thủ tướng Joyce phải “vui vẻ” từ chức thủ tướng lẫn chức dân biểu và sẽ tái tranh cử vào cuộc bầu cử bổ túc vào ngày 2 tháng 12 tới đây. Trừ ông Joyce sẽ tranh cử lại đơn vị New England, các vị thượng nghị sĩ sau khi từ chức, chỗ trống của họ sẽ được người trong đảng hay người được phiếu cao nhất trong kỳ bầu cử vừa qua đôn lên hay thay thế. Họ sẽ trở thành thường dân. Đau nhất là bà Fiona Nash, không những mất chức thượng nghị sĩ mà còn mất luôn cái ghế tổng trưởng Phát triển Nông thôn và Truyền thông Nông thôn cùng chức phó thủ lãnh đảng Quốc gia.

Nói tai ương cho cá nhân là như vậy. Nhưng tai ương cho đảng là Liên đảng không còn chiếm đa số để cầm quyền, thông qua các dự luật chính sách ở hạ viện. Đối lập đã đưa ra nghị quyết bất tín nhiệm chính phủ nhưng nhờ các dân biểu độc lập không về phe họ nên họ không có đủ đa số để chính phủ Turnbull sụp đổ. Tuy nhiên, liệu các dân biểu độc lập có ủng hộ chính phủ trong các dự luật quan trọng mà họ không đồng ý hay ủng hộ không? Chính phủ Turnbull hy vọng cựu Phó Thủ tướng Joyce sẽ thắng trong cuộc bầu cử tới để có đa số hầu cầm quyền.

Nhưng ra vẻ cái hạn của ông Turnbull chưa qua. Hôm Thứ Năm tuần rồi Thượng nghị sĩ Tự do Stephen Parry từ chức chủ tịch thượng viện vì có quốc tịch Anh. Mất thượng nghị sĩ này thì có nghị sĩ khác đôn hay thế, nhưng ngay sau đó có tin Tổng trưởng Môi trường và Năng lượng Josh Frydenberg có thể có song tịch vì mẹ của ông sinh ra tại Hung Gia Lợi. Ông Frydenberg nói ông đã kiểm tra với tòa đại sứ Hung và tin rằng mẹ ông không thể có quốc tịch Hung do bà sinh năm 1943 trong thời quốc xã chiếm đóng, trở thành người vô quốc gia và may mắn tránh được các lò hơi ngạt của Đức quốc xã để sang định cư ở Úc.

Nhưng có những chuyên gia cho rằng sau này một nước Hung độc lập có chủ quyền đã làm luật quốc tịch lại, nói rằng bất cứ ai sinh trong thời điểm đó đều tự động có quyền công dân Hung, có nghĩa Tổng trưởng Frydenberg dù sinh ở Úc nhưng cũng mang quốc tịch Hung do huyết thống. Nếu quả thật vậy, chính phủ Turnbull sẽ bị sụp đổ.

Thủ tướng Turnbull chỉ trích đối lập vạch lá  tìm sâu, bác bỏ ông Frydenberg có song tịch. Thủ lãnh Lao động Bill Shorten ban đầu đòi mở cuộc điều tra độc lập tình trạng quốc tịch các vị dân cử nhưng cuối cùng co lại, chỉ đòi các dân biểu nghị sĩ “tự thú” để các đảng phái điều tra nội bộ. Nhưng ai mà tin sự chính trực và ngay thẳng của họ, như đã xảy ra trong thời gian qua? Họ chỉ nói nếu bị tố hoặc đồng nghiệp biết cũng ngậm thinh. Cho nên một cuộc điều tra (audit) độc lập từ bên ngoài là điều cần thiết, dù rất tốt kém và kéo dài. Nhưng thà làm một lần cho xong hơn là cứ vài ngày xì ra một vụ.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1650 phát hành ngày 08.11.2017)