Kiểm tra, tu chính hiến pháp, giải tán quốc hội?

29 Tháng Mười Một, 2017 | Bình Luận
Thủ tướng Malcolm Turnbull trong cuộc họp báo hôm 6.11 tại Canberra. Photo Courtesy: Reuters

Trong bài xã luận tuần qua, TiVi Tuần-san đã cho rằng cần phải có một cuộc điều tra (audit) tình trạng quốc tịch của tất cả 226 vị dân cử quốc hội liên bang (150 dân biểu và 76 thượng nghị sĩ) dù tốn kém tiền bạc, mất thì giờ và gây khó chịu nhưng đó là cách giải quyết tương đối dễ dàng nhất.

Nhưng cho đến nay, Thủ tướng Malcolm Turnbull và Thủ lãnh Đối lập Bill Shorten chưa đồng thuận để giải quyết vấn đề song tịch của các vị dân cử hiện đang làm mất thì giờ, chia trí của những người được cử tri bầu lên để làm việc, soạn thảo luật lệ chứ không phải để chờ khui sự bất hợp pháp của nhau do có quốc tịch của một nước khác ngoài quốc tịch Úc.

Lãnh tụ hai đảng  chỉ đồng ý các vị dân cử liên bang tự khai hay tự nhận về tình trạng quốc tịch của họ với quốc hội nhưng các lãnh tụ đã không đồng ý với nhau về thời hạn chót phải khai báo. Đảng Lao động mới có thêm bốn vị dân cử bị cho là có song tịch hay đã không từ bỏ quốc tịch nước khác đúng thời hạn khi ra tranh cử nhưng từ chối không từ chức hay nhờ Tối cao Pháp viện xem xét và  phán quyết khiến ông Turnbull hăm he có thể lấy tư cách thủ tướng chính phủ để “giới thiệu” các vị dân cử Lao động với tòa án.

Nhưng Liên đảng cũng chẳng tốt lành gì hơn bởi cũng vừa có thêm một dân biểu bị phát hiện là có quốc tịch Anh nhưng vẫn chần chừ để cuối cùng phải từ chức vào Thứ Bảy tuần qua khiến sẽ có thêm một cuộc bầu cử bổ túc nữa, đó là dân biểu Tự do John Alexander của đơn vị Bennelong. Liên đảng chỉ cầm quyền với đa số hơn một ghế nhưng cựu Phó Thủ tướng Barnaby Joyce phải từ chức vì có song tịch, nay mất thêm một ghế của dân biểu Alexander nên chỉ còn 74/150 ghế. Chính phủ Turnbull hiện đang ở tình trạng chính phủ thiểu số nên sẽ gặp rắc rối, nếu không bị bất tín nhiệm thì cũng sẽ gặp khó khăn khi hai bà dân biểu độc lập không ủng hộ những dự luật quan trọng của chính phủ.

Cách thức tự khai coi bộ không ổn bởi chẳng mấy ai muốn bị mất ghế dân biểu nghị sĩ thơm tho mà họ đã  tốn bao công sức và tâm huyết để đạt tới. Còn đề nghị điều tra nội bộ? Cũng không đến đâu bởi trong quá khứ đã có trường hợp một đồng nghiệp nghi ngờ mình có song tịch, thổ lộ với đồng nghiệp khác nhưng người được thố lộ giữ kín một thời gian. Cho nên, cử tri cũng không mấy tin tưởng sự trong sáng và chính trực của các vị dân cử, đặc biệt trong vấn đề song tịch hiện nay.

Bởi vậy, đã có ý kiến hãy cho tu chính điều 44 của hiến pháp. Một vài vị dân cử cũng đồng ý, bởi họ cho rằng ở thời đại này, trong một nước Úc đa văn thì cái việc một công dân Úc dù sinh đẻ tại Úc cũng rất có nguy cơ bị mất tư cách hiến định để trở thành một vị dân cử liên bang do huyết thống hay hôn nhân. Một người có thể có song tịch do quốc tịch của cha mẹ, ông bà hay thậm chí cả ông cố bà cố của họ nữa.

Nhưng những vị lập quốc, thành lập liên bang Úc đã suy nghĩ rất cặn kẽ, kỹ càng để đưa vào hiến pháp điều khoản bắt buộc những người lãnh đạo tối cao của quốc gia phải trung thành với nước mình, chỉ với nước Úc mà thôi phòng khi có chiến tranh, xung đột hay vì quyền lợi quốc gia trong lúc phải đối phó với một nước mà họ cũng là công dân. Các vị lập quốc có lý khi viết ra điều 44.

Nhưng ngay cả khi nhiều người hay hầu hết các vị trong quốc hội muốn thay đổi hiến pháp thì liệu có thành công không?  Kinh nghiệm cho thấy  trong lịch sử liên bang, chỉ có 8 trong 44 cuộc trung cầu dân ý thành công mà thôi. Do đó tổ chức trưng cầu dân ý để tu chính hiến pháp chỉ tốn tiền bạc và thì giờ.

Cuối cùng là trường hợp giải tán quốc hội. So với các đảng, đảng Xanh đã hành động đúng mực nhất khi hai nghị sĩ của họ vào tháng 7 vừa qua phát hiện họ có song tịch thì đã tự động từ chức ngay. Thủ lãnh đảng Xanh Richard Di Natale đề nghị Liên đảng và Lao động hành xử như đảng Xanh nhưng coi bộ  khó xảy ra. Vì vậy, nếu không mở một cuộc điều tra độc lập về tình trạng song tịch của các dân cử để đưa lên Tối cao Pháp viện xét xử, cách duy nhất để giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay là giải tán quốc hội và bầu cử lại, như Thủ tướng Turnbull đã làm vào năm ngoái.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1651 phát hành ngày 15.11.2017)