Hỏi và giải đáp 311: Không có ‘hoa vô chủ’

19 Tháng Mười Một, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

(Góp ý trước ý kiến độc giả)

Sau khi đăng hai bài viết liên quan tới đề tài ‘hoa vô chủ’, một của bà Y trên Hỏi và giải đáp 308, một của ông X trên Hỏi và giải đáp 310, mặc dù trước đó TL đã cẩn thận rào đón, với tinh thần ‘tôn trọng ý kiến độc giả’, xin được đứng giữa trong cuộc tranh luận có phần gay gắt, nhưng cũng đã bị một số độc giả trách về việc ‘cho đăng nguyên văn hai lá thư của hai phía đối nghịch mà không chịu dung hòa, giải quyết’ (thư của bà TR/NSW).

Bên cạnh đó, còn có nữ độc giả cho rằng trong khi lá thư của bà Y là ‘vô hại’ thì thư của ông X ‘rất tai hại’, vì có tính cách ‘vẽ đường cho hươu chạy’!

Trước hai luồng dư luận đối nghịch này, TL nhận thấy nên ngưng cuộc tranh luận tại đây, và thành thật cáo lỗi cùng những độc giả đã bỏ công đóng góp ý kiến trong thời gian hai tuần qua mà không được đưa lên mặt báo.

Dĩ nhiên, gọi là ngưng nhưng không có nghĩa là ‘chạy làng’, là ‘trốn tránh trách nhiệm’, mà TL sẽ phải trình bày một số ý kiến cá nhân, mong giải tỏa phần nào sự bực mình nơi các bông hoa tự nhận là ‘có chủ’ cũng như những bông hoa bị gọi là ‘vô chủ’.

* * * 

Trước hết, dù là người đồng hội đồng thuyền, chắc chắn phải có một số nữ độc giả nhìn nhận sự gay gắt có phần quá đáng trong bài viết của bà Y. Sự gay gắt đó, như ông X đã viết, chắc hẳn phải khiến một số bông hoa vô chủ cảm thấy khó chịu, buồn bực.

Sở dĩ TL đã ‘không có một hàng nào để sửa sai hay làm giảm bớt tính cách cực đoan trong lá thư của bà Y’ như ông X đã trách, là vì đây là lá thư ‘mở màn’, nên giữ nguyên văn để mọi người nhìn rõ vấn đề.

Chỉ tiếc một điều, lá thư ‘đáp lễ’ của ông X sau đó tuy mang nội dung ‘giải độc’ nhưng cách thức trình bày lại giống như muốn khiêu chiến với các bà vợ có ít nhiều máu ghen, cho nên mới gây ra một ‘làn sóng phẫn nộ’ (qua các ý kiến gửi về tòa soạn).

Tuần này, trước khi đưa ra một số ý kiến dung hòa, TL cho rằng chúng ta nên dẹp bỏ mấy chữ ‘hoa vô chủ’. Xưa nay, khi người ta sử dụng mấy chữ ‘trái tim đã có chủ’ và ‘hoa có chủ’ để viết, nói về một cô gái đã có người yêu, một phụ nữ đã lập gia đình, thì hoàn toàn mang mục đích ‘văn chương hoa lá cành’, và để đối lại, người ta sẽ viết, nói ‘trái tim chưa có chủ’, ‘hoa chưa có chủ’. Trong khi mấy chữ ‘hoa vô chủ’ mà bà Y sử dụng dù muốn hay không, cũng mang ít nhiều ý nghĩa ‘thiếu tôn trọng’, cho dù xét từng chữ, chúng ta không thể bắt bẻ tác giả được!

Đi vào phần góp ý, trước hết TL muốn nói tới việc ông Y đã ‘cưỡng từ đoạt lý’ khi gán cho bà Y rằng: theo ý bà, đã là hoa ‘vô chủ’ thì một là đáng cảm phục, hai là đáng khinh ghét, không có thành phần đứng giữa!

Thực ra ra bà Y không có ý đó, mà bà chỉ muốn làm nổi bật sự tương phản giữa một ‘single girl’ đáng quý và những ‘single woman’ đa tình. Bà Y không nhắc tới ‘thành phần đứng giữa’ là vì thấy không cần thiết phải nhắc, chứ không phải bà phủ nhận sự hiện hữu của thành phần đó.

Như vậy, ông Y đã nói oan cho bà X, và vô tình hay cố ý, làm nổi bật tính cách cực đoan, vô lý nơi các bà vợ có máu ghen – không cần biết ghen hữu lý hay vô lý.

* * *

Thứ đến, cho dù bà Y đã tỏ ra gay gắt khi sử dụng chữ ‘tệ nạn’ (…Đây là một tệ nạn tình cảm khá phổ biến trong cộng đồng chúng ta nhưng từ trước tới nay hình như chưa có ai dám đề cập tới…), nhưng ông Y và chị em thuộc thành phần ‘single woman’  không thể phản đối – bởi vì việc sử dụng đó phù hợp với suy nghĩ của bà.

Các nhà văn nhà báo Úc thường trích dẫn câu thơ của Shakespeare ‘A rose by any other name’ (Một bông hồng thì gọi bằng gì cũng là bông hồng) để nói về những cách đề cập khác nhau tới cùng một sự việc hay vấn đề. Việc sử dụng từ ‘tệ nạn’ của bà X cũng thế thôi.

Viết như ông Y (…Thông thường, cái gì tai hại, xấu xa lắm người ta mới gọi là ‘tệ nạn’, như cờ bạc, đĩ điếm, xì-ke, say sưa, bạo hành trong gia đình  tới mức độ không còn kiểm soát được, không thể chấp nhận được…) phải được xem là một hình thức ‘gây chiến’ lộ liễu!

Tiếp theo, ông Y đã chỉ nhắc tới mặt ‘vô hại’ của thực tế mà bà X đã nêu ra (1) những bông hoa vô chủ không phải đầu tắt mặt tối như các bà nội trợ cho nên lúc nào cũng ‘láng’, cũng thơm tho, sexy hấp dẫn, (2) bụt nhà không thiêng!

Như chúng ta đã biết, cái gì cũng có hai mặt. Trên thực tế, chắc chắn đã có những ông chồng bị sa ngã trước những ‘single woman’ thuộc thành phần mà bà X đã nhắc tới.

Cho nên, thực tế ông Y đưa ra: gia đình ông không ‘thường bị xào xáo một cách hết sức vô lý vì những bông hoa vô chủ ấy’, không bắt buộc phải là thực tế xảy ra trong những gia đình khác. Và, như một số nữ độc giả đã nêu ý kiến, rất có thể ông Y chỉ viết cho le, cho bảnh, ai biết được!

Nếu tất cả mọi ông chồng đều ‘có nhiều cơ hội cặp kè nhưng đã không hề phản bội vợ con’ thì xưa nay đã không có chuyện. Và không phải cứ hễ trong mấy chục năm chung sống vừa qua không phản bội là trong tương lai sẽ không bao giờ phản bội. Cho nên bà X làm sao có thể yên tâm khi ông chồng của mình ‘sáng mắt lên’ trước những bông hoa ấy!

Trong các thư góp ý gửi về tòa soạn, đại đa số các bà đều không chấp nhận ý kiến của ông Y, khi ông viết rằng: những ‘xun xoe’ của các ông đã có vợ đối với những bông hoa vô chủ, phần nhiều đều chỉ là thái độ ‘ga-lăng’. Các bà phản đối không phải vì hễ ga-lăng là có tình ý, mà chỉ vì các bà cho rằng các ông đã có vợ không được phép ga-lăng với ‘người ngoài’!

Trên cương vị người phụ trách tiết mục này, TL đứng giữa, nhưng nếu đại đa số các bà quan niệm như thế, TL cũng cho đó là việc  tự nhiên.

Về việc ông Y cho rằng bà X có thành kiến nặng nề, và thiếu cơ sở đối với những bông hoa vô chủ, cũng như khó khăn của họ trong việc làm lại cuộc đời, thì cũng giống như đã viết ở trên, TL cho rằng trên đời luôn luôn có người này người khác, có mặt phải mặt trái. Tùy người, tùy trường hợp chúng ta nên thông cảm hoặc cần phải lên án.

Xin được chấm dứt đề tài ở đây, và cũng xin cho mấy chữ ‘hoa vô chủ’ chìm vào quên lãng, bởi vì tính cách vơ đũa cả nắm ấy có thể gây xúc phạm tới những ‘single woman’ đáng quý.

Thanh Lan