Hỏi và giải đáp 312: ‘Hoa vô chủ’ (3)

21 Tháng Mười Một, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

Trên “Hỏi và giải đáp” tuần trước, TL đã ‘long trọng tuyên bố’ ngưng cuộc tranh luận về đề tài ‘hoa vô chủ’, và đã cáo lỗi cùng những độc giả đã bỏ công viết thư góp ý kiến trong thời gian mấy tuần qua mà không được đưa lên mặt báo. Nhưng sau khi nhận được thư của em A, tuần này TL đành phải ‘nuốt lời’. Không phải vì nội dung thư của A có sức thuyết phục hơn thư của các độc giả khác, mà chỉ vì giá trị tinh thần: A là ‘đại diện’ duy nhất cho thế hệ con cháu góp ý kiến về đề tài nói trên.

TL thành thật cám ơn em A đã bỏ công viết thư , và xin giới thiệu nguyên văn cùng độc giả (chỉ bỏ một số chi tiết cá nhân để ba mẹ và người quen biết không thể nhận ra), và xin miễn bình luận, bởi vì những gì muốn viết, TL đã viết hết trong số báo trước. TL

* * *

Kính thưa cô Thanh Lan,

Em là A, năm nay em… tuổi. Em có đọc bài của cô Y & chú X về “Bông hoa vô chủ”. Em xin được góp ý kiến dựa vào những sự việc đã xảy ra trong gia đình em trước đây.

Trước hết, em thấy là cả cô Y & chú X đều đúng. Cô Y đúng khi bày tỏ sự bực bội của mình về một số các cô single có những cử chỉ mà cô gọi là “lượn lờ” với các đấng phu quân của người khác. Chú X đúng khi cho rằng cô Y vơ đũa cả nắm. Em có biết một số cô ở một mình nuôi dạy con. Khi con lớn rồi thì các cô được thảnh thơi đi chơi, tiệc tùng, và tư cách của các cô thì không ai có thể chê trách được.

Kế đến, en nghĩ cả cô Y & chú X đều đã thiếu sót khi đã gượng nhẹ cho “nhân vật chính” trong câu chuyện này. Theo em, người đáng trách nhất không phải là những “bông hoa vô chủ” lẳng lơ mà chính là những đấng ông chồng.

Em xin được dùng gia đình em minh họa cho chuyện này. Ba em bảo lãnh mẹ em & em qua đây năm… Mỗi cuối tuần ba em đều có họp mặt ăn uống nhậu nhoẹt với bạn bè. Những lần em đi chung với ba mẹ em, em có cảm giác như mình đang chứng kiến một bi hài kịch.

Ở nhà hàng thì mẹ em & các bác gái ngồi một bàn, ba em & các bác trai ngồi ở một bàn riêng, vì các bác đàn ông không muốn vợ ngồi chung bàn, để các bác dễ cụng ly hơn.

Một chốc sau, lại có một vài cô đi một mình ăn diện láng mướt đến bàn các bác trai cụng ly uống rượu, cười nói thoải mái & có phần lẳng lơ. Vậy là các bác trai coi như mờ mắt, cũng anh anh em em ngọt xớt, rủ các cô ngồi xuống cụng ly với mình, nói những lời khen ngợi nịnh nọt các cô này mà quên đi các bà vợ của mình.

Bên bàn của các bác gái thì sự thể khác hẳn. Các bác gái chụm đầu lại xì xào, liếc háy, rất bực tức vì phải chứng kiến cảnh chồng mình ga-lăng với người khác chứ không phải với mình. Cuối tuần nào ba mẹ em cũng có cãi lộn. Mỗi lần mẹ em cằn nhằn là ba em nạt mẹ em là ghen bậy, không tin tưởng chồng… Em chán đến độ không còn muốn đi chung với ba mẹ em nữa, và mỗi lần mẹ em tức quá kể cho em nghe thì em nói mẹ em cứ ly dị ba em đi, để coi ba em có tìm được ai lo cho ba em như mẹ em không.

Em kể chuyện này ra vì em thấy rằng cho dù các cô có lượn lờ cỡ nào mà các bác trai biết xử sự thì sẽ không có chuyện buồn phiền cho gia đình. Nếu các bác trai ga-lăng với các cô này một, mà ga-lăng với vợ mười lần thì làm sao các bác gái bực bội cho được.

Bác X nói là nếu chồng bác Y có “sáng mắt lên trước các ‘bông hoa vô chủ’ thì bà cũng nên thông cảm chứ đừng bực bội…”. Vậy bác X nghĩ thế nào nếu vợ của bác khi đi đám tiệc cũng “sáng mắt lên”, cụng ly cười nói đưa đẩy với các ông single khác? Bác X có “thông cảm” cho vợ mình như các bà vợ của các bác & cả mẹ em đã hết lần này đến lần khác chịu đựng các đấng ông chồng của mình không?

Đây là những suy nghĩ của em, xin được chia sẻ với quý vị. Mong rằng bác X không giận cháu.

Kính chào cô Thanh Lan.