Hỏi và giải đáp 313: ‘Ngoại tình’ và ‘chơi hoa’

23 Tháng Mười Một, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời lá thư của Bà A, một nữ độc giả của TVTS đã viết thư xin ý kiến về việc ‘xử trí’ với ông chồng có tật chơi bời, cũng ‘gái hạng sang’.

Để bảo đảm bí mật cho người trong cuộc, TL chỉ xin rất sơ lược nội dung thư hỏi:

Bà A và chồng (B) chung sống đã trên 30 năm, đã có cháu ‘đích tôn’ nhưng ông vẫn không bỏ được tật ‘đi đèn đỏ’. Theo bà, trước kia thì còn chấp nhận được, nhưng nay có cháu rồi mà còn đi thì thật đáng xấu hổ. Tệ hại hơn nữa là chồng bà lại còn có tật khoe với chúng bạn để tỏ ra mình là người có tiền, là dân chơi ‘xịn’!

Bà A không bao giờ nghĩ tới chuyện ly thân ly dị vào tuổi gần 6 bó, nhưng cũng không thể tiếp tục sống mãi trong sự nhục nhã do những lời bàn tán, chê cười sau lưng…

Ý kiến của Thanh Lan:

Bà A kính mến,

Bởi vì bà đã đặt ra điều kiện ‘không ly thân, ly dị’, TL nhận thấy cũng chẳng giúp bà được nhiều trong việc giải quyết chuyện này. Tất cả những gì TL nghĩ rằng bà có thể làm là ngủ riêng phòng cho tới khi nào chồng bà thôi ‘đi đèn đỏ’.

Dĩ nhiên, con cháu sẽ biết giữa hai vợ chồng bà ‘có vấn đề’ nhưng biết sao hơn khi bà luôn luôn bị ám ảnh bởi việc làm ‘mất tư cách’ của chồng.

Trong trường hợp chúng thắc mắc, tùy theo tình thân giữa mẹ con và tùy theo lề lối gia phong (tức là quan niệm về sinh hoạt tình dục kín đáo hay cởi mở) mà trả lời. Nếu việc ‘đi đèn đỏ’ xưa nay là đề tài cấm kỵ trong gia đình, thì khi bị con gặn hỏi, bà chỉ nên nói đại khái ‘già rồi thích ngủ riêng cho thoải mái’; nhưng nếu quan hệ giữa mẹ con xưa nay cởi mở thân mật, cái gì cũng có thể tâm sự được, thì cứ nói thẳng với chúng là ‘vì ba con già rồi mà không nên nết, nên má không muốn ngủ chung nữa’!

Khi bà quyết định ngủ riêng phòng, chồng bà sẽ có một trong hai phản ứng sau đây: (1) không chấp nhận và dùng quyền ‘gia trưởng’ để buộc bà tiếp tục ngủ chung, (2) tỉnh bơ, để bà muốn làm gì thì làm!

Nếu trường hợp thứ nhất xảy ra, bà phải cứng rắn, quyết liệt để cho chồng bà thấy bà là người biết tự trọng. Chỉ khi nào ông thề hứa bỏ tật xấu ấy (kèm theo thực tế để chứng minh) bà mới xét lại!

Nếu trường hợp thứ hai xảy ra thì có nghĩa là chồng bà không còn chút tình nồng ấm nào với vợ nữa; thì cho dù rất đáng buồn, bà cũng phải chấp nhận số phận hẩm hiu của mình. Và nên tìm nguồn vui, nguồn an ủi nơi con cháu, công việc từ thiện hoặc niềm tin tôn giáo.

Tiếp đến là việc mà bà gọi là ‘sự nhục nhã’ do hành động của chồng mang lại. Theo TL, bà chỉ là một ‘nạn nhân’, đau khổ thì có chứ không nhục nhã. Có chăng cũng chỉ là nhục ‘lây’. Dĩ nhiên, các bà vợ khác khi được chồng kể lại thành tích của chồng bà, sẽ có đề tài hấp dẫn, giật gân, mà dù không ai kể cho bà nghe, bà cũng dư biết họ bàn tán, dị nghị ra sao.

Đây là lúc bà cần tới sức mạnh bản thân hơn lúc nào hết. Cho dù có những bà bạn tốt bụng thật tình, muốn an ủi san sẻ đau khổ với bà, bà cũng không nên xem đó là nơi trút nỗi niềm cay đắng. Bởi vì càng thố lộ tâm sự, càng nhận được nguồn an ủi, bà càng thấy rõ mình là một kẻ bất hạnh!

Đây không phải là một sự mâu thuẫn hay vô lý, bởi vì người ta chỉ có thể xoa dịu, chữa lành những vết thương sau khi bị thương, trong khi vết thương của bà mang tính cách thường trực, bất tận, thì càng đụng tới càng thêm đau!

Cho nên khi có bất cứ ai, dù là bạn tốt hay bạn ‘chuyên đâm sau lưng’, đề cập tới chuyện này, bà chỉ cần xác nhận là mình có biết và ‘mặc  kệ ông ấy muốn đi đâu, muốn làm gì thì làm’. Chấm hết!

Cuối cùng, TL cũng muốn có đôi lời thưa với các ông chồng chuyên ‘đi đèn đỏ’:

Các ông thường ngụy biện ‘đi đèn đỏ’ là một sự giải quyết tình dục thuần túy, không có tình cảm trong đó, dù có bị xem là một ‘tội’ thì tội ấy cũng còn nhẹ hơn là ngoại tình (có bồ, có vợ nhỏ) rất nhiều.

Xin thưa, không phải trường hợp nào cũng đúng như thế. Bởi vì không phải người chồng nào khi ngoại tình cũng hết yêu vợ, và không phải ông chồng nào chỉ ‘đi đèn đỏ’ cũng còn yêu vợ.

Dĩ nhiên, nếu các ông đặt câu hỏi ‘không cho đi đèn đỏ thì sống để làm gì?’, TL không thể có một câu trả lời chung chung, mà chỉ biết khuyên các ông như sau:

Tình nghĩa vợ chồng không chỉ là sự yêu thương mà còn là tôn trọng lẫn nhau. Ai không biết tôn trọng người khác thì cũng tự biến mình thành người mất tự trọng. ‘Tình’ có thể nguội, nhưng ‘nghĩa’ vẫn phải giữ cho tới cuối đời (không kể những trường hợp đổ vỡ ngoài ý muốn).

Có như thế mới xứng đáng làm người. Cho nên, dù loài vật có tốt lành tới mức nào, người ta cũng không gọi chúng là ‘nhân nghĩa’, bởi hai chữ đó chỉ sử dụng cho con người!

 

Thanh Lan