Khủng hoảng chính trị, ghế thủ tướng của bà Merkel lại lung lay

20 Tháng Mười Một, 2017 | Tin thế giới
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo tuyên bố tin xấu. Photo Courtesy: Reuters

Nỗ lực lập chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang gặp trở ngại lớn sau khi một đối tác tiềm tàng rút khỏi đàm phán, đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị.

Bà Merkel hôm 20.11 cho biết sẽ thông báo với tổng thống rằng mình không thể lập chính phủ liên hiệp sau khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) có động thái nói trên.

“Là thủ tướng, tôi sẽ làm mọi thứ để bảo đảm đất nước được điều hành tốt trong những tuần lễ khó khăn sắp tới” – bà Merkel trấn an người dân sau khi đàm phán đổ vỡ.

Thủ lĩnh đảng FDP Christian Lindner cho biết lý do đảng này rút khỏi đàm phán cuối ngày 19.11 là họ không tìm được tiếng nói chung với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel và đảng Xanh về những vấn đề chủ chốt, như nhập cư, khí hậu và chi tiêu sau hơn 4 tuần thương thảo.

Cụ thể đảng FDP muốn khống chế số lượng người xin tị nạn được Đức chấp nhận mỗi năm, một biện pháp bị đảng Xanh phản đối. Ngoài ra, theo ông Lindner, 3 đảng trên không thể xây dựng đủ lòng tin lẫn nhau để bảo đảm chính phủ sắp tới hoạt động ổn định trong 4 năm.

Diễn biến trên khiến nước Đức đối mặt 2 lựa chọn chưa từng có thời hậu Thế chiến II: Bà Merkel lập chính phủ thiểu số với đảng Xanh hoặc tổng thống Đức kêu gọi bầu cử mới sau khi các đảng không lập được chính phủ.

Vào thời điểm này, việc tổ chức một cuộc bầu cử toàn quốc nữa là điều không ai mong muốn, bởi các đảng ở Đức đều lo ngại rằng AFD sẽ giành nhiều hơn 13% số phiếu mà họ đã có được sau cuộc bầu cử vừa qua.

Việc không thành lập được một chính phủ ở Đức sẽ tác động tiêu cực đến quốc gia này, từ việc đưa ra chính sách cải cách cho khu vực đồng tiền chung Châu Âu cho đến chính sách đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thời gian qua, bà Merkel đã dùng quyền lực của mình để giúp Hy Lạp được cung cấp viện trợ tài chính, đồng thời cho phép EU áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga do các cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xung đột ở miền Đông Ukraine.

Việc nền kinh tế lớn nhất châu Âu không thể lập chính phủ mới có thể tác động tiêu cực đến một loạt vấn đề, từ cải cách khu vực đồng euro, chính sách của Liên minh châu Âu đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nước, đã xuất hiện cảnh báo tình trạng không chắc chắn kéo dài sẽ có hại cho nền kinh tế.