Phát hiện ‘siêu Trái đất’ xoay nhanh nhất

21 Tháng Mười Một, 2017 | Y học - Khoa học
Nhiều hành tinh ngoài hệ mặt trời tiếp tục được tìm thấy nhờ vào Kepler. Photo Courtesy: NASA

“Siêu Trái đất” mới có tên EPIC 246393474 b đã thu hút sự chú ý của giới quan sát thiên văn do nó là hành tinh xoay nhanh nhất từng được phát hiện từ trước đến nay.

Ai cũng biết một ngày trên Trái đất gồm 24 giờ, 365 ngày thì tròn một năm, khi địa cầu hoàn tất vòng quay quanh mặt trời. Tuy nhiên, mọi thứ dường như chỉ xảy ra trong tích tắc trên hành tinh EPIC 246393474 b, với một năm chỉ vỏn vẹn gần 7 giờ, theo trang tin Phys.org.

Trên thực tế, nó chỉ mất khoảng 6,7 giờ để hoàn tất vòng quay quanh sao trung tâm K7 V. Vì thế, hành tinh siêu nhanh, còn có tên C12_3474 b, đã được vinh danh giữ kỷ lục xoay nhanh nhất trong lịch sử thám hiểm không gian.

Đây là ngôi sao được tính toán khoảng 740 triệu năm tuổi, với bán kính và trọng lượng nhỏ hơn mặt trời của chúng ta khoảng 33% lần. Đáng nể hơn, EPIC 246393474 b có thể làm được điều này trong tình trạng kích thước gấp 3 lần Trái đất, nặng gấp 5.3 lần, với sắt có thể chiếm đến 70% trọng lượng hành tinh.

Khoảng cách giữa hành tinh với sao K7 V chỉ nhỉnh hơn 1 triệu km, tức gấp 3 lần khoảng cách giữa địa cầu và mặt trăng. Bên cạnh đó, khí quyển của nó nhiều khả năng đã bị thổi bay hoàn toàn trước ảnh hưởng của bức xạ vũ trụ, và vô cùng may mắn là hành tinh vẫn còn tồn tại mà không bị bốc hơi do quá gần K7 V.

Phát hiện mới nhờ vào công của kính viễn vọng Kepler, được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ phóng lên không gian vào năm 2009, và được kéo dài thêm sứ mệnh săn lùng hành tinh giống Trái đất sau khi kết thúc 3,5 năm hoạt động theo dự kiến ban đầu.

Trong giai đoạn 2, Kepler tìm được khoảng 2,300 hành tinh ngoài hệ mặt trời trong lúc thi hành sứ mệnh kéo dài K2.