Thách thức chờ đón người dân Zimbabwe khi phó tổng thống “cá sấu” về nước nắm quyền

22 Tháng Mười Một, 2017 | Tin thế giới
Biệt danh ‘cá sấu” của ông Emmerson Mnangagwa không chỉ đơn thuần là một cái tên như nhiều người nghĩ. Photo Courtesy: Reuters

Zimbabwe sẽ có tổng thống mới hôm nay hoặc ngày mai khi cựu Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa trở về nước và nhậm chức.

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ một quan chức thuộc đảng cầm quyền ZANU-PF của Zimbabwe cho hay cựu Phó tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa dự kiến sẽ trở về nước vào trưa 22-11 để tuyên thệ nhậm chức thế chỗ khuyết mà cựu Tổng thống Robert Mugabe để lại.

Larry Mavhima, thành viên đảng ZANU-PF và cũng là người bạn thân cận của ông Mnangagwa, cho biết ứng viên sáng giá cho vị trí tổng thống mới của nước Cộng hòa Zimbabwe dự kiến sẽ đáp xuống sân bay ở Zimbabwe vào lúc 11 giờ 30 trưa 22-11 (giờ địa phương).

Người được đặt biệt danh “Cá sấu” tại Zimbabwe đã chạy khỏi nước này vì lo ngại về an toàn sau khi ông Mugabe phế truất của ông vào đầu tháng này. Nếu như đúng kế hoạch, ông sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào cuối ngày 22 hoặc trong ngày 23.11.

Tuy nhiên, trong lúc Zimbabwe ăn mừng sự ra đi của nhà độc tài Robert Mugabe, nhiều người tỉnh táo tỏ ra bi quan vì lo sợ vị lãnh đạo kế tiếp tàn ác chẳng kém con cá sấu chờ mồi, ứng với danh tiếng “phó Tổng thống cá sấu” mà thiên hạ đồn đặt.

Vấn đề nằm ở chỗ ông Mnangagwa không phải là “luồng gió mới” mà đất nước Zimbabwe đang cần. Cả sự nghiệp chính trị của ông này hoàn toàn gắn với nhà độc tài 93 tuổi Mugabe mới vừa bị lật đổ.

Thầy nào trò nấy, Mnangagwa được cho là đã dòm ngó chiếc ghế Tổng thống và tìm cách lật đổ Mugabe được một thời gian. Đài CNN của Mỹ dẫn một số nguồn tin bên trong nói ông phó này chỉ là công cụ cho vụ đảo chính của quân đội mới đây.

Đây không phải là lần đầu tiên Emmerson Mnangagwa nghấp nghé chiếc ghế lãnh đạo Zimababwe. Theo một điện tín ngoại giao bị rò rỉ của Mỹ năm 2000, Mnangagwa được đánh giá là người kế vị tiềm năng do giữ vai trò chủ chốt trong nhóm cầm quyền của Robert Mugabe.

Tin tình báo của Mỹ mô tả Mnangagwa như một chính trị gia lão luyện, người đã lướt mọi con sóng trên chính trường Zimbabwe, luồn lách qua nhiều giai đoạn ở các vị trí cả trong lẫn ngoài vòng tròn thân tín của Tổng thống Mugabe.

Quá khứ của Mnangagwa là điều đáng chú ý, chỉ có một từ dùng để mô tả: “đen tối”.

Cuối năm 2000, ông Earl Irving – nhà ngoại giao Mỹ ở thủ đô Harare, gửi đi một điện tín nhận xét Mnangagwa “bị cả đất nước Zimbabwe ghê sợ và khinh bỉ”, cảnh báo rằng nhân vật này có thể trở thành một nhà lãnh đạo “đàn áp hơn cả Mugabe” nếu lên nắm quyền.

Mnangagwa bị ghê sợ do vai trò “đao phủ” của ông này dưới quyền Mugabe. Là người đứng đầu cơ quan cảnh sát mật Zimbabwe (CIO), Mnangagwa được cho là dính líu đến vụ thảm sát tộc người Ndebele ở Matabeleland, tây nam Zimbabwe trong hai năm 1983-1984. Đây là khu vực trung tâm của phe đối lập chống đối Mugabe.

Hiệp hội Các nhà nghiên cứu diệt chủng quốc tế (IAGS) ước tính ít nhất 20,000 thường dân đã bị giết bởi CIO và quân đội Zimababwe. “Hầu hết nạn nhân bị tử hình công khai. Họ bị ép tự đào huyệt cho mình ngay trước mặt gia đình và dân làng” – IAGS viết trong báo cáo năm 2011.

Mnangagwa có lẽ là người duy nhất ở Zimbabwe có khả năng gây kinh hoàng nhiều hơn Mugabe”.

Tuần trước, trình bày trong buổi tranh luận trước Quốc hội Anh, nghị sĩ Đảng Lao động Anh Kate Hoey – người đã dành nhiều năm lên án sự áp bức của chế độ Mugabe, mô tả Mnangagwa “có lẽ là người duy nhất ở Zimbabwe có khả năng gây kinh hoàng nhiều hơn Mugabe”.

Cuối buổi tranh luận, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson kêu gọi Zimababwe tổ chức bầu cử để chọn ra nhà lãnh đạo mới.

“Không ai muốn nhìn thấy quyền lực chuyển giao từ một nhà độc tài này sang nhà độc tài khác. Chúng tôi muốn thấy cuộc bầu cử tự do và công bằng trong năm tới, và đó là điều chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy” – ông Johnson nhấn mạnh.

Hiện vẫn chưa rõ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo sau động thái từ chức của ông Mugabe ngày 21-11, tuy nhiên có một điều gần như chắc chắn: Sau ba thập kỷ chờ đợi, “con cá sấu” Mnangagwa đã sẵn sàng cho chiếc ghế hằng mơ ước.

Tổng hợp