Tàu: đối tác quan trọng nhưng phải đề phòng

13 Tháng Mười Hai, 2017 | Bình Luận
Thủ tướng Malcolm Turnbull bắt tay Ngoại trưởng Úc Bishop tại Canberra hôm 23.11.2017. Photo Courtesy: Reuters

Bạch thư ngoại giao 2017 vừa được Thủ tướng Malcolm Turnbull và Ngoại trưởng Julie Bishop công bố vào cuối tuần qua đã không làm nhiều người ngạc nhiên, đồng minh cũng như đối tác đặc biệt là những người Úc quan tâm về sự trỗi dậy quá mạnh và quá nhanh của một nước có những giá trị khác với nước Úc chúng ta.

Bạch thư được đưa ra chỉ một thời gian ngắn sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình được đại hội đảng trao cho ông quyền hành hầu như độc tôn ngang hàng với Mao Trạch Đông ngày trước. Họ Tập tuyên bố duy trì bảo vệ chủ nghĩa xã hội mang tính Hán tộc (và ám chỉ truyền bá chủ nghĩa xã hội Hán tộc đến các nước lân bang) và sẽ làm cho Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới (ám chỉ vượt qua cả Hoa Kỳ).

Khoảng hơn một tuần trước khi bạch thư được công bố, hai vị giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Đại học Quốc gia Úc đã có bài viết đăng trên tờ The Australian cảnh báo sự trỗi dậy của Trung Cộng là một sự đe dọa tiềm tàng đối với nền quốc phòng của  chúng ta.

Hai vị giáo sư này -nguyên là phó đổng lý bộ quốc phòng- nói đây là lần đầu tiên sau Đệ nhị Thế chiến Úc đối diện với một sự đe dọa ngày càng gia tăng từ một cường quốc. Hai nhà chiến lược kỳ cựu đầy kinh nghiệm này cho rằng Úc phải gia tăng chi tiêu quốc phòng, trang bị vũ khí tối tân, lập những phòng tuyến chiến lược ở phía bắc để phòng chống cuộc tấn công vào lãnh thổ chúng ta.

Bạch thư  ngoại giao -một loại đề cương hành động của chính phủ- không có những lời lẽ mạnh mẽ như bản tường trình của hai vị giáo sư nhưng cũng đã nói rất rõ ràng rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc về kinh tế cũng như quân sự là điều quan tâm đối với nền an ninh của Úc. Bạch thư nói Trung Cộng đang đi theo một chính sách gây ảnh hưởng nhằm thỏa mãn lợi ích của họ nhưng đồng thời các quốc gia trong vùng cũng đang công khai hợp tác nhằm bảo vệ những nguyên tắc và giá trị của một nền trật tự mà họ cùng chia sẻ.

Bạch thư thừa nhận Trung Cộng là một đối tác, một bạn hàng quan trọng nhưng đồng thời khi làm ăn với họ, sẽ có những đụng chạm bởi vì giữa họ và chúng ta có những khác biệt về quyền lợi, giá trị và những khác biệt về hệ thống chính trị và luật pháp. Bạch thư tái xác nhận Hoa Kỳ vẫn là đồng minh cốt lõi của Úc và nước Úc trong khi tiếp tục coi Trung Cộng là một bạn hàng mang lại lợi ích cho nền kinh tế Úc, chúng ta cần phát triển những quan hệ mật thiết hơn với những quốc gia thân hữu và đồng minh trong vùng.

So với bạch thư năm ngoái, bạch thư năm nay nhấn mạnh về việc phải coi chừng đối tác kinh tế lớn nhất của Úc đồng thời phải liên minh với những nước lớn trong vùng như Nam Dương, một nước được coi là thân thiện với Úc. Mặc dầu Mỹ là cái dù che chắn Úc trong bảy thập kỷ qua và vẫn là đồng minh quan trọng nhất của Úc, nhưng chúng ta cần hợp tác với những nước thân hữu và có một xã hội dân chủ như chúng ta là Ấn Độ, tuy chưa có vai vế về kinh tế nhưng dân số và sức mạnh quân sự cũng chẳng thua Trung Cộng là bao, bởi vậy làm sống lại sự hợp tác bốn chiều với Mỹ, Nhật và Ấn mà Thủ tướng Lao động Kevin Rudd đã hủy bỏ cách đây khoảng 10 năm, cũng là cách để bảo đảm cho an ninh khu vực trải dài từ Ấn Độ dương sang Thái Bình dương, có nghĩa bảo vệ an ninh của Úc.

Hoàn cầu Thời báo, cái loa bằng Anh ngữ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lớn tiếng phê bình Úc đã không biết điều khi một bạn hàng đưa du học sinh sang Úc, mua thịt bò và khoáng sản Úc vô số kể để làm giàu mà lại coi bạn hàng là kẻ thù, lôi cuốn các nước trong vùng bao vây bạn hàng lớn nhất này.

Các nhà lãnh đạo kỳ cựu của Lao động như cựu Thủ tướng Paul Keating và cựu Ngoại trưởng Gareth Evans cho rằng Úc thuộc về  Á Châu do đó Úc nên xét lại liên minh với Mỹ. Nhưng Phát ngôn viên Ngoại giao Penny Wong lại tuyên bố ủng hộ sự gắn bó với Mỹ. Như nhiều người Việt Nam nghĩ, nếu phải lựa chọn, Úc phải chọn Mỹ, một nước dân chủ không có tham vọng xâm lăng nước khác. Bà Wong ra vẻ am hiểu Tàu hơn ông Keating và Evans. Chớ để kinh tế Úc quá lệ thuộc Tàu kẻo hối thì đã muộn. Hãy lai tỉnh!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1653 phát hành ngày 29.11.2017)