Tìm hiểu về việc xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ

10 Tháng Một, 2008 | Người Việt đó đây

Mua đất

 

LTS:  Trong số báo ra ngày 5.12.07, TiVi Tuần-san có đăng một mẩu tin ngắn với câu hỏi “Đền Thờ Quốc Tổ: hũ mắm sắp bị xì?”. Lý do, có một vài người viết bài tố cáo sự lạm dụng việc tổ chức đền thờ tổ ở vùng North Sunshine trong đó có việc xây không có giấy phép nên bị Hội đồng Thành phố đình chỉ hoạt động và đấy là  lý do khiến ông Nguyễn Thế phong chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do Victoria kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Đền Thờ Quốc Tổ triệu tập một cuộc họp bất thường về đền thờ tổ liên quan đến sự việc gọi là “sự tố cáo” của hai ông Võ Long Ẩn và Nguyễn Hùng, cựu chủ nhiệm tờ Thời Báo và là một thành viên của Đền Thờ Quốc Tổ.  Nói cách “hoa mỹ” hũ mắm sắp bị xì là bởi người trong cuộc tố cáo, khai mào việc làm sáng tỏ một vấn đề.

 

Ông Phong tại ĐTQT (hình của đảng Việt Tân)

 

Ngay sau đó, ông Nguyễn Thế Phong đã ra hai thông cáo về việc phá hoại có chủ ý lên  đền thờ tổ trong hai ngày trước khi có phiên họp bất thường vào ngày 9.12.07 và cho biêát vụ việc đang được cảnh sát điều tra.

 

Một tờ báo Việt ngữ  tuần trước đưa tin có hơn 100 người dự phiên họp này để nghe ông Phong báo cáo sự việc liên quan đến đền thờ quốc tổ. Nhưng bản tin nói trên chỉ nói đại khái “sự việc đã trở thành… “vấn đề” gây làn sóng phẫn nộ trong Cộng đồng, là mới đây có 2  thành viên Cộng đồng đưa vụ việc lên báo chí Úc địa phương, tố cáo Hội đồng quản trị Đền Thờ Quốc Tổ là làm việc phi pháp, cho xây đền trái phép… khiến từ đó dẫn đến việc Hội đồng Thành phố Brimbank đóng cửa Đền Thờ cấm mọi sinh hoạt…”.

 

Bài báo đưa tin đại hội bất thường đã lập ra một ủy ban độc lập để tìm mọi phương cách hầu Đền Thờ Quốc Tổ có thể tái sinh hoạt vào những ngày sớm nhất.

 

Nhưng phiên họp này đã không bàn hay không muốn bàn việc ai là người sở hữu thật sự  Đền Thờ Quốc Tổ mà hai ông Võ Long Ẩn và Nguyễn Hùng đặt vấn đề qua lá thư viết ngày 29.11.07 và được phổ biến rộng rãi?

 

Đấy  là vấn đề mà TVTS  cũng như một số người trong cộng đồng  “thắc mắc” bấy lâu. Trong khi chờ đợi phía ông Nguyễn Thế Phong và những người trong ban quản trị Đền Thờ Quốâc Tổ giải thích một cách công khai, TVTS  vừa  nhận được bài viết của Nguyên Đại, tức luật sư Nguyễn Bá Đại, hiện  có văn phòng ở Footscray.

 

Bài viết của tác giả  Nguyên Đại chứng tỏ ông nắm rõ vấn đề, nhất là về mặt pháp lý. TVTS mong đón nhận các ý kiến của bạn đọc, các thành viên trong cộng đồng.  TVTS chỉ đăng các bài viết có tính cách xây dựng, không bôi bác đối thủ.  TVTS sẽ không đăng những bài ký bút hiệu và không có địa chỉ và điện thoại liên lạc.  Tựa trên là do ông Nguyên Đại đặt.

 

 

* * *

 

  

Tôi có quen với một ông cụ. Năm nay ông đã 85 tuổi, lớn hơn bố tôi gần mười tuổi. Ông là cựu chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH), tuyển thủ bóng đá thuộc Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.  Ông có hai người con là sĩ quan QLVNCH. Một người nữa là Thiếu Tá Không Quân QLVNCH, sau 1975 bị bắt đi cải tạo rồi mất tích.

 

Bố tôi cũng là cựu chiến binh QLVNCH, nhưng ông đã qua đời; và phòng làm việc của tôi gần tiệm bán hàng của con ông cụ, nên tôi thân với ông cụ lắm. Có việc gì liên quan đến giấy tờ thì ông đến chỗ tôi; thỉnh thoảng đi ngang qua tiệm, nếu thấy ông ở đó, tôi tạt vào uống tách trà.

 

Ông cụ tâm sự là hồi năm 2002, lúc đó ông là thành viên của một hội có tên là Cộng Đồng Người Việt Tự Do-Victoria (xin được gọi tắt là Hội Cộng Đồng hay “HCĐ”). Hưởng ứng lời kêu gọi của ông chủ tịch hội, lúc này là ông Nguyễn Thế Phong (ông “Phong”), là hội cần gây quỹ để xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ (Hùng Vương); ông cụ thích lắm, ông đi bán vé gây quỹ cho hội. Ông vận động gia đình, bà con, sui gia mua vé để gây qũy xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ.

 

Ông nói nghe đâu HCĐ gây quỹ được hơn 200 ngàn Úc kim; nhưng từ đó đến giờ, 6 năm đã trôi qua, Đền Thờ Quốc Tổ thì không thấy đâu, chỉ thấy có hai chái nhà lợp bằng tôn trên một mảnh đất trước mặt là con đường đá lổm chổm, mưa xuống là lầy lội, bên hông là vực sâu, sau lưng là chuồng ngựa, gần đó là các bãi rác xe hơi. Gần đây lại nghe nói bị Hội Đồng Thành Phố Brimbank (Council) yêu cầu phải giựt sập hai chái nhà tôn “tiền chế” đó nữa vì xây dựng không có giấy phép và không bảo đảm an toàn. Ngoài ông ra, còn một số bạn bè của ông nữa cũng ở trong một cảnh ngộ. Có ông đóng góp rất nhiều, mấy năm rồi, mà không thấy Đền Thờ “thật” đâu, chỉ thấy “đền thờ” tạm, bây giờ ông ấy đã qua đời.

 

Tôi tìm hiểu sự việc này, và ghi lại những tìm hiểu của tôi để mong có thể giải đáp những thắc mắc của ông cụ, và bạn bè của ông cụ; mong rằng, chí ít, ông cụ có thể hiểu được chuyện gì xảy ra, trước khi ông cụ đi theo ông theo bà. Sự việc này liên quan đến một số người, và kéo dài khá lâu, nên nếu có những chi tiết nào không hoàn toàn chính xác, tôi mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý vị. Bài viết này khá dài nên tôi chia làm 3 phần, tạm đặt tên như sau: Mua Đất, Sau khi mua đất, và Sử Dụng Đất.

 

 

Phần 1: Mua Đất

 

 

Vào khoảng cuối năm 2001, đầu năm 2002, HCĐ có tổ chức gây quỹ, mục đích của việc gây quỹ là để xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ mà thôi. Sau 6 tháng gây quỹ,  hưởng ứng lời kêu gọi của HCĐ, đồng bào người Việt đóng góp khá tích cực, và HCĐ đã thu được một số tiền là $240,000.

 

Sau khi gây quỹ, HCĐ tiến hành mua đất. Đất mua được gồm (4) bốn lô, nằm ở đường Knight,  vùng North Sunshine. Theo tài liệu của Sở Địa Chính Victoria  thì hai (2) trong số bốn lô đất đó là của ông Nguyễn Văn Hùng và bà Nguyễn Thị Đức Hạnh.   Ông Hùng và bà Hạnh là ba và mẹ của cô Nguyễn Ánh Kim. Cô Kim lúc bấy giờ là phó chủ tịch của HCĐ.

 

Người ký tên thay mặt cho HCĐ để mua đất là ông Nguyễn Thế Phong  ký tên với chức vụ Chủ Tịch (President), ông Châu Xuân Hùng ký tên với chức vụ Bí Thư (Secretary), và bà Bé-Hà  (bà “Hà”) ký tên với chức vụ Thủ Quỹ (Treasure). Việc mua bán này được đăng ký với Sở Địa Chính vào ngày 28/6/2002. Có nghĩa là theo thủ tục bình thường, hợp đồng mua bán đất đã được ký giữa bên bán: ông Hùng (Nguyễn) và bà Hạnh và bên mua: ông Phong, bà Hà và ông Hùng (Châu) vào khoảng tháng 4, hoặc tháng 5-2002.

 

Theo tài liệu của Council, 4 lô đất mà HCĐ đã mua thuộc khu vực đất công nghiệp (Zone: Industrial 3), không có các phương tiện sinh hoạt và cơ sở hạ tầng: không có đường sá đúng quy cách , không có hệ thống nước sử dụng, không có hệ thống nước thoát, không có hệ thống hơi đốt (gas), và hệ thống điện chưa được nâng cấp.  Và, ở thời gian đó lúc mà việc mua bán đất được tiến hành, việc phát triển vùng đất này không nằm trong kế hoạch phát triển đất đai ngắn hạn của Council.

 

Dù vậy, Council cũng đã có kế hoạch để nâng cấp khu vực này; tuy nhiên, việc này muốn thực hiện được đòi hỏi phải qua nhiều thủ tục phức tạp bao gồm việc Council phải có được sự tài trợ của chính phủ tiểu bang (theo ước tính của Council khoảng 21 triệu Úc kim), và trong điều kiện là kế hoạch không bị ngưng lại khi bị tranh tụng ở VCAT .

 

Thêm vào đó, chủ nhân của mỗi lô đất được yêu cầu phải đóng lệ phí phụ trội (Special Charge) là $38,400. Theo kế hoạch của Council, việc bắt buộc đóng lệ phí phụ trội này sẽ được áp dụng vào tháng 2/2003. Chủ nhân của mỗi lô có thể chia ra làm 10 năm để đóng số tiền này; tuy nhiên, tiền lời (interest) phải được tính cộng vào. Kể từ tháng 6/2002, HCĐ là chủ nhân của 4 lô đất trong vùng này, nên số tiền phụ phí phải đóng là $153,600.

 

Ngoài lệ phí phụ trội như đã nói trên, nếu được phép xây dựng, chủ nhân của những lô đất trong khu vực này phải chịu thêm các phí tổn để lắp đặt các đường ống nối phụ từ nhà vào đường ống dẫn nước dùng chính, đường ống cống (nước thải) chính, và nối điện từ trụ chính vào nhà; chi phí làm các lối đi (driveways).

Mặt tiền ĐTQT (hình của Nguyên Đại)

 

Khi hỏi là khi nào Council sẽ khởi công gắn hệ thống nước và làm đường, ông Phong đã được Council trả lời là việc này “có thể xảy ra trong vòng 2 năm, 5 năm hoặc 10 năm, không thể nói được”

 

Kết quả của việc mua đất này là HCĐ không biết chừng nào có thể được phép xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ, nhưng HCĐ bắt buộc phải đóng lệ phí phụ trội.

 

Việc mua đất này theo tôi có những vấn đề như sau:

 

1) Thiếu minh bạch:

 

Theo luật sinh hoạt hội, do chính phủ quy định, khi một thành viên trong ban chấp hành hội,  có lợi ích trực tiếp hay gián tiếp trong một hợp đồng với hội, thành viên đó (và ban chấp hành hội) phải thông báo đầy đủ chi tiết cho tất cả các thành viên khác của hội.  Thành viên của HCĐ không được thông báo là đất mà HCĐ mua là của gia đình cô Phó Chủ Tịch Hội. Và, không có sự định giá của chuyên viên định giá độc lập về địa ốc trong việc mua bán này nên khó có thể biết được là giá mua-bán đất này có hợp lý hay không?

 

2) Bất cẩn

 

Ban chấp hành của HCĐ nhận tiền đóng góp của các thành viên và công chúng là để “xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ”. Tuy nhiên, kết quả là đã mua đất nhưng không được phép xây dựng, chưa biết chừng nào mới được phép, và phải đóng phụ phí trên 15,000 Úc kim mỗi năm vì sở hữu những lô đất này.

 

Ông Phong nói  rằng ông có hỏi Council về việc này.  Câu hỏi được đặt ra là: ông hỏi vào lúc nào? “trước” hay “sau” khi mua đất? Nếu là “trước khi”, thì tại sao ông được Council cho biết như vậy, với tư cách là Chủ tịch HCĐ, ông không thông báo cho thành viên của hội và công chúng biết chuyện này; mà vẫn tiến hành việc mua đất từ gia đình của cô Phó Chủ Tịch HCĐ.

 

Nếu là “sau khi” thì việc ông quyết định việc mua đất cho mục đích xây dựng Đền Thờ, nhưng sau khi thủ tục mua bán đất đã hoàn thành ông mới hỏi Council về việc có xây dựng được hay không thì quả thật là một sự bất cẩn không thể chấp nhận được.

 

Thêm vào đó, ông đã biết điều này cách đây 4 năm, nhưng tại sao bây giờ vẫn chưa có văn bản chính thức thông báo rõ ràng cho các thành viên của HCĐ và công chúng, những người đã đóng góp tiền bạc và công sức cho việc xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ.

 

3) Thiếu nghiêm chỉnh

 

Khi ông Phong và bà Hà ký tên đại diện cho HCĐ để mua đất, bà Hà không được các thành viên HCĐ bầu làm Thủ Quỹ của HCĐ; nhưng ông Phong và bà Hà, cả hai, đã đồng ký vào văn bản mua đất thay mặt cho HCĐ, với tư cách ông Phong là Chủ Tịch và bà Hà là Thủ Quỹ. Việc này tuy không ảnh hưởng đến chủ quyền của HCĐ trên 4 lô đất đó; nhưng làm như vậy, mà không thông báo, ông Phong và bà Hà, cả hai đều thiếu sự tôn trọng tối thiểu và sự nghiêm chỉnh cần thiết đối với các thành viên của HCĐ.

 

4) Xung đột quyền lợi

 

Trong khi ông Phong giữ chức vụ Giám Đốc (Director), một công việc có nhận lương của một hội khác có tên là Hội Tương Trợ Người Đông Dương Springvale (Springvale Indochinese Mutual Assistance Association Inc., hay gọi tắt là SIGMA), và bà Hà giữ chức vụ Chủ Tịch của SIGMA, việc hai ông bà ký chung một văn bản mua đất của HCĐ với tư cách ông Phong là Chủ Tịch HCĐ và bà Hà là Thủ Quỹ của HCĐ, ông Phong và bà Hà khó có thể tránh khỏi các vấn đề về việc xung đột quyền lợi (conflict of interests): Ông Phong làm việc cho lợi ích của SIGMA hay của HCĐ, và bà Hà vừa là Chủ Tịch của SIGMA vừa giữ tài sản của HCĐ, như vậy bà Hà làm việc cho hội nào. Cũng cần nói thêm là hai hội này đã và đang có những dự án làm việc chung với nhau và các dự án này nhận tài trợ từ chính phủ tiểu bang (khoảng $500,000 trong tài khoá năm 2007).

 

(Xin xem tiếp Phần 2: Sau khi mua đất)

 

[email protected]

 

Chú Thích

 

[1] Theo báo cáo thường niên của HCĐ năm 2002, Thông Điệp của Chủ Tịch (Nguyễn Thế Phong).

[2] 90 Knight Avenue, North Sunshine, VIC.3020

[3] Land Registry of Victoria

[4] Theo the Registered Transfer of Land, AB411572F, dated 28/6/2002. Trong tài liệu ghi là Hung Van Nguyen và Thi Duc Hanh Bui, nên có thể là Nguyễn Văn Hưng (về điểm này: “Hùng” hay “Hưng” thì tôi không được rõ)

[5] Tên ông Phong theo tài liệu đăng ký với Sở Địa Chính là “Phong Thaddeus Nguyen”

[6] Tên được ghi trong các văn bản pháp lý của bà là “Be Ha” (Họ: Hà, tên: Bé), chứ người viết không có ý trịch thượng. Theo tài liệu của Sở Địa Chính, tên của bà được viết là “Be Ha J.P.”

[7] Theo nguyên văn: “the estate currently lacks essential services and infrastructure such as sealed roads, water, gas or electricity connections and sewage”. Trích tài liệu phân phát miễn phí cho công chúng của Council Brimbank. (Public Information Brochure) “Share the vision …”

[8] Theo văn thư của Brimbank Council ngày 25/7/2003 “the property is not currently serviced with utilities and infrastructure” and the special charges is required “to support construction of roads, (including footpaths, streetescape and service conduits), property stormwater drainage, stormwater quality devices, electricity supply upgrade, sewer mains and water mains to this area”. Văn thư này do Ông Robert Bober- Project Officer/Engineer/Engineering Services thuộc Council Brimbank viết.

[9] VCAT: Victorian Civil and Administrative Tribunal. Ngày 9/12/2003, Council tuyên bố chính thức áp dụng lệ phí phụ trội; việc này bị tranh tụng ở VCAT, và ngày 3/6/2004, VCAT bác bỏ các khiếu nại của các chủ đất, và duy trì quyết định của Council. Source: www.brimbank.vic.gov.au

 

[10] Xin lưu ý: là đây là con số Council ước tính vào năm 2002.

[11] Trong bài phỏng vấn ông Nguyễn Thế Phong, đăng trên tờ Việt Luận, số 2222, 30/11/2007, Tr.45,

[12] Member of Management Committee of the Association

[13] s.29 Associations Incorporation Act 1981