Hỏi và giải đáp 548: Cảnh giác phụ nữ Việt Nam

02 Tháng Sáu, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Cách đây vài tuần, ông P, một vị nam độc giả có kiến thức rộng, đã bỏ công liên lạc nói chuyện với Tivi Tuần-san nhiều lần để nhờ tòa soạn cảnh giác phụ nữ Việt Nam (ở Úc) trước những tai hại có thể có trong quan hệ tình cảm với những người ngoại quốc đang làm việc tại Úc mà không thuộc diện thường trú. TL xin đăng nguyên văn những gì ông P viết ra giấy, chỉ gạch bỏ những chữ liên quan tới chủng tộc và ngành nghề để tránh mang tiếng vơ đũa cả nắm.

NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ VN CẦN BIẾT

95% những người…, họ sống và làm việc ở Úc như dân bản địa, nhưng thật ra họ là những người điền Form 457 để được ở lại và đi làm, họ không có thường trú. Họ đã và đang nhắm vào những người đàn bà VN để bảo lãnh họ được thường trú. Họ phần lớn làm nghề…

Đàn bà VN khôn ngoan không dính dáng vào những cuộc tình quá lỗ lã như vậy và có thể bị mang nhục nhã về sau. Đa số họ đã có gia đình, và văn hóa dân tộc họ rất… và hung bạo.

P (tên thật và số điện thoại).

Ý kiến của Thanh Lan:

Trước hết, thay mặt phụ nữ VN ở Úc nói chung, và người phụ trách mục TTBĐ nói riêng, TL thành thật cám ơn ông P đã bỏ nhiều thì giờ, công sức trong việc cảnh giác này. Thực ra, nếu gọi đây là một nguy cơ  mạo hiểm (risk) thì đối tượng không chỉ có đàn bà con gái gốc Việt mà còn là phụ nữ thuộc mọi thành phần chủng tộc khác, kể cả người Úc da trắng. Đồng thời, những người đàn ông ngoại quốc tìm cách ở lại Úc qua sự bảo lãnh của  phụ nữ bản địa (nói chung mọi sắc dân), không nhất thiết chỉ là những người điền Form 457, mà có thể là bất cứ thành phần nào khác không có tư cách thường trú nhân (du học sinh, du khách, bạn internet, v.v…).

Ông P nhắm riêng (single-out) tới những người điền Form 457 đương nhiên phải có cái lý của ông, mà dù TL không ghi ra, có lẽ đa số độc giả cũng biết. Đồng ý hay không đồng ý với cái lý ấy là tùy độc giả, riêng TL chỉ xin đưa ra nhận định của cá nhân và những lời khuyên chung chung như sau:

Bên cạnh những cuộc nhân duyên hoàn toàn vì tình yêu của hai người dành cho nhau, và những cuộc hôn nhân dàn xếp nhưng có sự tìm hiểu, và sự tự nguyện ưng thuận của người trong cuộc (qua người mai mối, qua văn phòng giới thiệu hôn nhân, v.v…), cũng có những quan hệ mang tính cách trao đổi, đôi bên đều có lợi, chẳng hạn một cô gái Úc không có điều kiện tìm được một người bạn đời cùng chủng tộc, đã chấp nhận lấy một chàng sinh viên từ Phi châu, Á châu tới du học, thậm chí có khi chỉ là gặp gỡ khi đi du lịch. Nàng có được một tấm chồng, chàng được ở lại, hoặc tới sống ở miền đất hứa. Nhưng không phải vì quan hệ ban đầu mang tính cách trao đổi ấy mà cuộc hôn nhân này chắc chắn sẽ không hạnh phúc, hoặc sẽ tan vỡ mau chóng, mà còn tùy hai người có hòa hợp tâm hồn cũng như chăn gối hay không.

Bên cạnh đó, cũng có những cuộc hôn nhân mà cô gái hoàn toàn tin tưởng là vì tình yêu, chỉ tới khi bị trở mặt mới biết anh chàng là một tay lợi dụng cao tay ấn; thậm chí có khi được anh chàng mời về thăm quê hương, tìm hiểu gia thế lý lịch, đám cưới có sự hiện diện đông đảo của họ đàng trai, cũng không đủ để bảo đảm.

Thành thử, mặc dù không phải không có những cuộc hôn nhân dàn xếp, hoặc trao đổi mà vợ chồng sống hạnh phúc, bền lâu, TL vẫn cho rằng ta về “ta tắm ao ta” là an toàn nhất. “Ao ta” ở đây có nghĩa cùng là công dân Úc với nhau, không phân biệt chủng tộc. Dĩ nhiên, trong bài này TL không nói tới những đối tượng ở Việt Nam, vừa vì những nguyên nhân tế nhị (tránh đụng chạm), vừa vì Việt Nam là quê hương, chắc chắn phải hơn những chủng tộc xa lạ.

Thanh Lan