Hỏi và giải đáp 556: Xa mặt cách lòng

20 Tháng Sáu, 2019 | Uncategorized
(Photo: TVTS)

TL trả lời thư cháu A, một cô gái đang lâm vào hoàn cảnh mà chúng ta thường gọi là “xa mặt cách lòng”. Xin rất sơ lược như sau:

A quen và yêu B từ mấy năm qua. Hai người cùng trang lứa, trình độ, sở thích, được gia đình đôi bên chấp thuận…, tóm lại là rất hòa hợp. Cách đây mấy tháng, A được “thăng chức” nhưng phải đi làm ở tiểu bang khác, cứ khoảng một tháng mới về một lần. Thời gian đầu, A rất buồn vì nhớ B, nhưng rồi dần dần cũng nguôi ngoai, và hiện nay không còn cảm thấy cô đơn nữa vì đã có chàng C bên cạnh. So với B, C lớn tuổi và chững chạc, hiểu biết hơn, và biết cách tán tỉnh nên đã đem lại cho A những niềm vui mới.

Trước khi tỏ ra quan tâm tới A, C biết A đã có người yêu, nhưng sau khi B bị đổi đi xa, C vẫn tỏ tình với A. Hiện nay, A vẫn còn yêu B nhưng đồng thời ngày càng có cảm tình với C, thích được C săn sóc, chiều chuộng. Trong khi đó, B cũng biết việc C đang tán tỉnh A, tuy chưa chưa tỏ thái độ, nhưng ra vẻ B có sự thay đổi…

Ý kiến Thanh Lan:

(Vì thư của cháu A có pha nhiều tiếng Anh, cho nên TL cố gắng sử dụng tiếng Việt đơn giản nhất để cháu có thể hiểu) 

Cháu A thân mến,

Ý nghĩ đầu tiên của cô là cháu đã viết thư cho cô (in time) trước khi quá muộn. Hoàn cảnh của cháu hiện nay, người Việt gọi là “xa mặt cách lòng”, có nghĩa giống như “out of sight out of mind” trong tiếng Anh. Cô không chê trách cháu, cũng như cô không chê trách bất cứ cô gái nào ở trong hoàn cảnh này. Người mà cô chê trách là chàng C.

Vẫn biết bây giờ là thời buổi nam nữ bình quyền, nhưng trong chuyện tình cảm, người đàn ông vẫn có khuynh hướng tỏ tình trước. Suy ra, nếu C không tỏ ra quan tâm tới cháu, tỏ tình với cháu thì B “out of sight” nhưng không “out of mind”.

C đã biết cháu và B yêu nhau mà vẫn làm như thế, thì C là người không tốt, không phải là gentleman. Nếu cháu bỏ B để chọn C, có thể cháu sẽ cảm thấy hạnh phúc (happiness), nhưng cô lo ngại hạnh phúc ấy sẽ không bền lâu. Bởi vì sau một thời gian, C sẽ chán cháu, bỏ cháu để theo đuổi một người con gái khác.

Nguyên nhân nào đã khiến cô nghĩ xấu cho C? Là bởi vì nếu C thực sự thấy cháu là người con gái lý tưởng, muốn xây dựng một tương lai lâu dài vơi cháu, thì C phải tỏ ra quan tâm tới cháu, tỏ tình với cháu trước khi cháu và B yêu nhau. Nhưng C đã không làm như thế, mà đợi tới khi B bị đổi đi xa mới tán tỉnh cháu, thì C là một “opportunist” – tiếng Việt nghĩa là một kẻ lợi dụng cơ hội.

Mà một kẻ lợi dụng cơ hội thì luôn luôn chờ đợi cơ hội mới, nghĩa là không bao giờ chung thủy (loyal).

Sở dĩ hiện nay C tỏ ra nhiệt tình với cháu hơn là B đối với cháu trước kia, chỉ vì C đang làm công việc chinh phục (conquest) người yêu của kẻ khác, phải ra sức tán tỉnh, chiều chuộng để cô ta ngả vào lòng mình. Cũng giống như trường hợp tán tỉnh vợ của người khác, đàn ông luôn luôn tỏ ra nhiệt tình hơn ông chồng của người vợ đó để lung lạc, dụ dỗ.

Vậy cô thành thật khuyên cháu như sau: cháu và B quen nhau, yêu nhau đã mấy năm, hòa hợp, tôn trọng quý mến nhau, lại được gia đình đôi bên chấp thuận, ủng hộ, thì cháu không nên dại dột từ bỏ để thay bằng một mối tình không có gì bảo đảm sẽ tốt đẹp, lâu bền. Cháu không được đáp lại sự tán tỉnh của C, phải dứt khoát “say no” trước mọi đề nghị, lời mời của C. Thay vào đó, cháu phải liên lạc thường xuyên, trò truyện, tâm sự với B, để thấy rằng xa nhau vẫn có thể đem lại hạnh phúc cho nhau về mặt tinh thần, chứ không cần phải gần gũi tán tỉnh, và những đụng chạm xác thịt (physical contact).

Cuối cùng, vì cả cháu lẫn B đều đã tới tuổi lập gia đình, cô khuyên hai người nên làm đám cưới càng sớm càng tốt. Nếu cần, cháu phải hy sinh, bỏ job hiện nay để tìm job khác cùng thành phố với B.

Thân mến,
Thanh Lan