Người chồng “bossy”!

14 Tháng Tư, 2022 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

(Thư cháu A)

Quý bạn đọc thân mến,

Tuần này, TL góp ý kiến với cháu A, một cô gái rất đắn đo trong hôn nhân, hiện nay đang băn khăn, lưỡng lự trước mối tình thứ ba: “quá tam ba bận”! Sơ lược “đường tình” của cháu như sau:

A là một cô gái nhan sắc trên trung bình, thành đạt, duyên dáng, tính tình dễ mến (nhận xét của người chung quanh). Trước tiên, A yêu X, một người con trai lý tưởng, nhưng sau khi khám phá ra quá khứ lăng nhăng của X, A đã quyết định chia tay. Kế tới  là Y, một người yêu A hết lòng nhưng lại có tâm hồn nghệ sĩ, thiếu thực tế, đôi lúc ủy mị; A thấy tương lai coi bộ không ổn, nên cũng chia tay. Hiện nay, A đang tìm hiểu Z, một anh chàng khá bảnh trai, thành đạt nhưng tính tình trái ngược với A: Z rất nguyên tắc, chu đáo, tận tâm nhưng không biết nịnh đầm, luôn luôn tỏ ra “bossy”, mỗi khi giận nhau, A là người phải làm lành… A rất bực bội khó chịu, nhưng cũng không muốn để vuột mất…

Ý kiến Thanh Lan:

Cháu A thân mến,

Câu “quá tam ba bận” của người Việt, tương tự “third time lucky” trong tiếng Anh không phải là một nguyên tắc, một chân lý, hay tin tưởng siêu hình, mà chỉ là một cách nói với mục đích khuyên người ta lần này đã là lần thứ ba rồi, phải cố gắng thành công (câu tiếng Việt), hoặc để khích lệ tinh thần những người đã thất bại liên tiếp hai lần (câu tiếng Anh).

Như vậy, nếu cháu quyết định tiến tới với Z thì chỉ vì Z là người cháu cảm thấy OK, chứ không phải vì đây đã là mối tình thứ ba, cháu bắt buộc phải chấp nhận.

Còn câu hỏi của cháu: Cô nghĩ cháu có thể sống hạnh phúc lâu bền bên cạnh một người chồng ‘bossy” như Z không, câu trả lời của cô là: “yes” hay “no” hoàn toàn tùy thuộc vào cháu.

Trước hết, cháu phải phân biệt hai loại người “bossy” khác nhau. Loại thứ nhất chỉ thích chỉ huy, nắm đầu người khác, không cần biết mình có tư cách chỉ huy, khả năng nắm đầu người khác hay không; loại thứ hai là những người muốn cái gì cũng phải hoàn hảo (Perfectionist) cho nên bản thân họ cố gắng hoàn hảo và yêu cầu người khác phải hoàn hảo theo.

Qua sự mô tả của cháu, cô cho rằng Z thuộc loại người thứ hai, và cháu có thể sống hạnh phúc lâu bền với Z hay không là tùy vào việc cháu có thể ép mình vào khuôn khổ mà Z muốn đưa ra hay không.

“Ép mình” không hẳn phải là thần phục mà có khi chỉ là uyển chuyển để tránh đụng chạm tới tự ái của chồng. Người ta thường nói “lấy nhu để thắng cương”, áp dụng vào cuộc sống hôn nhân là chính xác nhất. Nếu hai vợ chồng thực sự yêu nhau, thực sự mong muốn xây dựng mái ấm gia đình, thì một người vợ khôn ngoan, tinh tế, có thể ‘thắng” ông chồng “bossy” mà ông ta không hề biết mình đã bị xỏ mũi.

Nguyên tắc chung là không bao giờ “say no” mà luôn luôn “say yes… but”. Sự khôn ngoan và bản lĩnh của của một người vợ là “say but” vào lúc nào, ở đâu, cách nào (when, where, how).

Dĩ nhiên, không phải trong trường hợp nào người vợ cũng đủ bản lĩnh, khôn ngoan, và người chồng nào cũng chấp nhận để vợ xỏ mũi, khi ấy người vợ phải chấp nhận chịu đựng, và chịu đựng được tới mức nào, được bao lâu là tùy vào sức người.

Nhưng riêng với cháu A, cô tin rằng trước những ưu điểm của Z, cháu có thể bỏ qua cho những khuyết điểm không biết nịnh đầm,  “bossy”, và không chịu chủ động làm hòa mỗi khi giận nhau. Bởi những khuyết điểm này là cá tính chứ không phải thói hư tật xấu.

Hơn nữa, cháu đã cho biết bên cạnh khó tính, Z là người rất chu đáo, tận tâm, thì những thứ này sẽ khiến cháu bớt phải lo lắng, mệt óc trong tương lai, thì có ép mình chiều theo cá tính của Z cũng “fair” thôi!

Thanh Lan

TiVi Tuần-san 1504