Ai Cập: Alexandria: từ đất liền xuống đáy biển (kỳ 5)

03 Tháng Mười Một, 2010 | Ai Cập
Cổng vào Thư viện Alexandria. Hình TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Khách du lịch mỗi khi đến một quốc gia nào, một thành phố nào, ngoài thăm viếng thắng cảnh, đền đài lăng tẩm còn cố tìm để tham quan các thư viện hay bảo tàng. Có hàng chục bảo tàng viện nổi tiếng thế giới mà khách cần đến xem cho biết và cả tá thư viện đồ sộ trong đó những nhà nghiên cứu có thể tìm được những tài liệu quý báu cho công việc của họ.

Đến Ai Cập, chúng tôi đã bỏ nhiều giờ để vào bên trong xem bảo tàng viện Cairo Museum và thoáng xem thư viện Bibliotheca Alexandrina.
Khi gọi Bibliotheca Alexandrina hay  Alexandria Library cần phân biệt The Ancient Library of Alexandria (thư viện cổ) và The Modern Library of Alexandria (thư viện mới). Cả hai được coi là một, có cùng tên nhưng ra đời cách nhau hàng chục thế kỷ.
Thư viện chúng tôi đến xem là thư viện mới, khánh thành cách đây 8 năm. Thư viện cổ có số tuổi hơn hai ngàn năm đã bị phá hủy cách đây chừng 16 thế kỷ, như ngọn Hải đăng Alexandria đã biến mất cách đây khoảng 5 thế kỷ. Chúng tôi chỉ lướt xem thư viện trên đường trở về thủ đô Cairo.
Lớn nhất, cổ nhất của một thời 
Chúng tôi đã không bỏ công tới Alexandria, thành phố mang tên A-lịch-sơn Đại Đế, nơi nữ hoàng Cleopatra một thời ngự trị qua cuộc tình lãng mạn và nóng bỏng với danh tướng La Mã Mark Antony, một cuộc tình hầu như muốn làm cháy màn bạc mỗi khi cuốn phim về cuộc đời của nữ hoàng Ai Cập được trình chiếu.
Nhưng trước hết, Alexandria là kinh đô văn hóa lớn nhất và xưa nhất của nhân loại.  Thật vậy, trung thành với tâm nguyện của chủ tướng Alexander Đại Đế, người bạn học cùng lớp, quân sư và đại tướng  của Alexander và sau này trở thành vua Ptolemy I Soter đã nhờ kiến trúc sư  Dinocrates người Hy Lạp ở đảo Rhodes quy hoạch thành phố, làm cho Alexandria trở thành một trung tâm thương mại, một hải cảng quan trọng nhất thời cổ đại.

Mặt sau của thư viện nhìn ra biển. Hình TVTS

Dinocrates chính là người đã xây con đê Heptastadion (có nghĩa lớn bằng 7 cái sân vận động) nối đất liền với đảo Pharos nơi có ngọn hải đăng Alexandria, một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại.
Cũng trong thời gian này, chính vua Ptolemy I Soter đã thảo dự án xây dựng thư viện Alexandria (Bibliotheca Alexandrina), thư viện công cộng nổi tiếng nhất thời cổ đại (cũng nghe nói là theo ý của Alexander Đại Đế). Con của ông, vua Ptolemy II  Philadelphus, một người thích văn chương và đỡ đầu nghệ thuật, đã hoàn thành dự án đó, không những làm cho Alexandria trở thành trung tâm thương mại hàng đầu thế giới mà là trung tâm văn hóa nổi tiếng nhất thời đó.
Ông mô phỏng theo các thư viện như thư viện Memphis, thư viện Aristote (nhà triết học và khoa học, thầy dạy Alexander Đại Đế) để xây dựng cho thành phố của ông một thư viện hàng đầu, phong  phú về số lượng và phẩm chất. Nghe nói ông đã cho mua một số lớn đầu sách từ thư viện của triết gia Aristote ở thành phố Athens, là thư viện tư được cho là có nhiều bộ sưu tập quý nhất thời đó.
Ban đầu, người ta tìm kiếm tất cả các phiên bản viết bằng tiếng Hy Lạp, sau đó lùng kiếm phiên bản viết bằng các thứ tiếng khác, bất cứ tác phẩm nào đã ra đời. Có lúc người ta thuê sách ở các thư viện khác và sao chép lại, nhân thành nhiều phiên bản.
Không những sưu tầm các trước tác thuộc ngôn ngữ nguyên thủy, người ta còn thực hiện một chương trình dịch thuật quy mô, thuê một ban dịch thuật người địa phương lần đầu tiên dịch Cựu Ước từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp,  kể cả dịch sách của Phật giáo.
Thư viện Alexandria thực sự đã trở thành thư viện công cộng,  phổ quát đầu tiên trong lịch sử nhân loại thu hút các nhà tư tưởng, bác học lỗi lạc thời đó tới nghiên cứu, làm việc.
Một vài tên tuổi gồm: Heropline, nhà giải phẫu sinh lý; Euclide, nhà phát minh hình học; Eratosthene, nhà toán học tính ra chu vi trái đất…
Người ta không biết chính xác thư viện có bao nhiêu cuộn giấy cói (papyrus) nhưng phỏng chừng đến đầu thế kỷ thứ nhất trước CN, thư viện Alexandria có từ  400,000 đến 700,000 cuộn vì một cuộn giấy cói có khi chép được nhiều cuốn sách trong khi đó có cuốn sách dài lại trải thành nhiều cuộn.
Vua Ptolemy II đã tập hợp quanh ông nhiều nhà tư tưởng và bác học nổi tiếng trong đó có thi sĩ Callimaque người xứ Cyrene đã giúp ông trong việc thiết lập một phương pháp cho phép độc giả có thể tìm được các tác phẩm với một bản tóm tắt nội dung mà tiếng Hy Lạp gọi là Pinakes. Callimaque chính là nhà thư viện học đầu tiên đã nguyên tắc hóa phương pháp thư viện học, giúp người đọc có thể truy tìm một khối lượng lớn sách vở thời đó.
Người ta nói rằng thư viện Alexandria là một quần thể kiến trúc rộng lớn bao gồm “bảo tàng” hay “thi đền”, một cơ sở nghiên cứu mở cửa thường xuyên cho các hoạt động nghệ thuật và khoa học, một đài quan sát thiên văn,  một thảo cầm viên và các phòng hội họp.
Bạn cứ tưởng tượng ngọn hải đăng Alexandria hay nhìn pháo đài Qaitbay để có thể đoán thư viện Alexandria lớn cỡ nào. Chính nơi đây các học giả, nghệ sĩ sáng tạo tới thăm viếng và làm việc để hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu và phát minh của họ.
Theo các sử gia, thư viện Alxandria đã bị mất một số lớn các bộ sưu tập do hỏa hoạn và chiến tranh khi tướng Julius Caesar của La Mã đưa quân tấn công vào cảng Alexandria. Người tình Mark Antony của nữ hoàng Cleopatra VII đã bù đắp lại sự hư hại đó bằng cách tặng cho bà bộ sưu tập phong phú của thư viện Pergamon ở Tiểu Á,  lấy của vua Eumenes II. Thư viện Pergamon có 200,000 cuốn sách lần đầu tiên được viết trên da cừu.
Nhưng đến thế kỷ thứ 3 sau CN, thư viện Alexandria đã hoàn toàn bị phá hủy trong cuộc nội chiến ở Ai Cập.
* * *
16 thế kỷ sau, vào năm 1974, Đại học Alexandria đã lựa khu đất không xa thư viện cũ để xây thư viện mới.  Ý tưởng tái tạo thư viện thời xa xưa được sự ủng hộ của người trong nước và quốc tế.  Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ là đương kim Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập.
Vào năm 1988,  cơ quan UNESCO đã tổ chức cuộc thi vẽ và trong số trên 1,400 người dự thi, kiến trúc sư  Na Uy Snohetta đã được chọn.

Mái nhà Thư viện Alexandria giống như đồng hồ mặt trời. Hình Wikipedia

Công tác xây cất thư viện mới bắt đầu từ năm 1995 với lời hứa hỗ trợ $65 triệu đô la từ các nước Á Rập. Nhưng khi hoàn thành vào năm 2002, chi phí  đã lên tới $220 triệu.
Kiến trúc của thư viện trông rất ấn tượng, với 11 tầng xuôi như thác đổ. Phòng đọc chính có diện tích 70,000 mét vuông với khả năng chứa 8 triệu cuốn sách được che bởi mái bằng kính cao 32 mét nằm xuôi hướng ra bờ biển trông như một đồng hồ mặt trời (sundial) với đường kính  rộng 160 mét.
Tuy rất hiện đại nhưng vẫn giữ nét cổ kính, để một lần nữa Thư viện Alexandria của thế kỷ 21 là cửa sổ mở Ai  Cập của các Pharaohs nguyên thủy, các Pharaohs Ba Tư, các Pharaohs Macedonia – Hy Lạp ra cho thế giới, là nơi trao đổi học hỏi với tinh thần nguyên thủy của Alexandria cổ xưa, là hướng tới tri thức và khoan dung.
Nơi đây hàng năm thu hút khoảng 800 ngàn du khách – mà năm nay có thêm hai vợ chồng chúng tôi– là điểm không thể thiếu trong hành trình của du khách bốn phương khi đến thăm Ai Cập.
Khám phá thành phố cổ dưới biển
Trước khi trở về Cairo, tôi hỏi Ekramy về một thành phố  được phát hiện nằm dưới nước tại bờ biển Alexandria, nghe nói du khách có thể đi xuống đường hầm bằng kính để nhìn di tích nằm dưới biển.  Người hướng dẫn du lịch gật đầu nói gần đây thôi, cách vài cây số, nhưng không còn đủ thì giờ để đi xem. Anh nói hiện tại không có gì nhiều để xem vì mới khám phá và chưa có phương tiện để du khách tiếp cận với cả thành phố cổ bị chôn vùi dưới biển ở độ sâu từ 15 đến 25 mét do những trận động đất cách đây hơn 1500 năm.

Một cổ vật tìm thấy ở dưới biển Alexandria như  bức tượng bán thân này, có thể là tượng của Caesarion, con trai tướng Julius Cesar và Nữ hoàng Cleopatra. Hình: wikipedia

Theo tin tức trên báo chí thì vào năm 2001 nhà khảo cổ người Pháp Franco Goddio là người đầu tiên cho công bố bản đồ và chi tiết của thành phố cổ mà ông nói là Alexandria của ngày xưa đã bị động đất hay sóng thần chôn vùi dưới biển. Cả quần thể này chính là hoàng cung của nữ hoàng Cleopatra, khu quân sự, những ngôi đền, những tác phẩm nghệ thuật, các pho tượng nhân sư, những tảng đá hoa cương nặng hàng chục tấn có thể là từ ngọn hải đăng Pharos of Alexandria, và những di vật quý giá khác được duy trì phần nào qua thời gian nhờ các lớp trầm tích gần bến cảng Alexandria.

Vợ chồng tác giả bút ký “kể chuyện đường xa” trong chuyến đi du lịch của năm thứ hai mươi (1990-2010) cạnh mái nhà của thư viện Alexandria. Hình TVTS

Người ta đã khám phá được hàng ngàn cổ vật trong đó có một bức tượng bán thân rất có thể là của Caesarion, người con trai kết quả cuộc tình giữa Cleopatra và Julius Caesar. Ông Goddio là người đầu tiên phát hiện thành phố dưới biển này vào năm 1996, cho rằng sau những khảo sát sơ khởi bằng máy móc điện tư, nhận thấy địa hình của Alexandria cổ khác xa với những giả định trước đây mà người ta có về Alexandria của Alexandria Đại Đế, của triều đại Ptolemy và người kế vị cuối cùng là Cleopatra VII.
Ông Goddio đã bỏ ra trên 20 năm tìm kiếm các xác tàu và thành phố bị chìm dưới biển nói thành phố bị chìm ngoài cảng Alexandria là một khu vực độc đáo nhất trên thế giới.
Hy vọng với phương tiện và kỹ thuật hiện đại, các  nhà khảo cổ sẽ đưa ra ánh sáng một nền văn minh rực rỡ thủa xa xưa đang nằm dưới biển như họ đã làm đối với những di tích lịch sử khác nằm trên đất liền rải rác ở sa mạc Ai Cập hay dọc sông Nile: kim tự tháp ở Gaza và đền đài cổ ở Luxor  thuộc miền nam Ai Cập v.v… Hàng năm có khoảng 12 triệu du khách ngoại quốc đến thăm viếng xứ sở huyền bí này.

Dự án bảo tàng viện dưới đáy biển ở trang 150 TVTS No1282  20.10.2010

Có một dự kiến sẽ xây dựng một viện bảo tàng ngầm ở ngoài biển Alexandria (The Underwater Archaeological Museum of Alexandria) do kiến trúc sư người Pháp Jacques Rougerie vẽ kiểu và dự kiến này được nhà khảo cổ Franco Goddio và cơ quan UNESCO ủng hộ.
Nhưng làm thế nào để kiếm được $140 triệu Mỹ kim cho công tác này vẫn còn là điều mà chính phủ Ai Cập của Tổng thống Hosni Mubarak chưa tìm được đáp số.
Tạm thời mời bạn đọc xem những bức ảnh về công cuộc khám phá độc đáo này của nhà khảo cổ Goddio và dự án bảo tàng viện dưới đáy biển ở trang 150 của TVTS đăng ở trên. Nguồn: Theo tài liệu và ảnh của Almanac của nhà xuất bản văn hóa thông tin, Dân Trí, AP, National Geographic và Dailymail (còn tiếp).
(TVTS-1282)