Ai Cập: Từ hải đăng Alexandria đến pháo đài Qaitbay (kỳ 3)

06 Tháng Mười, 2010 | Ai Cập
Chính nơi đây ngày xưa có ngọn hải đăng mang tên Pharos of Alexandria. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

(Ai Cập – kỳ 3)

Trước khi qua Ai Cập, tôi dự tính ngoài tham quan các kim tự tháp ở Giza, sẽ đi thăm thành phố Alexandria.  Tôi được biết ở Alexandria có một hai phi trường và có xe lửa chạy giữa thành phố này và Cairo. Đi máy bay một đoạn đường ngắn thì không ổn nhưng đi xe lửa nghe nói còn tệ hại hơn vì xe chạy chậm, chật chội xô bồ kiểu tuyến xe lửa thống nhất ở Việt Nam.

Dù khó khăn hay bất tiện, tôi tự nhủ phải đi Alexandria vì chưa đến thành phố được mệnh danh là “hòn ngọc của Địa Trung Hải” có thể coi như chưa đến Ai Cập. Nhưng làm thế nào để đến đó là chuyện sẽ tính sau bởi tôi biết rằng đường từ thủ đô tới cố đô khá xa, dài đến 225km.

Hôm mới tới phi trường, công ty lữ hành Captain Tours đã đề nghị một chuyến đi Alexandria bằng xe van có máy lạnh với tài xế và người hướng dẫn du lịch đưa chúng tôi sáng đi chiều về, giá $270 Úc kim.

Chúng tôi được cho biết vì mất khoảng 3 tiếng rưỡi đồng hồ xe mới tới nơi nên cần phải đi sớm. Chúng tôi có quyền yêu cầu đưa đi bất cứ nơi nào ở cố đô nhưng phải trở về lúc 4 giờ chiều vì sợ chạy trời tối nguy hiểm. Điều này có nghĩa càng khởi hành trễ chúng tôi sẽ lưu lại Alexandria ít giờ.

Hình chụp Pháo đài Qaitbay: đảo Pharos được nối thành phố trong đất liền bằng một con đê nhân tạo có tên Heptastadion, có nghĩa lớn bằng 7 cái sân vận động. Hình: TVTS

Chúng tôi dự trù sẽ thăm viếng một kỳ quan thế giới cổ đại đã bị biến mất và tắm biển ở thành phố mang tên của Alexander Đại Đế. Nếu còn thì giờ, người dẫn đường muốn đưa đi đâu tùy anh ta.

Chúng tôi đã không thể khởi hành 7 giờ sáng như Ekramy đề nghị vì muốn ngủ nướng cho đã. Bởi vậy 8 giờ rưỡi mới lên đường.

New Cairo City

Rời Giza, người hướng dẫn chỉ những dãy nhà đã hình thành và những công trình đang xây cất nằm phía bên trái đường xe chạy, nói đấy là New Cairo City.

New Cairo City là một thành phố vệ tinh của Cairo nằm một tỉnh tân lập gọi là Helwan Governorate. Chương trình đô thị hóa một nơi trước đây là sa mạc được thực hiện từ năm 2001 bởi một công ty xây cất của Mỹ. Một số thành phố đã hình thành với những trường đại học Mỹ, Đức, Gia Nã Đại, Ai Cập và các trung tâm thương mại, giải trí. New Cairo City quy tụ những thành phần trung lưu và thượng lưu muốn xa lánh cuộc sống chật chội và bụi bặm ở thủ đô. Villa và biệt thự  ở thành phố mới này giá hàng triệu bảng Ai Cập (Egypt Pounds) và nghe nói rẻ nhất cũng phải 2.5 triệu bảng Ai Cập (khoảng 500,000 Úc kim).

Bãi đậu xe và khu buôn bán trước Pháo đài Qaitbay (tòa nhà ở giữa). Hình: TVTS

Chạy tiếp và chỉ bên phải, Ekramy nói những tòa nhà kiến trúc mới là Smart Village nơi phần lớn người Ấn Độ làm việc trong ngành tin học.  Xe đang chạy trên đường có tên là Desert Highway. Quốc lộ Sa mạc này có 4 lanes.  Dọc đường, phần lớn hai bên là sa mạc hay những đụn cát được được đẩy qua một bên hầu mở rộng đường lộ.

Chạy chừng một tiếng, xe ngừng tại một thị trấn nhỏ trong vòng 30 phút để ăn uống. Ekramy nói đây là El Monefef City, quê hương của cố Tổng thống Anwar Sadat và đương kim Tổng thống Hosni Mubarak. Một người làm quan cả họ được nhờ, khi lên làm tổng thống, ông Mubarak đã biến vùng sa mạc sinh quán của ông thành một thành phố.

 

Alexander Đại Đế

Chúng tôi tới ngoại ô Amiriyeh của thành phố Alexandria và mất thêm chừng 20 phút thì đến trung tâm của cố đô.  Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi thấy là tượng một người cỡi ngựa dựng cạnh chiếc cầu vượt, Alexander III of Macedon, tức Alexander the Great mà người Việt Nam ngày trước gọi là A-lịch-sơn Đại Đế, một thiên tài quân sự và nhà chính trị lỗi lạc trong lịch sử thế giới.

Alexander gọi theo tiếng Hy Lạp là Alxandros, sinh năm 356 trước Công Nguyên tại Bella xứ Macedon nay là Macedonia và một phần phía bắc của Hy Lạp. Từ nhỏ vua cha Philip đã nhờ triết gia lừng danh Hy Lạp Aristotle làm phụ giáo dạy dỗ văn  chương, triết học, y học nhưng Alxander đam mê quân sự hơn và thường theo cha chinh chiến.

Alexander lên ngôi vua lúc mới 20 tuổi sau khi người cha bị ám sát. Hai năm sau khi đã chinh phục toàn bộ Hy Lạp, Alexander cầm đầu đạo quân 37,000 người tiến về phía đông, chiếm Jerusalem, Ai Cập, Lybia. Năm 25 tuổi, ông đưa quân vượt sông Tigris chảy qua thành phố Baghdad ngày nay, đánh bại đạo quân hùng mạnh của vua Darius nước Ba Tư (tức Iran ngày nay).

Trong 13 năm tại vị và cho đến khi chết vào năm 32 tuổi, Alexander đã mở rộng đế quốc Macedon  từ sông Danube đến tận biên giới Ấn Độ (Punjab).

Chuyện kể rằng vào năm 331 trước CN, trong buổi lễ kỷ niệm một năm ngày chiếm xứ Ai Cập và cũng là ngày ông được tôn vinh là một vị pharaoh, Alexander đưa ra đề án xây dựng một thành phố mang tên ông, đổi tên thành phố cũ có tên Rhacotis (Rakota có từ thời các vua pharaohs) thành Alexandria, xây trung tâm thương mại, các đền thờ, quy định các vị thần Hy Lạp nào mà người Ai Cập phải thờ cúng, khuyến khích binh sĩ và tướng lãnh lấy vợ người địa phương. Chính ông cũng lấy con gái của vua Darius (người Copt con cháu của người Ai Cập nguyên thủy ngày nay vẫn gọi Alexandria là Rakota).

Alexander  cũng là người cho lệnh xây một ngọn hải đăng khổng lồ trên hòn đảo Pharos nhằm biến Alexandria trở thành thành phố cảng quan trọng bậc nhất trong vùng Địa Trung Hải.

Thành quách đồ sộ: lối vào bên trong pháo đài. Hình: TVTS

Sử gia Hy Lạp Herodotus đã từng sang thăm thành phố Rhacotis vào thế kỷ thứ 5 trước CN khi vùng này còn nằm dưới sự cai trị của Ba Tư, thấy rằng cư dân ở đây bao gồm  nhiều sắc dân trong đó có người Hy Lạp, Do Thái, Lybian, Phoenician.

Alexander Đại Đế rời Ai cập trở về Macedon và không bao giờ trở lại thành phố mang tên ông bởi ông bị bệnh (có giả thuyết nói ông bị đầu độc) chết dọc đường tại Babylon (Iraq ngày nay). Một vị tướng của ông là Ptolemy I Soter  đã đánh cắp xác ông mang về chôn ở Alexandria bởi  tin lời thầy bói nói rằng nơi nào chôn xác Alexander Đại Đế, nơi đó sẽ phồn thịnh.

Ptolemy, cũng là người xứ Macedon,  trở thành nhà lãnh đạo mới của Ai Cập, lập nên triều đại Ptolemaic Dynasty sau khi tự xưng là Vua Ptolemy I vào năm 305. Triều đại Ptolemaic kéo dài 275 năn cho đến khi bị La Mã chinh phục vào năm 30 trước Công Nguyên.

Sau Ba Tư,  người Ai Cập dần dần chấp nhận sự cai trị của người Macedonia, coi những vị vua triều đại Ptolemy  là những Pharaohs mặc dầu phần lớn các vua này chỉ nói tiếng Hy Lạp.

Các bà hoàng Ptolemy trong đó một vài người là chị ruột hay em gái của các chồng của họ (anh chị em lấy nhau theo phong tục Ai Cập thời đó),  thường được gọi là Cleopatra. Một trong những bà hoàng nổi tiếng là bà hoàng cuối cùng của triều đại Ptolemy, Cleopatra VII Philopator, người tình của Tướng Julius Caesar và Tướng Mark Antony của La Mã (xem phim Cleopatra do Liz Taylor đóng).

Cleopatra VII ban đầu lấy em trai Ptolemy XIII và cùng cai trị với chồng. Sau khi người chồng này chết, Cleopatra lấy em trai khác là Ptolemy XIV và đồng làm vua, nhưng rồi người em này cũng chết. Có giả thiết Cleopatra đầu độc chồng để  đưa con trai của bà và người tình Julius Caesar cùng làm vua trong thời gian ngắn ngủi, đó là Ptolemy XV Caesarion. Julius Caesar bị ám sát chết tại Rome vào năm 44 trước CN.

 

 

Bên trong Pháo đài Qaitbay nơi trước năm 1480 có ngọn hải đăng Alexandria (hai hình nhỏ được vẽ lại), là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại. Hình: TVTS

Nữ hoàng Cleopatra VII tự tử năm 30 trước CN tại thành phố Alexandria lúc bà 39 tuổi và triều đại Ptolemy chấm dứt. Như vậy, nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập gốc người Macedonia, và vì thế cũng có gốc Hy Lạp.

 

Ngọn hải đăng Alexandria

Nhắc lại chuyện mấy trăm năm trước, sau khi Alexander Đại Đế qua đời, Ptolemy I cho thực hiện giấc mơ ngọn hải đăng khổng lồ của chủ tướng mình. Ngọn hải đăng có tên tiếng Anh là Lighthouse of Alexandria hay Pharos of Alexandria.

Người ta nói rằng ngọn hải đăng được xây xong vào khoảng năm 280 trước CN, dưới thời vua con Ptolemy II. Sở dĩ có tên Pharos of Alexandria vì nó được dựng ở  Pharos, một hòn đảo nhỏ nằm trước bờ biển Alexandria.  Hòn đảo dược nối với đất liền bằng một cái đập lớn do con người làm, có tên Heptastadion, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa lớn bằng 7 cái sân vận động.

Kiến trúc sư Sostratus người Hy Lạp từ đảo Rhodes được vời vẽ kiểu. Ngọn hải đăng gồm 3 tầng,  cao  tổng cộng 117m, là kiến trúc cao thứ nhì trên thế giới thời đó, chỉ  sau kim tự tháp ở Giza.

Đế là khối vuông cao 55.9m, khối giữa cao 27.45m và khối trên cùng: 7.3m.

Trên đỉnh có tượng thần biển Hy Lạp Poseidon, ban đêm dùng lửa, ban ngày có tấm gương phản chiếu mặt trời, nhìn thấy từ 50km, tương truyền tấm gương phản chiếu có thể đốt tàu địch từ xa.

Vua Ptolemy II yêu cầu kiến trúc sư Sostratus khắc tên vua vào ngọn hải đăng, nhưng Sostratus khắc tên mình trước rồi lấy thạch cao đắp lên sau đó mới khắc tên vua. Khi thạch cao bị mòn, tên của Sostratus dần dần lộ ra và được mọi người biết.

Pharos of Alexandria được coi là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại, di tích hiện chẳng còn gì nhưng người ta có thể tìm thấy hình ảnh của kiệt tác ngày qua những đồng tiền lưu hành trong đế quốc La Mã thời đó.

Thành phố Alexandria với ngọn hải đăng khổng lồ trở thành tuyến đường giao thương hàng hải quan trọng nhất thời đó cho đến khi bị người Hồi giáo chinh phục vào năm 641 sau CN.  Ảnh hưởng của văn minh Hy-La từ nay nhường chỗ cho văn minh Ả Rập Hồi giáo.

Năm 956 sau CN, một trận động đất gây thiệt hại nhẹ nhưng ngọn hải đăng vẫn hoạt động. Hai trận động đất vào các năm 1303 và 1323 gây thiệt hại nặng, chỉ còn phần đế, được dùng như là một tháp canh. Một nguyện đường Hồi giáo được xây lên trên.

 

Một góc trên pháo đài nhìn ra bầu và trời biển xanh của Địa Trung Hải. Hình: TVTS

Nhưng đến năm 1480, chương cuối của kỳ quan cổ đại đã hoàn toàn khép lại khi tiểu vương Ai Cập thời bấy giờ là Qaitbay quyết định xây dựng pháo đài Qaitbay lên trên ngọn hải đăng để làm công sự phòng thủ chống địch quân từ bên ngoài, đã đập phá và sử dụng phần lớn đá còn lại của ngọn hải đăng để xây thành.

Thế là kỳ quan thứ sáu  trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại hoàn toàn biến mất.

Hòn đảo có tên Pharos sau này trở thành danh từ chung của nhiều ngôn ngữ, dùng để chỉ ngọn hải đăng như phare (tiếng Pháp),  faro (Ý, Tây Ban Nha), farol (Bồ Đào Nha).

Biết rằng kỳ quan thế giới nằm ở Alexandria không còn nữa nhưng chúng tôi cũng tới xem để tưởng tượng một kỳ công của con người đồng thời xem cái pháo đài mà tiểu vương Qaitbay dựng lên trên ngọn hải đăng nó có tầm vóc cỡ nào.

Qaitbay được coi là một trong những công sự phòng thủ quan trọng không những ở Ai Cập mà còn dọc ở bờ biển  Địa Trung Hải chống lại sự bành trướng Đế quốc Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ.

Người ta nói trong một chuyến viếng thăm Alexandria, tiểu vương Qaitbay ra lệnh cho kiến trúc sư Qagmas Al-Eshqy xây một pháo đài ngay trên ngọn hải đăng. Công trình kéo dài 2 năm với chi phí nghe nói hơn một trăm ngàn đồng tiền Dinars thời đó.

Mảng đá phía trên các ngón tay tác giả là di tích còn lại của ngọn hải đăng Alexandria. Hình: TVTS

Pháo đài tiếp tục được trưng dụng trong thời Ottoman chiếm đóng, nhưng khi đế quốc này yếu và rơi vào tay đoàn quân viễn chính của Nã Phá Luân vào năm 1798,  pháo đài mất dần vai trò quan trọng của nó.

Dưới triều đại Farouk, nhà vua Ai Cập ra lệnh tân trang để biến nó thành một nhà khách quốc gia. Sau cuộc cách mạng năm 1952 lật đổ chế độ quân chủ do Đại tá Gamal Abdel Nasser lãnh đạo, Bộ Hải quân biến pháo đài thành Bảo tàng viện Hàng hải. Từ năm 1984 pháo đài có những cuộc tái thiết và bảo trì để biến nơi từng là kỳ quan thế giới cổ đại thành trung tâm du lịch.

Chúng tôi đi tham quan nhiều khu vực của pháo đài, lên đỉnh tháp ngắm biển lộng gió, nhìn thành phố cảng dưới bầu trời xanh của Địa Trung Hải, và được người hướng dẫn viên du lịch Ekramy chỉ cho thấy một số tảng đá của ngọn hải đăng nay là một phần tường thành của pháo đài Qaitbay.

Một nháy mắt, 23 thế kỷ đã trôi qua trên vùng đất lịch sử này. Một chút bâng khuâng trong lòng. (Còn tiếp)

 

Một số hình ảnh khác ở Pháo đài Qaitbay nơi từng là ngọn hải đăng, một trong kỳ quan cổ đại thế giới do tác giả Nguyễn Hồng Anh chụp trong chuyến du lịch năm 2010: