Du lịch Áo: Vienna một thuở trời Âu huy hoàng (bài 3)

21 Tháng Mười Một, 2015 | Áo
Nhà thờ Chính tòa St. Stephen ở Vienna với bục giảng (góc trái) cao khoảng 3 mét giữa nhà thờ. Hình: NHA

Tôi lớn lên và hấp thụ nền văn hóa Pháp. Từ văn hóa của Pháp, tôi biết thêm về nền văn minh Hy-La (Hy Lạp và La Mã) và sau đó hiểu biết rộng hơn nhờ học môn “Lịch sử văn minh thế giới” ở bậc đại học.

Tôi tự học một ít tiếng Tây Ban Nha qua cuốn sách Pháp L’Espagnol sans peine (Tiếng Tây Ban Nha dễ học) để hiểu lời khi hát nhạc ngoại quốc nhờ vậy tôi thấy gần gũi với văn hóa của Tây Ban Nha và sau đó Ý Đại Lợi. Nói tóm lại, tôi có chút kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa của những nước trong đại gia đình gốc La Tinh và thích đọc lịch sử của những nước đó. Và cũng là lý do tôi thích du lịch Âu Châu, ước mơ từ lâu.

Cuối thập niên 1960, văn hóa Mỹ đã đẩy lùi văn hóa Pháp với sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Miền Nam. Dù muốn dù không, tuổi trẻ Miền Nam chịu ảnh hưởng của âm nhạc Anh-Mỹ và văn hóa của hai cường quốc này.   Nhưng đối với những nước như  Đức, Áo thì quả thật tôi không biết nhiều về lịch sử của họ, nhất là về lịch sử Đế Quốc La Mã Thần Thánh (Holy Roman Empire) kéo dài từ năm 962 đến 1806  bao gồm lãnh thổ của các nước Trung Âu.

Trong chuyến Âu du, tôi được nghe rằng vì hoàn cảnh lịch sử và địa lý, người Hòa Lan không thích người Đức như người Việt Nam với người Trung Hoa. Nhưng Áo và  Đức thì phải có liên hệ xa gần, bởi họ cùng nói một ngôn ngữ.

Tôi tưởng rằng tôn giáo chính của Đức và Áo là Tin Lành vì cải cách tôn giáo thời Phục Hưng xảy ra ở Đức do tu sĩ người Đức Martin Luther phát động. Nhưng tôn giáo chính của Đức là Tin Lành trong khi Công  giáo La Mã giáo chiếm 64%  dân số Áo.

Áo là nước diện tích nhỏ, dân số khoảng 8 triệu rưỡi người nhưng có hai vị tổng giám mục ở hai thành phố lớn của Áo là Vienna và Salzburg (nơi sinh của  nhà soạn nhạc Mozart) nhưng hai vị này độc lập với nhau và đặt dưới quyền trực tiếp của Đức giáo hoàng. Giáo hội Áo được điều hành bởi Hội đồng Giám mục Áo mà chủ tịch hiện nay là Hồng y Christoph Schonborn,  tổng giám mục Vienna. Hồng y Schonborn, 70 tuổi,  sinh đẻ ở Đức, thuộc dòng dõi quý tộc, được cha mẹ đưa sang Áo tị nan khi mới 9 tháng tuổi.

“Xê khu ra xê khu vô” linh mục đọc lời chấm dứt thánh lễ bằng tiếng La Tinh tại nhà thờ St. Peter’s. Hình: NHA

Mặc dầu nước Áo không có giáo chủ (primate) nhưng tổng giám mục Salzburg được danh hiệu là Primus Germaniae, nghĩa là Giáo chủ Đức, được mang phẩm phục màu đỏ như hồng y. Thời Đế Quốc La Mã Thần Thánh, chức Tổng Giám mục Salzburg là chức Hoàng tử Tổng giám mục (Prince-Archbishopric). Nói vậy để độc giả thấy rằng mặc dù sang thế kỷ 21, Áo không còn là cường quốc và là một quốc gia thế tục, nhưng ảnh hưởng của phong kiến và giáo hội vẫn còn mạnh.  Cách đây vài tháng, Quốc hội Áo đã bác bỏ dự luật hôn nhân đồng tính với số phiếu áp đảo 110/26.

Khi đến Áo, ngoài âm nhạc và quán cà phê những cái gây ấn tượng cho du khách là kiến trúc nhà thờ và lâu đài.

St. Stephen Cathedral (tiếng Đức Stephandom) nằm trong Stephansplatz  (Quảng trường Stephan) với kiến trúc kiểu Romanesque (mặt tiền) và Gothique (tháp cuối nhà thờ)  với mái ngói nhiều màu và dễ nhận diện, là biểu tượng của Giáo hội Công giáo Áo, là nơi đặt hiệu tòa của Tổng giám mục Vienna,  nơi từng diễn ra lễ an táng của nhà soạn nhạc người Ý Antionio Vivaldi (tác giả The Four Seasons) năm 1714.

Nhà thờ Chính tòa St Stephen xây năm 1137 với chiều dài 107m, rộng 70m và cao 136.7m.  Nội thất của nhà thờ chánh tòa Vienna có thể sánh với Vương Cung Thánh Đường St. Peter ở Rome về kiến trúc cũng như tranh tường và tranh trần nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Bục giảng của thánh đường này to lớn, cao uy nghi như bục giảng ở Vương Cung Thánh Đường St. Peter.

Ở Úc, một đất nước mới có hơn 200 năm lập quốc kể từ cuộc di dân của người da trắng, không thể nào có một ngôi thánh đường cổ kính và “đẹp từng cen-ti-mét” như ở các nước Trung Âu, được xây dưới thời các vua chúa và là nơi chôn hài cốt của họ.

Du khách nườm nượp đến thăm  St. Stephen, nhưng chỉ được đứng ở cuối nhà thờ quan sát hay đi một đoạn ngắn bên cánh trái.  Ngoài ra, muốn vào bên trong để tham quan (tour guide) hay lên tháp xem thì phải mua vé và đợi đến chuyến của mình.

Chúng tôi đến xem hai lần St. Stephen Cathedral vì nhà thờ gần khách sạn và cũng là nơi thiên hạ tụ họp, du ngoạn. Tôi thấy có một tour đi ngắm cảnh bằng xe đạp và tour guide cũng đi xe đạp dẫn phái đoàn xe đạp tới Quảng trường St. Stephen và giải tán ở đây. Đối diện thánh đường có những quán cà phê lộ thiên, nhà hàng, tiệm buôn và bên phải nhà thờ là sân dành cho hàng chục cỗ xe song mã để chở du khách dạo quanh thành phố.

Mặt tiền của Upper Belvedere trong Belvedere Palace là nơi triển lãm tranh và điêu khắc. Hình: NHA

Chỉ ở bên trong St. Stephen Canthedral mới thấy sự trang nghiêm, bước ra khỏi nhà thờ là ồn ào náo nhiệt của phố xá, chợ trời. Tôi thấy có một nghệ nhân đem tranh vẽ trải giữa quảng trường đã bị cảnh sát tới dẹp và lập biên bản. Nghệ nhân có vẻ là người sắc tộc, có lẽ hành nghề không xin phép và chiếm chỗ công cộng bất hợp pháp, vì trên con đường Karntner StraBe, tôi thấy các nghệ nhân  đủ loại hình nghệ thuật trình diễn mà chẳng sao.

Vienna là kinh đô của Đế Quốc La Mã Thần Thánh nên có nhiều thánh đường. Một ngôi thánh đường nổi tiếng cách khách sạn Das Tigra chừng hai trăm mét là St Peter’s Church (tiếng Đức Peterskirche. Đây là một ngôi thánh đường kiểu Baroque tuyệt đẹp, nằm trong một góc đường mà tôi tưởng là một nguyện đường hồi giáo hay bảo tàng viện vì thấy mái tròn. Nhưng khi đến xem thì thấy ghi rằng ngày Chủ Nhật có thánh lễ buổi sáng cử hành bằng tiếng La Tinh.

Nghe nói tại nơi đây vào khoảng năm 800 Đại đế Charlemagne đã xây một ngôi thánh đường. Nhưng ngôi thánh  đường St Peter’s  hiện nay được xây năm 1701, thay thế cho một ngôi thánh đường bị cháy trước đó.  Những bức tượng, tranh nổi, bàn thờ phụ mạ vàng bạc sáng chói tỏa ra vẻ linh thiêng, và sự uy nghi của một thời.

Năm 1970 Hồng y Franz Konig  Tổng giám mục Vienna trao nhà thờ St. Peter’s cho các linh mục tu hội Opus Dei quản trị. Opus Dei là một tu hội với chủ trương duy trì truyền thống bảo thủ và chính thống của Giáo hội Công giáo, vì vậy tôi không lấy làm lạ khi ở đây và trong thời đại này, có thánh lễ bằng tiếng La Tinh!

Tôi còn nhớ ngày còn học tiểu học ở làng quê, được cho làm chú giúp lễ (altar boy) là một hãnh diện vì được đi lại trong cung thánh (phụ nữ tuyệt đối không được vào), được đối đáp những câu bằng tiếng La Tinh mà chẳng hiểu gì cả.  Tôi còn nhớ một hai chữ vị linh mục đọc cuối lễ như saecula saeculorum đã  được mẹ tôi dịch âm bậy “xê khu ra xê khu vô” để nói bọn nhóc chúng tôi thỉnh thoảng trốn lễ chơi bi ngoài sân, đợi cha sở làm lễ gần xong quay lưng đi vào sau chái nhà thờ (phòng thay lễ phục) mới vào nhà thờ, nhưng thực sự saecula saeculorum có nghĩa là, từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, đời đời kiếp kiếp.

Vườn công viên giữa Upper Belverdere và Lower Belvedere. Hình: NHA

Công đồng Vatican II họp vào đầu thập niên 1960 dưới thời Đức Giáo hoàng Gioan 23 đã loại bỏ thánh lễ bằng tiếng La Tinh và thay bằng tiếng địa phương là một cuộc đại cách mạng, nhờ vậy giáo dân dự lễ mới biết linh mục nói gì, đọc gì và họ được hiệp thông với vị chủ tế thay vì nghe các chú giúp lễ trình độ tiểu học đọc tiếng La Tinh như tôi.

Nhưng có một vài chức sắc trong Giáo hội Công giáo đã tách rời khỏi giáo hội sau Công Đồng Vatican II, một ít vị khác vẫn tiếp tục làm lễ bằng tiếng La Tinh bất chấp lệnh của Rome. Đúng 50 năm sau, tại cái nôi của cựu Đế Quốc La Mã Thần Thánh, lần đầu tiên chúng tôi được dự thánh lễ bằng tiếng La Tinh trong một ngôi thánh đường loại cổ kính nhất.

Người tham dự đầy hai phần ba số ghế nhà thờ (như vậy là quá nhiều so với số lượng khoảng 7% giáo dân Áo di dự lễ Chủ Nhật). Phần lớn là người lớn tuổi, một số du khách trẻ mang theo vali.

Linh mục chủ tế tóc bạc phơ mặc lễ phục màu vàng như các quan triều đình (hay tăng lữ) ngày xưa hay như các linh mục và giám mục Chính Thống Nga và Chính Thống Hy Lạp hiện nay. Những đối đáp trong thánh lễ bằng tiếng La Tinh ngoại trừ đọc sách thánh, phúc âm và lời nguyện giáo dân bằng tiếng Đức. Có tập sách song ngữ Đức- La Tinh cho giáo dân theo dõi. Các chú giúp lễ tuổi thiếu niên mặt mày sáng sủa nhưng trông đăm chiêu, trịnh trọng làm tôi nhớ lại thời còn bé ở làng quê. Hôm đó chỉ là thánh lễ quanh năm, nhưng có xông hương và có sự khác biệt là không có cảnh bắt tay nhau, chúc bình an. Phần lớn giáo dân  quỳ và nhận bánh thánh bằng miệng. Chú giúp lễ cầm đĩa hứng đề phòng bánh thánh rới xuống đất.

Dù phụng vụ theo nghi lễ theo truyền thống La Tinh, nhưng kéo dài không tới một tiếng đồng hồ.

Những người dự thánh lễ như nhà tôi dù không biết tiếng La Tinh nhưng  cũng hiểu được ông cha và bổn đạo nói gì vì đã làm quen với thánh lễ  tiếng Việt.

Bạn có  thể nghe người ta chơi đàn organ (đại phong cầm) miễn phí với những ca khúc của Bach, Muffat, Buctehude, Mendelssoln trong ngôi thánh đường St. Peter’s vào mỗi 3 giờ chiều từ Thứ Hai đến Thứ Sáu hay 8 giờ tối vào Thứ Bảy và Chủ Nhật. Vienna là thế, cái nôi âm nhạc không những chỉ có nhạc ở những đại hí viện với những dàn nhạc giao hưởng vé vào cửa khá mắc mỏ mà còn ở các nhà thờ lớn với nhạc chùa.

Cung điện, lâu đài

Sau thánh lễ bằng tiếng La Tinh, chúng tôi nghỉ ngơi một lát và gọi taxi tới cung điện Belvedere Palace, tuy nằm ngoài vành  đai đông nam trung tâm phố, nhưng xe chạy cũng chỉ mất 12 phút và tốn 12 Euro.

Du khách đứng trước hố di tích khảo cổ tại quảng trường Michaelerplatz và trước mặt là cổng vào khu cung điện Hofburg. Hình: NHA

Xem 3 khu vực trong phức hợp Belvedere mênh mông giá 31 Euro: Oberes Belvedere (Upper Belvedere), Unteres Belvedere (Lower Belvedere) và Winterpalais (Winter Palace).

Chúng tôi chỉ chọn xem phần Oberes Belvedere (Upper Belvedere) tức tòa nhà  đầu tiên mà thôi vì nghĩ  rằng xem cho hết nội thất của tòa nhà ba tầng và tranh ảnh tượng điêu khắc bên trong cũng có thể mất một buổi;  vé 14 Euro/ người.

Phức hợp Belverdere rất rộng tọa lạc trong một công viên, từ cổng đến tòa nhà Upper Beveldere dài khoảng năm trăm mét với đường đi hai bên. Giữa là một vườn cỏ và hoa, sau đó là một cái hồ rất rộng hình vuông góc uốn cong, lớn hơn hồ ở trước mặt cung điện Taj Mahal ở Agra của Ấn Độ được gọi là một kỳ quan của thế giới mà tôi đã có dịp kể chuyện với bạn đọc năm 2012.

Màu xanh da trời của nước và màu xanh lục của cỏ cây hai bên hồ in bóng  lâu đài nhiều tầng màu trắng với những mái màu xanh hình thang và mái vòm hình nửa trái cầu của bốn  tháp nằm ở bốn góc của cung điện trông rất đẹp mà tôi đã nhiều lần thấy ở đâu đó trong sách báo hay mạng lưới, hoặc quảng cáo du lịch.

Belvedere được xây từ cuối thế kỷ 17 dưới triều đại dòng họ Habsburg của Áo  (gọi là House of Habsburg hay House of Austria), một vương tộc quan trọng của Âu Châu mà Đế Quốc La Mã Thần Thánh được dòng họ Habsburg cai trị từ năm 1438 đến 1740.

Trong mấy trăm năm, dòng họ Habsburg từng mang danh hiệu Hoàng Đế La Mã, Hoàng Đế Mễ Tây Cơ, Vua của người Ma Mã, Vua Đức, Vua Ý, Vua Tây Ban  Nha, Vua Sicily, Vua Naples, Vua Hung Gia Lợi, Vua Bohemia (Tiệp), Vua Croatia, Vua Bồ Đào Nha, Vua Galicia và Lodomeria, Vua Anh, Vua Ái Nhĩ Lan v.v… và có lúc còn tự xưng là Vua của Pháp!

Đó là một thời kỳ phức tạp trong quan hệ giữa các nước Âu Châu mà các vua chúa thường trung thành với Giáo hoàng La Mã.  Những tước hiệu nói trên vừa có trên thực tế vừa do có quan  hệ hôn nhân với vua của các nước khác. Người thành lập ra dòng họ này vào thế kỷ thứ 11 là Radbot, Bá tước Habsburg (Radbot Count of Habsburg).  Đế Quốc La Mã Thần Thánh chấm dứt năm 1780 với cái chết của Maria Theresa of Austria, Nữ Hoàng Đế La Mã Thần Thánh kiêm Hoàng Hậu Đức. Nhưng dòng họ và triều đại Habsburg chỉ chấm dứt vào năm 1918 sau thế chiến thứ nhất với vị hoàng đế Áo cuối cùng là Franz Joseph.

Di tích thời La Mã tại quảng trường Michaelerplatz. Hình: NHA

Qua khỏi Upper  Belvedere là một cái vườn công viên (gardens) trên miếng đất rộng hình chữ nhật chạy dài tới tòa lâu đài Lower Belvedere mà mắt thường nhìn không rõ, vì quá xa.

Giữa vườn đến lâu đài Lower Belvedere là một đường đi bộ rộng trồng cây trắc bá tỉa hình tháp, có lối đi nhỏ hai bên của chính lộ. Mỗi bên chính lộ là những vườn cỏ được cắt tỉa thành những hình thù mỹ thuật công phu, xen kẽ là những hồ nước hình tròn và vuông có vòi phun nước. Và hai bên của những hồ nước và vườn là hai lối đi sát vành đai của phức hợp được ngăn bởi những lùm cây trông như khu rừng nhỏ.

Như vậy, giao thông giữa hai tòa lâu đài trên (upper) và lâu đài dưới (lower) là 7 lối đi.  Một nghi lễ diễn ra ở đây sẽ có cái uy nghi của một người cai trị cả đế quốc rộng lớn của Âu Châu.

Người cho xây lâu đài Belvedere là Hoàng tử Eugene của Savoy (Prince Eugene of Savoy), một người sinh ra ở Paris, từng sống trong triều Vua Louis XIV của Pháp nhưng khi muốn gia nhập quân đội Pháp, bị từ chối, bèn sang Áo và phục tùng Triều đại Habsburg, sau này trở thành một vị tướng và nhà chính trị lỗi lạc của Đế Quốc Thần Thánh La Mã. Có lẽ do đã từng sống ở cung điện Versailles ở Pháp mà sau này Hoàng tử Eugene của Savoy đã cho xây một cung điện nguy nga không kém bởi một kiến trúc sư Baroque nổi tiếng đương thời là Johann Lukas von Hildebrandt (cha Đức mẹ Ý). Vì vậy mà ngày nay Belvedere là một trong những cung điện kiểu Baroque đẹp nhất thế giới.

Người và ngựa ra vào cổng quảng trường Michaelerplatz hướng Cung điện Hofburg. Hình: NHA

Cũng như rất nhiều lâu đài cung điện khác ở Âu Châu, Belvedere ngày nay trở thành một viện bảo tàng và mỹ thuật. Ở đây có tranh của nhiều danh họa Âu Châu và đặc biệt của Gustav Klimt (1862-1918), một họa sĩ nổi tiếng của Áo. Một trong những bức tranh quen thuộc của ông là bức tranh sơn dầu The Kiss  vẽ trên tấm bạt lớn hình vuông,  mô tả một cặp tình nhân hôn nhau, thân thể được khoác bằng chiếc áo choàng màu vàng (golden).

Tại đây người ta bán nhiều đồ kỷ niệm liên quan các tác phẩm bằng tranh hay điêu khắc. Tôi đề nghị nhà tôi mua một cái khăn voan quấn cổ  in hình The Kiss của Klimt. Bạn đoán bao nhiêu?  72 Euro!  Nhưng quả là đẹp, một kỷ vật duy nhất chúng tôi mua ở Vienna. Chỉ đi một vòng trước hồ lớn của Upper Belvedere và sau đó xem tranh trong tòa nhà này mà mất đúng 3 tiếng đồng hồ.

Như đã thưa với bạn đọc, trung tâm thành phố Vienna có nhiều lâu đài cổ, nhiều bảo tàng viện.  Với bốn ngày ở đây, chúng tôi chỉ có thể  chọn vài nơi để tham quan. Và có những lúc gặp đâu xem đó mà không định trước, như trên đường từ cung điện Belvedere về  nhà thờ chính tòa St. Stephen, rồi thả bộ về khách sạn, chúng tôi thấy ở một góc phố có một tòa nhà mái vòm nhô ra khỏi con đường phố, là cảnh quen mắt ở Vienna. Tôi nói với nhà tôi đi xem thêm một chỗ nữa trước khi về đi ăn tối. Tới gần, tôi thấy người ta đang tụm quanh một cái hố  được bao bọc bằng tường xi măng, bên dưới là những khối đá  hay gạch đỏ xây chồng lên nhau  đỏ trông giống hình ảnh ở thành phố Athens của Hy Lạp.

Thư viện Quốc gia Áo. Hình: NHA

Tôi đoán đây phải là di tích lịch sử được khai quật và đang được bảo vệ. Nhìn vào bản đồ cầm tay, tôi thấy ghi “ Hofburg Museum Complex” và trước mặt là quảng trường Michaelerplatz. Những bức tường đá vỡ vụn dưới hố có từ thời La Mã được phát hiện vào năm 1990.

Trong phức hợp này có nhiều tòa nhà, trước hết Hofburg Palace nguyên là cung điện của các hoàng đế ngày xưa và hiện nay là nơi Tổng thống Cộng hòa Áo quốc cư ngụ và làm việc.

Hofburg được xây vào thế kỷ 13 và được mở rộng với thời gian dưới nhiều triều đại và trở thành cung điện mùa đông của các hoàng đế (cung điện mùa hè là Schonbrunn Palace).

Cũng trong phức hợp này có Thư viện Quốc gia Áo; thư viện có 4 bảo tàng viện và nhiều sưu tập và văn khố. Ngoài ra có Bảo tàng viện Lịch sử Tự nhiên (Museum of Natural History) với trên 30 triệu đồ vật; Bảo tàng viện Nghệ thuật (Museum of Fine Arts). Đặc biệt trong phức hợp Hofburg có Spanish Riding School là nơi dạy cỡi ngựa cổ điển (classical dressage) và cũng là chỗ biểu diễn cho công chúng và du khách xem. Nhưng nếu bạn không học cỡi ngựa thì trong khu vực này có rất nhiều cỗ xe ngựa song mã để bạn ngồi và được đưa đi xem khu phức hợp rộng lớn này.

Hình ảnh quen thuộc ở những khu di tích văn hóa ở Vienna như Michaelerplatz. Hình: NHA

Nhìn vào bản đồ thấy gần  Cung điện Hofburg có Museums Quartier, một khu bảo tàng viện rộng đến 60,000 mét vuông, được xem là khu văn hóa lớn hàng thứ 8 trên thế giới. Nhưng chúng tôi không thể đi bộ xa hơn nữa để xem. Trở về khách sạn, chúng tôi bước qua một nhà hàng của Nhật để thưởng thức các món ăn Nhật. Rẻ và ngon.

Một đặc điểm đáng nói là quanh phức hợp Hofburg Palace du khách không những được ngắm các lâu đài và bảo tàng viện mà còn có thể ghé tạt những nhà hàng hay thưởng thức ly cà phê của thành phố nổi tiếng với những “ngôi nhà cà phê”.

Viết đến đây, tôi nhớ lại câu nói của Tổng thống Pháp Francois Hollande khi ông thách thức bọn khủng bố ở Paris làm ít nhất 129 người chết là  bọn chúng không thể thay đổi lối sống hàng ngày của người Pháp bằng bạo động khi cho rằng “Pháp sẽ không còn là  nước Pháp khi không còn các quán cà phê, các  rạp hát và các sân vận động”.

Người viết đã đưa bạn đọc đi một vòng thành phố văn hóa cà phê, văn hóa nghe nhạc và văn hóa đền đài. Mời bạn đọc đón xem bài bút ký cuối cùng trong chuyến Âu du này với một ngày thăm thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi.

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 21.11.2015