Bồ Đào Nha có gì lạ (Bài 1)

20 Tháng Tư, 2011 | Bồ Đào Nha
Đây là hình ảnh mà bạn đọc thường thấy trên báo chí, tivi mỗi khi có thời sự về Bồ Đào Nha. Tượng Huân tước Marquês de Pombal trên cột trụ ở quảng trường mang tên ông nhìn ra Sông Tagus với toàn bộ khu vực ông đã có công tái kiến thiết sau trận động đất năm 1755. Hình TVTS chụp từ vườn Eduardo VII

Bút ký Nguyễn Hồng Anh

***

Bồ Đào Nha có Fatima, là địa danh mà bất cứ một người Công giáo sùng đạo nào cũng đã từng nghe hay nói đến dù đấy là người không biết chữ bởi vì Fatima là nơi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ vào năm 1917, là nơi mà nhiều người Công giáo có khả năng và phương tiện đều muốn đi hành hương hay tới xem một lần cho biết.

Bồ Đào Nha là nước có nhà thám hiểm đầu tiên đi thuyền đến Ấn Độ và đầu thế kỷ 16 phát hiện nước Ba Tây (Brazil) ở Nam Mỹ, thiết lập thuộc địa đầu tiên của người Âu Châu và sau đó mở rộng các thuộc địa ở Châu Á và Châu Phi; có nghĩa từng là nước đã có một thời vang bóng.

Bồ Đào Nha có những liên hệ với Việt Nam qua việc các giáo sĩ đến truyền đạo và đóng góp vào việc hình thành chữ quốc ngữ ngày nay như  linh mục Francesco Pina (1585-1625) đến sống ở Hội An và chết tại đây lúc mới 40 tuổi. Ngày nay, huấn luyện viên Henrique Calisto (được người trong nước gọi là Ông Tô, Thầy Tô) cũng là người giúp nền bóng tròn Việt Nam chấp cánh đoạt cúp AFF Suzuki Cup 2008 của Đông Nam Á mà giới hâm mộ mơ ước trong mấy chục năm qua.

Bồ Đào Nha còn nổi tiếng với rượu bồ đào Porto (Port wine) mà tiếng địa phương gọi là Vinho do Porto, tức rượu Porto được sản xuất từ Porto, thành phố lớn thứ hai của Bồ Đào Nha ở miền tây bắc. Tên Porto có nghĩa là rượu ngọt của vùng Porto ở Bồ Đào Nha cũng giống như  Sâm Banh là rượu sủi bọt của vùng Champagne ở Pháp, dù sau này cả hai tên địa phương đó là danh từ chung để chỉ về một loại rượu nho.

“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” –  rượu bồ đào (rượu nho) ngon uống trong chén dạ quang chiếu sáng buổi tối  trong bài thơ của Vương Hàn (*) chẳng dính dáng gì đến rượu Bồ Đào Nha dù cái âm giống nhau bởi “bồ đào” trong câu thơ chữ Hán này có nghĩa là cây nho (grapevine) trong khi Bồ Đào Nha là các chữ phiên âm kiểu Hán Việt từ tên nước Portugal.

Chúng tôi đi thăm Bồ Đào Nha để tìm hiểu và mong thỏa mãn những gì đã từng nghe về đất nước này, và để tiếp nối mục “Kể chuyện đường xa” hầu bạn đọc (mời xem thêm ảnh ở trang 150).

Buổi chiều trên xứ lạ: Tác giả kéo vali ở quảng trường Marquês de Pompal tìm khách sạn nằm ở đâu đó quanh bùng binh rất rộng này. Hình: TVTS

Một thời vàng son

Cùng với các thừa sai người Pháp, người Y Pha Nho (Tây Ban Nha), các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha cũng đã sớm tới Việt Nam truyền đạo, từ thế kỷ thứ 16 bởi thời đó, Bồ Đào Nha là một trong những nước tiên phong mở rộng giao thương về hàng hải và nhà thám hiểm Vasco da Gama là người đầu tiên chỉ huy một đội thương thuyền đi từ Âu Châu đến Ấn Độ vào năm 1498.

Cộng hòa Bồ Đào Nha (gọi bằng tiếng Bồ: República Portuguesa) là một nước ở tây nam Âu Châu, nằm trên bán đảo Iberia, tây giáp Đại tây dương, đông giáp Tây Ban Nha, diện tích 92,391 cây số vuông, dân số khoảng 11 triệu, đa số theo đạo Công giáo.

Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ có nhiều người nói đứng hàng thứ 5 hay thứ 6 trên thế giới với hơn 200 triệu người sử dụng gồm  các cựu thuộc địa như Ba Tây (khoảng 185 triệu dân), Angola, Mozambique, Đông Timor, Ma-cao v.v…

Tên nước Portugal xuất xứ  từ tiếng La-tinh Portus Cale, tên của một vùng định cư ở cửa sông Douro chảy ra Đại tây dương thời La Mã. Đến thế kỷ thứ 7 Portus Cale được người ta gọi là Portugale và sang thế kỷ thứ 12, chữ Portugale được gọi là Portugal.

Cũng như nhiều dân tộc khác, tổ tiên của người Bồ gồm nhiều sắc tộc đã định cư tại đây từ thời cổ đại như Gallaeci, Lusitania, Phoenicia, Carthage, La Mã, những bộ tộc Đức… Thời Đế quốc La Mã, Bồ là tỉnh Lusitania và vì vậy mà tiếng Bồ chịu ảnh hưởng tiếng La-tinh của người La Mã.

Khi La Mã sụp đổ vào thế kỷ thứ 5, các bộ tộc Đức xâm chiếm Bồ. Đến thế kỷ thứ 8, người Moor đạo Hồi từ Bắc Phi xâm chiếm (cũng vì vậy mà người Bồ có nước da ngăm ngăm, là sự pha trộn với người ở Châu Phi). Đến khi người Thiên Chúa giáo mở cuộc tái chiếm  (Reconquista), tỉnh Bồ Đào Nha được thành lập và trở thành một phần của Vương quốc Galicia. Sau đó Vương quốc Bồ Đào Nha được thành lập và có biên giới rõ ràng vào năm 1249 nên nước này tự cho là quốc gia thực sự lâu đời nhất ở Âu Châu.

Trong các thế kỷ 15 và 16, nhờ ngành thám hiểm hàng hải phát triển mà Bồ Đào Nha đã trở thành một đế quốc lớn bao gồm nhiều thuộc địa ở Nam Mỹ, Phi Châu và Á Châu.

Năm 1755, một trận động đất lớn và sóng thần đã tàn phá Lisbon (tiếng Bồ: Lisboa). Sau đó Bồ bị Tây Ban Nha xâm chiếm. Khi Nã Phá Luân của Pháp đưa quân sang Bồ, vua của nước này là Don Pedro IV phải bỏ chạy sang Ba Tây, xưng Hoàng đế Ba Tây và là vị vua đầu tiên của Ba Tây và sau đó tuyên bố Ba Tây độc lập.

Năm 1910, chế độ quân chủ cáo chung, nền cộng hòa được thành lập với những chế độ độc tài nối tiếp nhau. Chiến tranh thuộc địa không được các chính phủ giải quyết đã khiến giới quân nhân làm cuộc đảo chánh vào năm 1974, gọi là Cách mạng hoa Cẩm Chướng (Carnation Revolution) và họ dần dần trả độc lập cho các thuộc địa như Angola, Mozambique, Đông Timor…

Sau đảo chánh, có sự tranh chấp trong quân đội giữa những người theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và bảo thủ và người ta tưởng rằng Bồ Đào Nha sẽ trở thành một nước cộng sản, nhưng sau cuộc bầu cử đầu tiên vào năm 1976, phe ôn hòa thắng nên Bồ Đào Nha tiếp tục đi theo con đường dân chủ nghị viện  của Tây phương. Nhưng dù vậy, các đảng xã hội và thiên tả ở Bồ là những đảng liên tiếp cầm đầu chính phủ.

Cây cầu dài nhất Âu Châu bắc ngang Tagus River (Tejo), con sông phát xuất từ Tây Ban Nha và đổ ra biển ở thành phố Lisbon. Hình: TVTS

Vừa qua, Thủ tướng Jose Socrates của chính phủ đảng Xã hội thiểu số đã phải từ chức khi quốc hội bác bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng của ông để cứu nguy hệ thống tài chánh công có nguy cơ sắp sụp đổ. Có lẽ Liên Âu sẽ phải nhảy vào bơm tới cả trăm tỉ Euro để cứu Bồ như đã từng cứu Hy Lạp vào năm ngoái.

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF năm 2010,  lợi tức trung bình đầu người của Bồ Đào Nha là 23,223 Mỹ kim, đứng hàng thứ 40 trên thế giới (Úc đứng thứ 10 với 39,699 đô la).

 

Từ Venice tới Lisbon

Chúng tôi kéo vali từ khách sạn ra bến xe đò Piazzale Rome, chỉ mất khoảng 5 phút. Buổi sáng mùa thu Venice đủ lạnh để bất cứ ai ra đường cũng mặc áo ấm. Rời một thành phố nhỏ xinh đẹp đã trở nên quen thuộc sau hai ngày lặn lội ngược xuôi, chúng tôi cảm thấy quyến luyến nhưng tự an ủi là đã trải nghiệm được nhiều thứ, di chuyển như là một người địa phương.

8.50am: lên xe bus.  Trên tuyến đường ra phi trường Marco Polo, mỗi nửa tiếng có một chuyến, chạy mất 15 phút.

Không mua được vé Venice đi thẳng Lisbon, chúng tôi mua vé đi Rome, 130 Úc kim/người, bay nất 40 phút. Trên máy bay nội địa Ý, không có cảnh tiếp viên chỉ dẫn an toàn như các hãng khác, đến giờ là bay như ta đi xe đò vậy.

Vì không muốn đợi lâu khi đổi máy bay, chúng tôi mua vé để máy bay đáp xuống phi trường Rome Fiumicino là hai tiếng sau có máy bay đi Lisbon ngay. Nhưng khi mua vé bằng online xong mới thấy rằng chừng đó thời gian có thể là quá ngắn và nếu không đi kịp thì sẽ mất vé vì do lỗi của mình chứ không phải của hãng hàng không hay công ty bán vé, lại còn có thể không mua được vé chuyến sau cách 3 tiếng và phải ngủ lại phi trường. Tuy nhiên, sau khi máy bay hạ cánh, vào lấy hành lý, qua phi trường quốc tế check-in chúng tôi còn hơn nửa tiếng tiếng đợi. Thật hú hồn!

Ngon và rẻ: Một bữa ăn tối ở quán lều chắn mành nhựa trong suốt nằm ngay giữa con đường đi bộ Rua Ausgusta nổi tiếng gồm đĩa 4 con cá sardines nướng (7 Euro), đĩa thịt gà, hai ly bia hơi và một lon coca: tổng cộng 23.50 Euro. Hình: TVTS

Từ Rome qua Lisbon chúng tôi đi máy bay của hãng TAP Portugal,  cũng khá tốt, giá vé 134.80 Úc kim/người, bay mất 2  giờ 40 phút.

Xuống phi trường, tôi nghĩ cũng sẽ có những thủ tục như ở các nước Hy Lạp hay Ý, có nghĩa tối thiểu phải qua khâu di trú, nhưng đi hoài chẳng thấy nhân viên di trú kiểm soát thông hành, chẳng thấy hải quan kiểm soát hành lý mà chỉ thấy quày hành lý đang chạy vòng quanh trước mặt, đơn giản như chúng ta đi giữa các phi trường nội địa, như từ Melbourne lên Sydney vậy. Thế là chỉ việc lấy vali và đi tuốt luốt ra cổng.

Trong phi trường có những tờ quảng cáo hướng dẫn du khách tới trung tâm thành phố, bao gồm cả bản đồ.

Từ phi trường về thành phố có thể đi xe Aerobus hay Aerishuttle, giá 3.5 Euro.  Chúng tôi chọn xe bus Aerobus. Tới mỗi trạm tài xế đều đọc tên để khách xuống. Trong tờ chỉ dẫn đều có ghi những khách sạn nằm trong mỗi stop đó, thật tiện lợi cho du khách.

Mất 30 phút đến bùng binh công trường Marquês de Pombal, khách sạn nằm ở một trong những con đường kế bùng binh.

Tất cả các khách sạn trong chuyến Nam Âu du này đều được chúng tôi book  qua online trước khi lên đường. Tại Lisbon, tôi chọn một khách sạn nằm giữa trung tâm phố, cách bờ sông và các hải cảng vài cây số theo như ước lượng của tôi khi nhìn vào bản đồ.

Excelsior Hotel là một loại khách sạn 3 sao tiêu biểu của Âu Châu, có nghĩa là không sang nhưng cũng chẳng quá xập xệ, địa chỉ: 172  Rua Rodrigues Sampaio (rua = rue, đường), lệ phí 51.98 Euro mỗi đêm cho phòng giường đôi, bao luôn ăn sáng. Phòng ốc tương đối được, chỉ có khuyết điểm là phòng tắm quá chật như  tôi đã thấy du khách phê bình trên internet. Nhưng với giá cả như vậy có lẽ là rẻ nhất trong số khách sạn chúng tôi đã ở qua tại Âu Châu, Trung Đông và Bắc Phi.

Người Bồ Đào Nha ra vẻ thân thiện và ưa giúp đỡ. Trên xe bus về thành phố, có hai vợ chồng người Bồ trung niên không nói được tiếng Anh nhưng khi tôi hỏi, cũng tìm cách chỉ cho biết phải còn vài trạm nữa mới tới trạm Marquês de Pombal, bằng tiếng Bồ và dấu hiệu tay.

Hotel Excelsior: nằm ở con đường yên tĩnh dù gần quảng trường Pombal, phòng giường đôi 51.98 Euro/ đêm bao ăn sáng kiểu buffet. Hình: TVTS

Xuống xe ở bùng binh quảng trường Marques de Pombal, thấy sáu bảy con đường rối bời, hỏi một người đàn ông đi ngược chiều đường Rua Rodrigues Sampaio nằm ở nơi mô, ông ta cũng cố gắng giải thích nhưng tôi không hiểu ông nói gì vì ông chỉ nói được một hai chữ tiếng Anh.

Sau khi đã định hướng khách sạn nằm ở một con đường mé bùng binh, hỏi một nhân viên an ninh của một công ty bảo hiểm gần đó, ông ta chỉ nhưng cuối cùng đích thân dắt chúng tôi đến tận đường của khách sạn, cách bùng binh chừng chục mét.

Mới đặt chân xuống một đất nước mà người dân hiếu khách như vậy, chúng tôi nghĩ rằng sẽ có những ngày thích thú trước mặt. (còn tiếp)

(*) Lương Châu từ là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt nổi tiếng của Vương Hàn được sáng tác từ tên gọi của một điệu hát cổ của người Trung Hoa nói về trận mạc, biên ải:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang  bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi.

Dịch ý:

Chiếc ly dạ quang tinh xảo được đổ đầy rượu nho ngon tuyệt,
Vừa muốn say sưa một phen, thì đột nhiên đàn tì bà tưng bừng vang từ trên lưng ngựa xuống như thôi thúc tướng sĩ cùng cạn ly.
Dù có say nằm lăn trên sa trường, mong các vị đừng chê cười,
Trước giờ người đi chinh chiến mấy ai còn sống trở về.

Nguồn: wikipedia