Kể chuyện đường xa: Từ Đài Loan tới Nam Hàn – Kỳ 2

20 Tháng Năm, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Bản đồ Đài Bắc. Photo courtesy: maps-taipei.com

Nguyễn Hồng-Anh

***

Du lịch Đại Hàn và Đài Loan tốn kém như thế nào? Có lẽ đó là câu hỏi mà một số bạn đọc sẽ hỏi người viết khi dự tính đến hai nơi này. Trước hết người viết xin trình bày vấn đề vé máy bay và khách sạn, những chuyện khác sẽ lần lượt nói sau.

Mua vé Online hay qua đại lý du lịch?

Nếu bạn lên internet và mua vé bằng Online của hãng Qantas, giá vé khứ hồi từ Melbourne đi Đài Bắc (thủ đô Đài Loan) khoảng $1,600 Úc kim; đi Hán Thành (Nam Hàn) khoảng $1,900.

Nói là mua vé máy bay hãng Qantas, nhưng ở cả hai nơi bạn chỉ đi máy bay Qantas từ Melbourne lên Sydney hay/và Brisbane chứ sau đó sẽ đi máy bay của hãng khác, thường là với hãng máy bay của quốc gia nơi đến.

Tùy phải chuyển tiếp bao trạm, chuyến đi (hay về) sẽ kéo dài từ 13 đến 23 tiếng đồng hồ. Hán Thành xa Melbourne hơn Đài Bắc và khoảng cách giữa Đài Bắc – Hán Thành khoảng 2 tiếng rưỡi bay.

Người viết có thể mua vé Online cho tiện, nhưng đã nhờ một đại lý du lịch thân chủ quảng cáo trên TiVi Tuần-san bấy lâu. Vé khứ hồi Hán Thành bằng Singapore Airlines là $1,730; bằng Korean Airlines chỉ $1,290 (bao gồm tất cả mọi chi phí kể cả thuế).

Máy bay Singapore Airlines là số một rồi, nhưng người viết chấp nhận đi máy bay Korean Airlines vì sẽ tiết kiệm $440  dù biết rằng đi máy bay Korean Airlines sẽ hơi buồn vì không có màn ảnh video ở ghế cá nhân như các hãng Singapore Airlines hay Qantas. Tuy nhiên, đại lý bán vé nói hãng máy bay Nam Hàn tốt lắm, đáng đồng tiền.

Lên internet đọc lịch sử của hãng này cũng thấy đây là một hãng hàng không với một đội ngũ máy bay lớn và mới, có thành tích khá tốt về mặt an toàn.

Nhưng bởi người viết lại có tính tham lam, muốn trong một chuyến du lịch đi tới hai nước, nên yêu cầu ngoài Hán Thành thêm vé đi Đài Bắc. Giá máy bay như vậy sẽ lên tới $1,795.  Tốn thêm $505 mà được đi tới 2 nước. Ngày đi tùy mình chọn.

Người viết nhất định phải có mặt ở Đài Loan hay Nam Hàn vào ngày 30 tháng 4 nên đã đặt mua vé trước cho chắc ăn. Sau đó khi sắp lên đường thì đọc báo và internet thấy có những quảng cáo đại hạ giá còn một nửa bởi một số hãng máy bay vì nạn kinh tế suy thoái, du khách giảm và dịch bệnh cúm heo bắt đầu lan tràn. Thấy vé quảng cáo vé khứ hồi Melbourne – Đài Bắc chỉ khoảng $800, nhưng không biết là của hãng nào và phải chuyển bao nhiêu trạm?

Hãng Korean Airlines hàng ngày đều có chuyến bay trực tiếp từ Melbourne tới Hán Thành, nhờ vậy đỡ mất thì giờ và đỡ mệt do phải đợi ở một trạm khác như Sydney.

Mất 11 giờ bay, xa hơn Sài Gòn, Hồng Kông, Đài Bắc và tương đương với Đông Kinh.

Hãng Korean Airlines không chở bạn tới thẳng Đài Bắc mà sẽ đến Hán Thành trước, vì vậy bạn sẽ (phải) ngủ lại một đêm ở Hán Thành để sáng hôm sau đáp chuyến bay khác của Korean Airlines đi Đài Loan, tất cả mọi chi phi di chuyển, ăn tối ăn sáng và khách sạn ngủ qua đêm đều được hãng bao.

Bay từ sáng sớm ở Melbourne sẽ đến Hán Thành vào buổi chiều. Giờ của Melbourne đi sớm trước Hán Thành một tiếng. Đến phi trường quốc tế Incheon (cách trung tâm phố chừng 1 giờ lái xe) bạn sẽ được xe của hãng máy bay đưa bạn tới một khách sạn gần phi trường. Trường hợp của người viết là khách sạn Winners Tourist Hotel cách phi trường 15 phút mà có đoạn đường anh tài xế lái chiếc xe van với tốc độ 140km/ giờ.

Khách sạn nằm ở gần bờ biển nhưng vùng này trông cũng hơi vắng vẻ, nhất là về đêm. Ký vào phiếu ăn uống của khách sạn, thấy tiền ăn tối  với một đĩa beefsteak là 13,000 won (1 Úc kim đổi được khoảng 890 won) tức khoảng $14.50 Úc kim. Ăn sáng 9,000 won tức khoảng $10.

Phòng khách sạn khá rộng, có bàn ăn, bàn làm việc, có máy computer sẵn và xài internet miễn phí, nhưng vẫn có vẻ là một khách sạn ở tỉnh lẻ. Người viết lên Internet xem khách sạn này  ra sao thì được biết khách sạn này thuộc loại 3 sao và tiền phòng giường đôi khoảng $100 Úc kim một đêm.

Khách sạn ở Đài Bắc

Khi mua vé, đại lý hỏi có cần ghi danh thuê khách sạn trước không, nhưng người viết cám ơn bởi muốn tìm khách sạn và khu phố mà mình thích bằng cách lên internet. Nhưng mất cả tuần lễ vẫn chưa tìm ra khu phố và chỗ ở lý tưởng –nghĩa là vừa túi tiền (3 sao khoảng $150 Úc kim) và nhất là phải nằm trong khu nhộn nhịp, đông du khách và gần phương tiện di chuyển công cộng.

Một tài liệu cho thấy thủ đô Đài Bắc được chia ra làm 12 khu phố hay quận (urban districts) như sau:

  1. Peitou
  2. Shihlin
  3. Tatung
  4. Chungshan
  5. Sungshan.
  6. Neihu
  7. Wanhua.
  8. Chungcheng
  9. Taan
  10. Hsinyi (hay Xinyi)
  11. Nankang
  12. Wenshan

Trung tâm phố (city centre)  bao gồm những khu phố như Tatung (3), Chungshan (4) và Sunghsan (5). Các khu số 7, 8 phát triển tương đối khá lâu rồi,  và các khu số 6, 9, và 10 mới mở rộng hồi gần đây.

Nhìn bản đồ của thành phố Đài Bắc với một trung tâm với nhiều phố, quận nhưng thật sự một người chưa bao giờ đến nơi ấy và chưa được nhìn một bản đồ lớn (dành cho du khách thường được phát ở các khách sạn hay ở các trung tâm phục vụ du khách), vả lại nghĩ rằng cứ tới đó hãy xách va-li đi tìm khách sạn sau, nên cứ lần lữa cho đến một ngày trước khi lên đường mới book khách sạn.

Lúc này đa số các khách sạn (trung bình) đều hết chỗ hoặc đòi hỏi phải book trước ba ngày.  Người viết bèn quyết định chọn đại một khách sạn còn chỗ.

Thấy khách sạn Holiday Inn quảng cáo ở gần phố, cách trạm xe điện Taipei City Hall MRT và tháp cao nhất thế giới 101 Tower 10 phút  và cách phi trường quốc tế Đào Viên (Taoyuan) 60 phút lái xe, người viết đăng ký ngay, bởi sợ qua đó sẽ phải xách va-li đi lớ ngớ ngoài đường cả ngày vì không phải mọi người ở Đài Loan đều nói được tiếng Anh, như ở Mỹ hay Gia Nã Đại!

Đây là một khách sạn loại 3 sao khá mới, phòng giường đôi 2,400 đô Đài Loan một đêm (1 Úc kim ăn 21 Taiwan dollars) tức khoảng $115 Úc kim. Xài internet không dây miễn phí. Có nhà hàng thoáng mát, khung cảnh thơ mộng nhờ bao bọc bởi đồi núi và suối. Nhân viên phục vụ rất tử tế, xách va li tận taxi, chịu khó trả lời các thắc mắc của khách. Dĩ nhiên mọi người trong khách sạn này đều nói rành tiếng Anh.

Khách sạn này nằm trong quận Xinyi (hay còn là quận 10 nếu xem bản đồ trên internet), một khu vực tương đối cổ xưa, bị ngăn cách với trung tâm downtown của Đài Bắc bằng một dãy núi. Người ta đã làm những đường hầm xuyên qua lòng núi (như đường hầm đèo Hải Vân ngăn cách Lăng Cô của tỉnh Thừa Thiên và Đà Nẵng) nhờ vậy sự đi lại nhanh chóng. Đường hầm này được coi là một công trình lớn và niềm hãnh diện của thành phố Đài Bắc.

Trong ngày, cứ cách mỗi tiếng có một chiếc xe của khách sạn chở khách trọ lên trạm xe điện Tapei City Hall hay cao ốc 101 Tower.

Còn nếu muốn dùng phương tiện công cộng thì đón xe bus số  912 trước khách sạn. Đợi khoảng nửa tiếng mới có chiếc xe số 912 đi tuyến đường này. Vé 15 Đài kim tức khoảng 70 xu Úc. Phải xử dụng đúng số tiền vì không có người thối. Tùy ngày chẵn lẻ mà sẽ bỏ tiền vào hộp thu trước khi lên hay sau khi rời xe.

Qua thông tin  Online, khách sạn cho biết chi phí  taxi đi từ phi trường Đào Viên tới khách sạn là 1,200 đô Đài (khoảng 57 đô Úc) nhưng mấy anh lái xe van đòi đến 1,400 Đài kim. Người viết lấy tờ giấy thông tin của khách sạn chỉ vào giá tiền nhưng anh môi giới bảo đường về khách sạn xa hơn phố nên xin cho 1,300 Đài kim. Sau này, khi nhờ khách sạn kêu xe ra phi trường, họ cho biết giá tiền đồng bộ (flat rate) là 1,200 đô Đài  và quả là như thế. Đó là kinh nghiệm đi taxi.

Khách sạn ở Hán Thành

Ở  Đài Loan vài ngày, người viết bắt đầu thấy nhu cầu phải đặt khách sạn trước khi qua Nam Hàn nhưng do bận bịu với các vụ tham quan, hẹn hò phỏng vấn nên lại chỉ còn 1 ngày trước khi lên đường mới ngồi vào máy computer.

Lúc này thì người viết chẳng còn thèm để ý đến những lời phê bình trên internet của các du khách, bởi những khách sạn loại 3 sao tuy được một số người “khen” tiền nào của đó nhưng lại có những du khách khác chê thậm tệ, như khách sạn Itaiwon Hotel ở Hán Thành.

Đây là khách sạn 3 sao, nổi tiếng nằm trong khu phố Itaiwon có nhiều khách du lịch đến trọ, được xem là nơi có nhiều du khách Mỹ và khắp thế giới đến ở và tham quan, cách “trung tâm phố” như  City Hall chừng vài trạm xe điện. Itaiwon nằm ở phía bắc sông Hàn (Han River).

Khách sạn này được coi là bình dân với giá một đêm từ 90 đến 190 Úc kim, tùy mùa và tùy cả ngày trong tháng.  Mùa này khoảng 140 đô, nhưng khi người viết book qua Online lại cũng phải theo quy định là 3 ngày trước, do đó phải tìm một khách sạn khác dù biết rằng “khá xa” trung tâm phố.

May thay khách sạn The Lexington Hotel còn trống chỗ. Khách sạn này nằm ở số 13-3 Yoido-dong Yeongdeungpo-gu, Seoul, South Korea. Điện thoại: 02 6670 7000 và fax 02 6670 7299, cách trạm xe điện ngầm (subway) gần nhất 15 phút đi bộ. Dĩ nhiên xe bus nằm sát khách sạn.

Trên ineternet, khách sạn được giới thiệu là “The Business Hotel” loại từ 3 đến 4 sao, phòng đôi business room hay deluxe room giá $157 Úc kim một đêm bao gồm cả thuế. Tuy chưa có thông tin phê bình đánh giá sự phục vụ và tiện nghi của cơ sở, nhưng được giới thiệu nằm trong khu Yoeuido, một quận được gọi là một Manhattan của Hán Thành vì quận này nằm trên một hòn đảo như Manhattan của New York.

Yoeuido nằm ở phía nam sông Hàn là khu phố có trụ sở Quốc hội Nam Hàn, có trụ sở của Thị trường Chứng khoán, trụ sở đài truyền hình quốc gia, có tòa nhà màu vàng được coi là cao nhất thủ đô, có nhiều công viên…

Hỏi một người quen đang du học ở Hán Thành chỗ nào là trung tâm phố hay đề nghị nên chọn khu phố nào để trú ngụ thì người này nói không rành do phần lớn thì giờ ở cư xá đại học nên chỉ nghe nói tới khu phố du lịch Itaiwon và nghĩ rằng ở Hán Thành đâu đâu cũng là “phố” bởi thành phố này quá lớn, có gần 11 triệu dân.

Ngày mai sẽ phải rời Đài Bắc để đi Hán Thành. Thấy nằm hơi xa City Hall nhưng có các cơ sở lớn, người viết đành quyết định đăng ký ngay để tránh nạn trở thành du khách ba-lô thứ thiệt, rất bất tiện cho cả hai vợ chồng.

Từ khách sạn lên phố, tùy theo nơi mình muốn đến có thể đổi thêm một trạm xe metro và mất tới 45 phút hay 1 giờ nếu đi lộn đường hay lộn trạm xe điện. Giá vé một chuyến xe metro trong thành phố là 1,000 won, tức $1.12 Úc kim. Thật rẻ.

Đi từ phi trường quốc tế Incheon tới khách sạn mất khoảng 1 giờ, người viết đã không thuê xe taxi mà đi xe bus, không dừng dọc đường, tới thẳng khách sạn và mỗi người chỉ tốn 14,000 won (tức khoảng $15.75 Úc kim).

Đây là một chút kinh nghiệm mà độc giả có thể cần biết trước khi cùng người viết tham quan hai nước Đài Loan và Đại Hàn.