Vòng quanh thế giới (3): Ngắm Copenhagen bằng xe bus nhảy lên nhảy xuống

28 Tháng Chín, 2017 | Đan mạch
Copenhagen Opera House: đối diện với Hoàng cung Amalienborg cách con sông. (Hình: TVTS)

Bạn có thể hỏi người viết tại sao lại đi Bắc Âu? Thưa: Bởi vì đây là nơi xa nhất, không đi bây giờ sợ mai kia không còn đủ sức để đi. Và luôn tiện đi thăm Ba Lan, một đất nước đã sinh ra những con người làm nên lịch sử cuối thế kỷ 20 như lãnh tụ công đoàn Đoàn Kết Lech Walesa và Giáo hoàng Jan Pawel II.

Bạn có thể hỏi thêm cái gì lôi cuốn người viết chọn Đan Mạch. Thưa: So với những phần đất khác trên thế giới, Đan Mạch là nước mà tôi biết rất ít, cho đến khi qua Úc.

Nhưng tôi đã biết được gì? Trước hết, người vẽ kiểu cho nhà hát con sò Sydney Opera House là một kiến trúc sư người Đan Mạch, ông Jorn Utzon.

Hoàng hậu tương lai của Đan Mạch là một người Úc, Công Chúa Mary nguyên là  cô Mary Donaldson, sinh đẻ ở Tasmania.

Và Copenhagen là nơi diễn ra Hội nghị Khí hậu Thay đổi của Liên hiệp quốc năm 2009 có Thủ tướng Úc Kevin Rudd đi dự, bị đối lập chống đối và chính sách khí hậu thay đổi của chính phủ  Rudd  cũng đã phần nào góp phần vào việc ông thủ tướng bị bà phó Julia Gillard hất khỏi ghế thủ tướng.

Chỉ chừng đó cũng đủ làm cho tôi cảm thấy thích thú để đến nơi tìm hiểu về đất nước Đan Mạch và Thành phố Copenhagen.

The Little Mermaid: Tác giả sau khi bị té vì muốn đến gần nàng tiên cá. (Hình: TVTS)

Một chút lịch sử

Đan Mạch là một vương quốc theo thể chế quân chủ lập hiến, quốc trưởng hiện nay là Nữ hoàng Margrethe II và chính phủ được điều hành bởi một vị thủ tướng. Nằm trên bán đảo Scandinavia giữa Bắc Hải và Biển Baltic, giáp biên giới Đức, diện tích khoảng 43,000 cây số vuông, dân số khoảng 5.7 triệu, ngôn ngữ chính thức là tiếng Đan Mạch, đồng tiền krone.

Thủ đô Copenhagen có dân số khoảng 600,000 người, nằm gần biển, được nối với phía nam của Thụy Điển bằng cây Cầu Oresund.

Người Đan Mạch cũng như  người Na Uy, Thụy Điển là con cháu của người cướp biển nổi tiếng Viking, có lẽ vì vậy mà dù mỗi quốc gia có ngôn ngữ riêng nhưng khi nói chuyện họ có thể hiểu nhau. Đến khoảng thế kỷ 11, người Đan Mạch gốc Viking theo đạo Thiên chúa và sau đó theo đạo Tin lành phái Luther trong thời kỳ Cải Cách.

Trong lịch sử  Đan Mạch, nước này đã từng có thời thống trị Anh quốc, Na Uy và Thụy  Điển nhưng con cháu những tay cướp biển Viking lừng danh đã không mở rộng đế quốc bằng cách ra khơi chiếm thuộc địa như  Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hòa Lan…

Đan Mạch là thành viên của khối NATO, Liên Âu nhưng không dùng đồng Euro, có khuynh hướng trung lập và không chủ động can thiệp quân sự ở nước ngoài.

Mức sống ở Đan Mạch rất cao. Thuế lợi tức khoảng 50%, thuế trị giá gia tăng (VAT hay GST) đến 25% do đó vật giá rất  đắt đỏ đối với du khách. Nhưng đối với người dân Đan Mạch, cuộc sống của họ bình thường bởi lương cao. Người Đan Mạch được liên tiếp bình chọn trong nhiều năm là người hạnh phúc nhất thế giới, chỉ bị Na Uy qua mặt trong năm nay. Tôi hỏi một nhân viên hướng dẫn du lịch người Đan Mạch có thật hạnh phúc nhất thế giới như tường trình của Liên hiệp quốc không, ông cười và nói cũng có người Đan Mạch than phiền về cuộc sống của họ.

Nhiều năm qua, thấy mấy nước Bắc Âu được tặng danh hiệu hạnh phúc nhất thế giới cũng phần nào làm tôi muốn du lịch để xem thực hư như thế nào.

Christiansborg Palace nay trở thành trụ sở Quốc hội Đan Mạch. (Hình: TVTS)

Một kinh nghiệm không nên bị lập lại

Đến phi trường Copenhagen bạn phải qua khâu di trú nhưng công dân Úc không cần visa nhập cảnh  đối với các nước Âu Châu nằm trong khối Schengen (như 5 nước chúng tôi du lịch). Nhưng chúng tôi xin lưu ý với bạn đọc là hãy cẩn thận với tiệm đổi tiền ở phi trường Copenhagen này. Vì không xem hối tỉ trước và tin tưởng sự đàng hoàng của nơi đây nên khi thấy họ treo bảng giá AUD $1.00 = DKK 2.9, tôi đổi vài trăm đô để trả tiền taxi và xài vặt, nhưng một anh chàng nhân viên nói nếu đổi nhiều sẽ cho giá đặc biệt, thêm 15% và bảo nếu xài không hết, sẽ cho trả lại khi ra phi trường, đồng thời cho tôi biên lai in từ computer bỏ trong bì thư đẹp mắt.  Thế thì còn gì bằng?

Nhưng khi về khách sạn xem lại mới thấy hối xuất chỉ là DKK 2.95 trong khi các tiệm đổi tiền ở ga xe lửa cho giá   khoảng từ DKK 4.60 đến 4.80. Thế là anh chàng ở tiệm đổi tiền này đã tính đắt gần một nửa so với các cửa tiệm khác.

Đây là một kinh nghiệm khác dù tôi đã đi nhiều nơi, đến những phần đất trời ơi đất hỡi, nhưng bây giờ cũng bị gạt một cách dễ dàng. Kinh nghiệm khác, tôi muốn nói với bạn đọc là những nước ở Bắc Âu phần lớn chấp nhận thẻ tín dụng, dù là những sạp bán hot dog trên lề đường! Vậy bạn chỉ cần báo với ngân hàng trước khi lên đường mình sẽ du lịch nước nào, thời gian bao lâu, để xài thẻ tín dụng cho tiện và bảo đảm giá luôn luôn ở mức cao nhất, khỏi mất công đi dạo giá ở các cửa tiệm đổi tiền. Bạn cũng không nên tin tưởng ở những cửa hàng đổi tiền có tên tuổi nổi tiếng quốc tế! Phải cẩn thận.

* * *

Phi trường quốc tế Copenhagen của Đan Mạch cách trung tâm thành phố khoảng 8 km. Bạn có thể đi xe lửa về thành phố với tiền vé  DKK 31.50 (tiền krone Đan Mạch (khoảng 7 Úc kim)).  Nhưng đến trạm xe lửa trung ương, còn mệt mỏi, lạ nước lạ cái  mà đi bộ về khách sạn, dù là khách sạn chỉ cách chừng 200 mét như Imperial Hotel của tôi, cũng là vấn đề. Tốt hơn hết, chỉ nên đi xe lửa trong chuyến trở lại phi trường nếu muốn tiết kiệm.

Chúng tôi đi từ phi trường về khách sạn, gặp lúc kẹt xe nên máy tính lên tới  DKK 352 (khoảng 76 Úc kim) nhưng khi trở lại phi trường chỉ tốn DKK 260 (56 Úc kim).

City Hall Square và tòa thị chính với tượng màu vàng của Tổng giám mục Absalon trên ban công giữa binh đinh. (Hình: TVTS)

Hop on Hop off: ngắm cảnh bằng xe bus  hai tầng

Ngày nay, ở nhiều nơi trên thế giới đã sử dụng phương tiện giúp cho du khách thăm trung tâm thành phố của nước họ bằng loại xe sightseeing bus. Tôi nhấn mạnh thăm trung tâm thành phố (CBD) mà thôi, bởi vì ở ngoại ô sát Melbourne như Richmond, Collingwood hay Footscray, bạn sẽ không thấy loại xe hai tầng hop on hop off đó.

Tại Copenhagen, bạn có thể hỏi khách sạn hay ra ngoài đường, thế nào cũng gặp chiếc xe hai tầng sặc sỡ này hoặc những người bán vé dạo. Thông thường có hai loại tour cho xe bus, với hai tuyến đường tới những khu vực khác nhau và chồng chéo lên nhau.

Mua hai tuyến đường thì có thể đi không hết hoặc tốn quá nhiều thì giờ trong khi đó chuyến sớm nhất chạy từ khoảng 10am và chuyến cuối cùng bắt đầu từ 4pm, có nghĩa bạn sẽ bảo đảm được  ngồi trên xe và trở lại chỗ cũ trong vòng bốn tiếng. Ngoài ra, có thể bạn sẽ bị mời xuống vì chuyến xe đó không còn chạy nữa và bạn phải tự túc trở về khách sạn.

Ở Copenhagen có năm tuyến: ba tuyến xe bus, một tuyến xe lửa và một tuyến tàu.

Tôi chọn tuyến xe bus đi dài nhất khoảng một tiếng rưỡi gọi là Mermaid Tour DKK 175 (khoảng 38 Úc kim) có giá trị 48 tiếng đồng hồ.

Đi du lịch tự túc, cách hay nhất để biết thành phố là lên xe hop on hop off để có một cái nhìn tổng quát về thành phố, một số danh lam thắng cảnh mà xe chạy qua. Thấy chỗ mình thích, có thể nhảy xuống xem. Tại mỗi trạm, đợi chuyến xe có thể phải mất đến 30 phút, tùy hệ thống xe nhảy lên nhảy xuống của mỗi thành phố (tại Đan Mạch chỉ từ 10 đến 20 phút là tối đa).

Nếu bạn kiên nhẫn, có thể ngồi trên xe chạy hai vòng để nắm vững đường sá của thành phố. Như trường hợp của chúng tôi, qua vòng thứ hai đã biết những đường phố chính và chậm lắm là trong ngày thứ ba,  có thể  từ các trạm xe hop on hop off  trở về khách sạn của mình một cách dễ dàng.

Copenhagen Opera House: đối diện với Hoàng cung Amalienborg cách con sông. (Hình: TVTS)

Một vòng Mermaid Tour

Tour tuyến màu đỏ  (red line) này có 16 trạm ngừng (stop). Trạm ngừng (hay bắt đầu, tùy bạn gọi) gần khách sạn Imperial của chúng tôi là trạm số 13 (Tivoli/ Radisson Hotel).  Tivoli Garden là một công viên giải trí nổi tiếng được hình thành cách đây khoảng 170 năm, là công viên lâu đời thứ hai trên thế giới sau công viên giải trí Dyrehavsbakken trong vùng gần đó, cũng ở Đan Mạch.

Nếu bạn là người thích mua sắm, có thể nhảy xuống trạm 14, Fisketorvet – Copenhagen Mall, là khu mua sắm cao cấp ở thành phố này, nằm gần bờ sông Sydhavnen.

Đến trạm số 1 có tên Gammel Strand  là tên của một con đường và cũng là nơi có quảng trường với nhiều quán sạp ăn uống giữa đường. Đây là nơi đổi xe cho tài xế nghỉ ngơi hoặc chuyển qua tuyến xe khác (màu tím). Cũng tại nơi đây là bến tàu mà bạn có thể mua vé boat tour đi xem thành phố bằng tàu trên các con kênh.  Hai bên kênh ở bến tàu này là những tòa nhà bốn năm tầng màu mè vui mắt của những thế kỷ 18 và 19.

Đến trạm số 4 là nơi cư ngụ của hoàng gia Đan Mạch, Amalienborg Palace.  Cung điện của Nữ hoàng Margrethe II đối diện với Opera House nằm bên kia sông. Du khách có thể xem biểu diễn đổi phiên gác trước cung điện vào khoảng 12 giờ trưa.

Một trong những nơi mà tài xế xe bus nhảy lên nhảy xuống dừng lại cho khách ngắm trong vòng 5 phút và chụp hình là trạm số 6 với nàng tiên cá The Little Mermaid. Bạn nên nhảy xuống xem chừng nửa tiếng, chờ chuyến xe khác.

The Little Mermaid là bức tượng đồng cao 1.25 mét nặng 175 ký do điêu khắc gia Edvard Eriksen làm vào năm 1913, đặt trên tảng đá nằm trong khu vực đường đi dạo dọc bến cảng Langeline.

Khuôn mặt nàng tiên cá là của nghệ sĩ múa ba-lê Ellen Price nhưng thân hình do vợ điêu khắc gia làm mẫu bởi bà Price không chịu làm mẫu khỏa thân.

Copenhagen Opera House: đối diện với Hoàng cung Amalienborg cách con sông. (Hình: TVTS)

Trong hơn 100 năm qua, lần đầu tiên nàng tiên cá dời chỗ ở để sang dự triển lãm Expo 2010 tại Thượng Hải. Nhưng nàng tiên cá cũng đã phải rời bệ đá nhiều lần để sửa chữa lại vì  từ thập niên 1960 bức tượng đồng bị phá hoại nhiều lần bởi nhiều lý do khác nhau kể cả lý do chính trị, tôn giáo, môi sinh.

Vì vậy, đã có những lúc người ta dự tính dời bức tượng xa bờ để tránh bị phá hoại hay bị du khách trèo lên ôm. Tôi đã bước đi những tảng đá đến gần bức tượng để làm phóng sự cho cuốn video đã bị trượt chân té, may chỉ ướt giày và quần (xem thêm cuốn video cuối tuần này).

Bức tượng The Little Mermaid được xem là một trong những hình tượng tiêu biểu của thành phố Copenhagen giống như tượng Nữ Thần Tự Do ở Nữu Ước.

The Little Mermaid cũng là tên của tiểu thuyết thần tiên do tác giả Hans Christian Andersen người Đan Mạch viết vào năm 1837 và sau đó đã được dựng thành phim, kịch v.v… kể chuyện một cô người cá trẻ tuổi đã rời bỏ thủy cung sau khi ra khỏi mặt nước để được sống như người với thân phận là một mermaid, nửa cá nửa người. Như vậy, người Đan Mạch là cha đẻ của chuyện thần tiên người cá? Tôi thích thú khi đến tận nơi ngắm và nghe nói về sự tích bức tượng The Little Mermaid này.

Trạm  số 10 là viện nghệ thuật Rosenborg Castle (national gallery) với bề dày lịch sử 400 năm, nơi trưng bày những báu vật của các triều đại Đan Mạch từ thời Phục Hưng.

Xe đã chạy tới trạm số 11 Gammeltorv: đây là khu/ quảng trường (square) cổ xưa nhất ở thành phố này. Mặc dầu có niên đại từ thế kỷ 12 nhưng phần lớn những tòa nhà bốn tầng san sát nhau kiểu tân cổ điển được xây sau trận cháy kinh hoàng năm 1795.

Chúng ta đã đến trạm số 12 rồi đó. Đây là khu vực của Quảng trường Tòa Thị chính (City Hall Square) và viện bảo tàng National Museum of Denmark.

Tòa thị chính hiện nay được xây vào năm 1905  sau hai trận hỏa hoạn tại Copenhagen năm  1728 và 1795. Tòa nhà này được vẽ kiểu bởi kiến trúc sư  Martin Nyrop, lấy cảm hứng từ tòa thị chính Siena ở Ý với ngọn tháp cao 105.6 mét, là một trong những kiến trúc cao nhất ở một thành phố có binh đinh tương đối thấp như Copenhagen.

Trên ban công giữa tòa nhà  là bức tượng mạ vàng của Absalon, một vị tổng giám mục nổi tiếng  kiêm chính trị gia có thế lực trong triều đại vua  Valdemar I của Đan Mạch vào thế kỷ 12.

Còn tòa nhà kiến trúc kiểu Hy-La xây năm 1815 dùng làm tòa thị chính và tòa án nay chỉ còn dùng làm Tòa án Thành phố (City Court of Copenhagen).

Tòa thị chính đối diện với một quảng trường rộng, là nơi du khách và cư dân đến vui chơi, là địa điểm để các nghệ sĩ hát dạo trình diễn.

Từ City HallSquare (trạm 12) trở về khách sạn Imperial của chúng tôi (Tivoli- trạm 13), chúng tôi phải thay xe khác, rồi ngồi đợi xe chạy, lần này mất đến khoảng 30 phút.

Hôm sau, khi đã quen đường, đi bộ từ đó về khách sạn chỉ mất 10 phút!

Đó là lý do chúng tôi nói tại sao nên mua vé xe bus nhảy lên nhảy xuống để làm quen với đường sá của thành phố khi mình đi du lịch tự túc, không ai chỉ dẫn ngoài cái audio nghe được trên xe bus với tấm bản đồ và tờ hướng dẫn mà khách sạn hay công ty xe bus nhảy lên nhảy xuống cho bạn.

Đi một vòng bằng xe hơi, bạn đã đứng ngắm cảnh Copenhagen từ xe bus hay nhảy xuống mục kích tận mắt, thưởng thức, chụp hình kỷ niệm hay làm tài liệu như người viết đã làm.

Song song với bút ký, chúng tôi còn thực hiện phóng sự bằng video. Phóng sự bằng video có hình ảnh sống động giống như bạn đang xem phim thời sự. Nếu bạn dự tính đi du lịch các nước Bắc Âu, bút ký trên báo giấy TVTS và phóng sự bằng video trên tvtsonline.com.au sẽ mang lại cho bạn những thông tin hữu ích.

Cuối cùng, xin điều chỉnh hai lỗi khi chúng tôi viết bài gởi về tòa soạn từ thành phố Varsaw ở Ba Lan đăng trong số báo 1640: Thụy Điển sản xuất xe Volvo chứ không phải xe Audi. Hội nghị Thượng đỉnh 1945 phân định lại trật tự thế giới sau chiến tranh giữa tam cường Mỹ, Anh và Liên Xô diễn ra ở Postdam chứ không phải Helsinki.

Quý vị vừa đi một vòng thành phố Copenhagen bằng xe bus. Chúng tôi sẽ mời quý vị đi xem thành phố này bằng tàu trên những con kênh thơ mộng để thấy thành phố Copenhagen của Công chúa Mary gốc Úc đẹp như thế nào. Cũng xin được nói thêm, người Đan  Mạch nổi tiếng về kiến trúc. Bằng chứng Sydney Opera House là một tác phẩm của một người Đan Mạch.

 

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne

9.9.2017

(Du lịch báo in TVTS số 1642 phát hành ngày 13.09.2017)