Do Thái: vùng đất kỳ lạ (kỳ 1)

08 Tháng Mười Hai, 2010 | Do Thái
Phi cơ bay từ thành phố Amman của Jordan qua thành phố Tel Aviv của Do Thái trên vùng đất toàn là sa mạc, trước khi đi taxi đến thành phố Jerusalem (các hình nhỏ). Hình: TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Hôm nay ngày 23 tháng 7 năm 2010 là ngày Quốc Khánh của nước Ai Cập, kỷ niệm cuộc đảo chánh của quân đội lật đổ vua Farouk do Tướng Muhammad Naguib lãnh đạo mà người đứng sau hậu trường điều hành là Trung tá Gamal Nasser, vị tổng thống thứ hai của Ai Cập hiện đại.

Đêm trước, chúng tôi có dịp xem truyền hình văn nghệ diễn ra dưới chân một kim tự tháp, tuy không hiểu tiếng Á Rập nhưng đoán đấy là văn nghệ mừng quốc khánh. Tôi có nghe nói về những tour đi xem văn nghệ mà sân khấu và hậu cảnh là kim tự tháp với muôn ánh đèn âm thanh (Sound and Light show). Vì thế đêm đó, tôi có ra bên ngoài khách sạn và từ xa nhìn thấy đèn đóm ở một trong 3 kim tự tháp lấp lánh sáng như cây Noel vĩ đại.

Chúng tôi dự trù ở lại Cairo nguyên ngày để quan sát việc tổ chức lễ lạc, nhất là xem cuộc duyệt binh nhưng do không đặt được vé đi Do Thái trong ngày hôm sau nên đành phải lên đường trong ngày này, và lại phải đi từ sáng sớm.

Chúng tôi không mua được vé đi thẳng Tel Aviv mà phải quá cảnh ở Amman, thủ đô của nước Jordan đợi thêm 4 tiếng. Từ Cairo bay tới hai thành phố này chỉ mất hơn một tiếng.

Chúng tôi đi ra phi trường bằng Limousine của khách sạn Le Meredien Pyramids tốn 350 Pounds (khoảng 70 Úc kim) vì không còn xe loại rẻ tiền (lần đi từ phi trường tới khách sạn bằng xe hơi loại xoàng chỉ tốn 35 Úc kim). Âu thì cũng tự thưởng cho mình ngồi loại xe sang trọng một đôi lần khi đi du lịch hơn là thường đi bằng xe lửa hay xe bus. Xe chạy mất đúng 45 phút.

 

Bye Bye Cairo!

Khâu đầu tiên là cửa an ninh ở Hall 1.  Qua khâu scan, bị nhân viên hỏi “đi đâu, có thích Ai Cập không”, rút kinh nghiệm tôi không nói đi Do Thái mà đi Jerusalem và dĩ nhiên phải nói thích Ai Cập. Bị hỏi thêm có trở lại Ai Cập không, tôi trả lời một cách vô hại bằng cái gật đầu cười.

Hành lý vừa qua khỏi trục quay, chưa kịp lấy đồ  đã bị một nhân viên mặc áo đồng phục màu vàng của phi trường “vô tư” lấy vali của chúng tôi bỏ lên xe đẩy và chìa tay ra.

Tới quầy check-in, chỉ cách đó 5 mét, đợi lấy vé lên máy bay, tôi cho ông áo vàng 10 Pounds (vì không có tiền nhỏ hơn), nhưng vì cả hai chúng tôi chỉ có 1 vali nên khi ông áo vàng vừa bỏ đi thì có ngay một ông mặc áo thường phục giành vali bỏ lên bàn cân, thế là phải  moi túi, may còn 5 Pounds tiền cắc.

Mẫu khai ở cửa di trú đơn giản nhưng người ta chen lấn dù họ đứng phía sau, nếu mình không chịu xông xáo như người địa phương thì dù đã đứng sát quầy, vẫn bị các bà các ông khác qua mặt.

 

Đến Jerusalem Gold Hotel: Tài xế taxi thả khách ở sau lưng khách sạn, mặc cho khách kéo vali nặng gần 30 ký lên hàng chục bậc cấp để tới mặt tiền.

Một bà đội khăn trùm đầu truyền thống đã làm xong thủ tục, được nhân viên đóng dấu vào tờ khai và trả passport lẫn vé lên máy bay, bà đi một đoạn nhưng trở lại quầy trong khi ông nhân viên đang kiểm soát giấy tờ của chúng tôi.

Ông đóng dấu vào vé lên tàu của nhà tôi,  xong quẳng ra kệ, còn thông hành ông đưa cho một nhân viên khác kiểm soát. Ở xứ này ra vẻ một việc dù nhỏ vẫn có nhiều người làm, và làm khá lè phè.

Nhưng bà trùm khăn kia chụp vé lên tàu được thảy xuống quầy mà tôi nghĩ là của vợ tôi. Bà ta đi chừng 10 thước, ông đóng dấu ra hiệu biểu tôi đi, nhưng tôi chỉ vào nhân viên thứ hai bởi còn đợi trả thông hành. Ông kia ngồi sâu bên trong, thảy hộ chiếu lên quầy như ném món đồ. Lúc này tôi hỏi họ vé lên tàu của tôi đâu rồi và chỉ vào bà kia, ông ta gật đầu và cũng chỉ tay về hướng đó.

Ngôn ngữ ở các cửa di trú trên thế giới hầu hết là body language.Thế là tôi chạy nước rút, chận bà này lại, hỏi bà đưa cho xem cái vé. Thấy tên vợ, tôi nói của tôi. Bà ta không chịu muốn giựt lại rồi chạy tới hỏi ông nhân viên nhưng lúc này ông đã rời quầy.  Tôi ra dấu nói bà ta hãy mở sổ thông hành của bà thì thấy đã có kẹp sẵn vé lên tàu. Bà ta cười nói cái gì đó mà tôi nghĩ là xin lỗi. Hú vía, vì nếu bà ta lấy vé lên tàu mà mình phải tìm cách trở lại khu check in để xin vé thì cũng khá rắc rối.

Ở khu này có các quầy ăn uống, nghĩ rằng đã qua khâu kiểm tra an ninh và di trú, thì làm việc vệ sinh cá nhân dễ dàng. Tiền lẻ đã tiêu hết, thấy một anh thanh niên đang vờ vĩnh chùi trong khu toilet nằm ở tầng dưới, chung quanh có vài du khách, nghĩ rằng đông người sẽ không bị quấy. Ai ngờ anh ta chạy theo tới tận cầu thang nói “money, money”. Tôi không trả lời, nghĩ rằng anh này thấy mình là người ngoại quốc nên đòi tiền.

 

Tạt qua Amman

Từ Cairo đi Tel Aviv có đường xe lửa, đoạn đường này dài khoảng 400 cây số nhưng chúng tôi chọn đi máy bay cho thoải mái. Nhưng các máy bay tôi chọn mua trong ngày đều phải quá cảnh ở một nước khác. Đi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ phải bay lên Istanbul  rất xa, đợi lâu, giờ giấc bất tiện, có khi mất gần nửa ngày. Chúng tôi chọn máy bay của nước Jordan.

Bay tới thành phố Amman, thủ đô của Jordan, bằng E-195 của Royal Jordan Airlines, một loại phi cơ nhỏ tôi chưa nghe, với 4 hàng ghế và chứa khoảng 100 người. Bay 1 giờ 15 phút, khá êm, chiêu đãi không đến đỗi tệ, phát phần ăn trưa với nước lạnh và trà cùng cà phê.

Tới phi trường nước mới, hy vọng rằng sẽ không bị làm phiền về cái vụ cầu tiêu vì ở trong khu cách ly dành cho người đi transit.

Lại phải đi tiểu: lần thứ nhất thấy có nhân viên mặc đồng phục màu đen như an ninh đứng gác cổng.  Không thấy hỏi tiền.  Ngồi đợi 4 tiếng, uống nước và lại buồn, nhưng khi đến một cầu tiêu khác thì thấy bên ngoài có an ninh gác, bên trong có một anh đang đứng chùi ngay trước cái phòng nhỏ chỉ có hai cái cầu tiêu, một cái đang bận. Thấy cảnh này, không buồn nữa. Đi ra, thấy anh ta đưa tay, tôi nghĩ anh ta đòi tiền nên tảng lờ.

Càng lớn tuổi, càng dễ buồn đi tiểu tiện, nhưng bây giờ cảm thấy bộ phận tiêu hóa không có thể làm việc bình thường. Tôi nói với vợ sau bốn ngày ở Ai Cập và 4 giờ đợi ở Jordan, tôi đã bị bệnh đái rắt và táo bón.

Vợ tôi không nhịn cười được nhưng nói rằng nước Jordan có vẻ khá hơn Ai Cập nên có thể nhân viên đưa tay ra để chào và mời mình ra khỏi nhà tiêu một cách lịch sự. Tôi nói cũng có thể mình bị in trí hay ám ảnh nên nghĩ Jordan cũng giống Ai Cập, nhưng cho rằng nếu anh ta đưa tay ra mà mình bỏ một hai đồng thì sẽ welcome mình ngay.

Kiểm tra an ninh ở phi trường Amman khá nghiêm nhặt, đàn bà phải đi qua một cửa an ninh riêng để khám xét (và sờ) cả người.

Lần này đi máy bay Airbus 319 đời mới, có đầy đủ màn ảnh tivi riêng. Thấy quảng cáo đội ngũ máy bay Royal Jordan Airlines có tất cả 29 chiếc lớn nhỏ. Máy bay mới, phục vụ cũng khá, với khẩu hiệu One World.

 

Bỡ ngỡ khi đến Jerusalem

Bay từ Amman qua Tel Aviv chưa tới 30 phút, được phát cho một bịch nước ngọt uống vừa xong thì máy bay đã hạ cánh, nhưng phải đợi ở đường băng khá lâu trong khi một máy bay khác của Israel Airlines tới sau nhưng đã được xuống trước để xe bus đón đưa vào.

Mặt tiền khách sạn Jerusalem Gold Hotel. Hình TVTS

Qua cổng di trú, tôi dự tính yêu cầu nhân viên di trú đóng dấu riêng như vài người bạn và một đại lý Úc đề nghị, bởi nghe nói hộ chiếu nào có mộc vào Do Thái có thể sẽ bị vài nước từ chối nhập cảnh!

Nhưng tôi bàn với nhà tôi đừng xin như vậy vì có thể làm họ phật lòng, vì đòi hỏi như thế là coi thường họ hay bị xem là bài Do Thái.

Anh nhân viên di trú hỏi nhát gừng “qua đây để làm gì”, tôi nói “visit Israel”. Anh ta tỏ vẻ không thân thiện với câu trả lời của tôi.

Vào Do Thái, không phải điền một giấy tờ gì, qua cổng quan thuế tự giác khai nếu mang theo trên 90,000 tiền NIS  của Do Thái  hay trên 25,000 Úc kim (New Israel Shekel hay nói gọn Shekel. 1 Úc kim bằng khoảng 3.35 NIS của Do Thái).

Ra cửa, định đón xe bus như một người bạn gốc Do Thái đề nghị vì đường từ phi trường về Jerusalem khá xa, đi xe bus rất rẻ trong khi taxi rất đắt. Thấy dấu hiệu đón xe bus phải đi lên lầu, chúng tôi lếch thếch bước lên, lúc này cũng đã khoảng 6 giờ chiều, nghĩ rằng vẫn còn sớm để đón xe bus về khách sạn.

Thấy chúng tôi lớ ngớ, một nữ tiếp viên hàng không người Ý hỏi tôi cần gì. Bà nói hôm nay là ngày nghỉ sabah, xe bus không chạy, nên đón xe taxi. Bà nói bà không biết giá cả vì không dùng phương tiện này, rồi bà hỏi một bà khác và cho tôi biết khoảng trên dưới 300 NIS.

Chúng tôi xuống chỗ đợi taxi, thấy có bảng ghi taxi đi mọi nơi. Đi Jerusalem, tariff 1: 221 NIS và tariff 2:  271 NIS.  Chẳng hiểu ý nghĩa hai giá biểu này nhưng chúng tôi cứ sắp hàng. Đến phiên mình, ông taxi đưa cho tôi một miếng giấy giống như receipt in từ máy điện toán ghi bằng 2 thứ tiếng trong đó ghi theo luật định, xe taxi công cộng bắt buộc tài xế phải mở máy tính cây số và đề nghị hành khách sau khi trả tiền nên xin receipt. Đúng là Do Thái, một đất nước nổi tiếng với kỷ luật.

Thế là yên chí lớn, nhưng ông tài xế chạy xe không mở máy tính tiền. Định hỏi nhưng ngại vì lạ nước lạ nôi. Thấy chữ F với số 280, tôi nghĩ đấy có thể là giá tiền bao luôn chuyến (280 NIS), nhưng ông ta đã không tuân thủ luật lệ. Tôi nói với vợ nếu khi xuống xe mà ông ta lấy giá 280 NIS thì là người đàng hoàng dù không tuân thủ làm theo tờ giấy mà ông ta đã đưa cho khách. Ấy thế, luật lệ là một chuyện, nhưng người dân có triệt để tuân theo không là chuyện khác.

Chạy mất khoảng 50 phút trên xa lộ với vận tốc trung bình 120km/ giờ. Thấy tháp một cao ốc từ xa có chữ Jerusalem Golden, ông tài xế chỉ cho chúng tôi xem rồi chạy tới đậu ở phía sau một dãy cửa tiệm đóng cửa. Tôi thấy chẳng có vẻ gì đây là khách sạn đừng nói là 4 sao. Để vợ đứng trông chừng đồ, tôi chạy lên bậc tầng cấp thật cao, và tìm thấy mặt tiền. Kiếm một đường bằng phẳng để kéo vali nặng 28 ký nhưng đi bộ cả hàng trăm mét chẳng thấy đường vòng ra phía trước. Thế là trở lui và kéo cái vali lên mấy chục bậc cấp vì khách sạn nằm trên đồi, vừa đi vừa rủa thầm ông taxi. Đây là ấn tượng thứ hai về Do Thái.

Phòng khách sạn Jerusalem Gold Hotel nơi chúng tôi ở. Hình TVTS

Vào khách sạn, thấy cách tiếp khách của nhân viên quầy hàng cũng chẳng khá hơn.  Có lẽ do chiến tranh và có quá nhiều kẻ thù mà người Do Thái lạnh lùng chăng?

Sau khi điền form các chi tiết trong đó có ghi nghề nghiệp, anh nhân viên tiếp tân mới nở nụ cười khi tôi hỏi làm sao điền số thẻ thông hành trong khi anh đang giữ passport của tôi. Anh ta nói chẳng cần vì đã có photocopy rồi. Và anh ta rót hai ly nước cam mời chúng tôi. Đây là lần đầu tiên tới một khách sạn mà được mời uống nước trong khi đợi ở quầy reception. Lại thêm một ấn tượng khác.

Ăn tối trong khách sạn kiểu buffet, giá 220 NIS một người (khoảng 65 Úc kim). Phần lớn du khách là người đi tour theo từng đoàn, lớn tuổi, nói tiếng Ý. Tôi không hiểu những người đi tour có phải trả giá ăn tối như chúng tôi không, nhưng cứ thử cho biết. Khách sạn này quảng cáo 4 sao, tiền phòng 129 Úc kim một đêm bao luôn ăn sáng kiểu buffet.

Tôi uống hai chai bia, nhưng khi họ đưa bill để ký, tôi thấy ghi một chai bèn nói 2 chai. Ông nhân viên nhìn chai bia cười, nói tặng chai bia này, không tính tiền.

Lại một ấn tượng khác.

Tôi đặt khách sạn Jerusalem Gold Hotel này qua online, chọn bởi vì nằm cách trạm xe bus trung ương vài chục mét.

Ăn tối xong, chúng tôi đi bộ một vòng, thấy những người Do Thái ăn mặc truyền thống cùng gia đình đi lễ về, đầy đường, nhộn nhịp như cảnh đi lễ trong khu Vườn Xoài ở Cổng Số 6 tại Sài Gòn của ngày trước.

Một điều gây sự chú ý của chúng tôi là trên lầu của nhiều căn apartment quanh khu gần khách sạn trông chẳng có vẻ là đền thờ, nhưng thấy người Do Thái mặc áo đen, đội mũ vành lớn đọc kinh, ca hát, có cả trẻ con tham dự. Nhà nhà lễ lạc, người người ca hát, trông rất thanh bình khác với một Do Thái với nhiều hình ảnh bạo động, chiến tranh mà tôi thường thấy qua tin tức trên báo chí, truyền hình.

Hết Ai Cập huyền bí, một Do Thái kỳ lạ, độc đáo đang chờ đợi chúng tôi khám phá trong những ngày tới. (Còn tiếp)

Nguyễn Hồng Anh năm 2010

Bạn đọc có thế xem toàn bộ 6 bài bút ký du lịch Do Thái bằng cách xem giới thiệu ở cuối màn ảnh.