Du lịch Đức: Bá-linh có Chợ Đồng Xuân (kỳ 6)

10 Tháng Mười, 2015 | Đức
Cổng vào Chợ Đồng Xuân, bộ mặt người Việt ở Berlin. Hình: NHA

Còn nhớ thời gian ở trại tị nạn Galang Nam Dương, mỗi người nghĩ đến một tương lai ở một nước đệ tam, không đoán được nhưng biết chắc chắn là sẽ được tự do “gấp ngàn vạn lần” đất nước mà mọi người vừa trốn thoát.

Có người đã được một  nước đệ tam nhận, có người đang chờ, có người bị bác và đợi nộp đơn với phái đoàn khác. Tôi còn nhớ có một người quen muốn đi Mỹ nhưng đã được phái đoàn Tây Đức nhận nên ước muốn đã không thành. Ngày lên đường định cư, tôi nói đùa anh vẫn còn cơ hội khác khi tị nạn cộng sản lần thứ hai.

Nhưng người quen cùng đảo không còn cơ hội thứ hai bởi khoảng 8 năm sau, nước Cộng hòa Dân chủ Đức không còn trên bản đồ nữa. Khoảng 40 ngàn người Việt tị nạn cộng sản đã được sống trong một nước Đức thống nhất—nói theo kiểu cán bộ Việt Cộng  “dân chủ gấp ngàn vạn lần” Cộng hòa Dân chủ Đức.

Nhắc lại câu chuyện nói trên để  bạn đọc có thể hiểu tại sao tôi không nói đến người tị nạn cộng sản sống ở Berlin (Bá-linh) mà chỉ nói về người Việt cộng sản (cán bộ và gia đình), người Miền Bắc (du học sinh và người lao động khách, tức công nhân xuất khẩu) ở thủ đô của nước Đức.

Điều dễ hiểu, bởi người Việt tị nạn được nước Cộng hòa Liên bang Đức nhận đến định cư ở Tây Đức. Thành phố Berlin dù một nửa (Tây Berlin) thuộc khối tự do nhưng thuộc quyền cai quản của Đồng Minh (Mỹ Anh Pháp) nên người tị nạn (theo tôi nghĩ) không thể tới sinh sống ở một thành phố nằm trọn trong phần đất của Đông Đức cộng sản, cách biên giới hai nước hàng trăm cây số. Lại còn thêm bức tường Berlin không cho người Tây Đức nói riêng và thế giới Tây phương vào thành phố Tây Berlin một cách dễ dàng.

Còn nữa, người Đông Berlin và Đông Đức thời đó đang tìm mọi cách vượt biên tới Tây Berlin xin tị nạn thì làm sao thuyền nhân Việt Nam có thể tới đó đến định cư? Nói vậy để bạn đọc thấy tình hình Tây Berlin thời còn cộng sản Đức rất là phức tạp.

Tôi đã không gặp cựu thuyền nhân Việt Nam nào trong thời gian 5 ngày ở Thành phố Berlin. Ngoài mấy người bạn quen đã gặp ở thành phố Wiesbaden gần Frankfurt, qua báo chí tôi được biết hầu hết các thuyền nhân và bộ nhân định cư ở các thành phố miền bắc, trung và nam của Đức như Hannover, Hamburg, Cologne, Troisdorf, Odenwald, Munich v.v…

Vì vậy trong bài này, tôi chỉ nói về người cựu Đông Berlin và người Chợ Đồng Xuân, tức người từ miền bắc Việt Nam.

Một tiệm bán sách báo, băng nhạc. Hình: NHA

 

Tàn dư của cộng sản Đức

Cùng là nhân dân Đức với nhau, cùng là thị dân của một thành  phố có lịch sử 750 năm, nhưng sau khi đã đi một vòng xe bus tuyến vàng ở Tây Berlin cũ, chuyển sang tuyến đường màu tím chạy một vòng Đông Berlin cũ, bạn sẽ thấy như đang ở một thị trấn xa xôi, với những tàn dư của một xã hội mà ngay người cộng sản Đông Âu cũng không muốn nhắc tới, trừ trong những dịp lễ lạc kỷ niệm hay hướng dẫn du khách nghe ngắm.

Trạm số 1 của tuyến màu tím cũng là trạm số 8 của tuyến vàng, là quảng trường Alexander Platz mà bạn và tôi đã “tham quan”, là trung tâm (Mitte, Central) của thành phố hiện nay và nằm trong phần đất của Đông Berlin cũ.

Xe bus chạy qua trạm dừng  số 2, chúng ta không cần nhảy xuống mà chỉ ngồi trên xe dòm  Hackescher Markt  khu chợ cổ và cũ, đông người mua bán ăn uống nhưng nhịp sống  khác xa với khu phố ở miền tây thành phố.

Xe chạy tiếp tới trạm số 3 là Berliner Hauptbahnhof, ga xe xửa trung ương và cũng là trạm số 14 của tuyến màu vàng mà tôi đã nhảy xuống để mua vé đi Tiệp.

Xe chạy qua trạm số 4, tường tưởng niệm Gedenkstatte Berliner Mauer,  là nơi duy trì một vài đoạn tường ô nhục Berlin xây năm 1961, nơi xảy ra những cái chết khi người dân phía cộng sản tìm cách trốn qua phía tự do. Bạn sẽ thấy vài đoạn tường còn giữ nguyên, vài đoạn chỉ có những cột sắt, vài nơi có một đoạn tường dán hình những người chết vì vượt biên.

Trạm số 5 có tên Mauerpark, là một công viên tưởng niệm bức tường Berlin với những bãi cỏ dài song song với lối đi bộ lát gạch, những hàng cây, cột đèn. Gọi là tưởng niệm nhưng công viên cũng trở thành nơi người ta đến ngồi, nằm nghỉ mát trên cỏ.

Trạm số  6, Kollwitz Platz là quảng trường mang tên một nghệ sĩ điêu khắc.

Bây giờ bạn hãy chuẩn bị để xem phong cảnh khi xe chạy qua trạm số 7, Karl-Marx Allee, một đại lộ mang tính tiêu biểu, là “niềm hãnh diện” của chế độ xã hội chủ nghĩa Đông Đức khi nhà nước cộng sản cho xây con đường này trong thời gian năm 1952 đến năm 1960.

Đại lộ (vĩ đại) Các-Mác với những chung cư vây kín hai bên đường là “niềm hãnh diện” của thiên đường cộng sản dưới chế độ Đông Đức. Hình: NHA

Vì là bộ mặt của nhà nước xã hội chủ nghĩa, nên có nhiều tòa nhà tân thời lớn và nhất là vô số những chung cư kiểu mới dọc hai bên đường, những cao ốc mà ai được vào ở là sẽ thấy được cái hạnh phúc của người dân xã hội chủ nghĩa  trên con đường mang tên bác râu Các Mác, trước đó mang tên bác râu Lê Nin.  Nhưng khi đi trên đại lộ Các Mác “tham quan” và nghe máy audio giải thích,  bạn có thể phì cười vì  cộng sản da trắng cũng láo lếu như cộng sản da vàng;  bác Mác, bác Lê  cũng giống bác Mao, bác Hồ, những người không tưởng và tàn ác.

Đại lộ này rộng 89 mét và dài 2 cây số, là nơi ngày 17.6.1953 xảy ra cuộc biểu tình của công dân chống nhà nước  khiến Liên Xô đem xe tăng vào dẹp, làm ít nhất 125 người chết và đó là lý do Tây Berlin đặt  cho đại lộ  đối diện Cổng Brandenburg cái tên  Đại lộ 17 Juni  mà chúng tôi đi bộ cả tiếng đồng hồ ngày đầu tới Berlin.

Đến đây thì hình như tôi đã bỏ mất vài thắng cảnh của miền đông Berlin vì quả thật hứng thú giảm sút khi xem di tích của một thành phố nằm dưới chế độ cộng sản gần nửa thế kỷ dù có thấy vận động trường hiện đại mang tên Mercedes Benz Arena mái vòm (trạm số 9) trông giống sân vận động Etihad của Melbourne.

Tới trạm 10 là khu vực có tên Ostbahnhof East Side Gallery, là khu triển lãm nghệ thuật trên đường phố mà những tấm vải bạt canvas để vẽ tranh là những đoạn tường ô nhục Berlin cũ. Hàng trăm bức tranh đã được các họa sĩ tài tử vẽ lên bức tường dài nhất còn giữ lại. Khu này nằm dọc bờ sông, cũng thu hút nhiều du khách đến xem. Một số bức tranh hí họa rất đẹp và có ý nghĩa, những bức tranh nói lên khát vọng hòa bình và có những bức tranh bị đám phá hoại sơn xịt chồng lên thành một loại graffiti.

Tạm số 11 là trạm xe lửa.  Trạm 12, trạm cuối của tuyến đường màu tím,  là Judishes Meseum, bảo tàng viện  Do Thái lớn hàng đầu ở Âu Châu.

Xe chạy vòng vòng nay trở lại trạm số 1 ở quảng trường Alexander Platz là trung tâm của thành phố Berlin thống nhất ngày nay.

Phải đi một vòng khu Đông Berlin cũ mới thấy sự cách biệt giữa phố xá, nhà cửa, con người và cuộc sống của người dân của hai nơi. Mặc dầu chính phủ đã bỏ ra trên 2 ngàn tỉ đô la trong 25 năm qua để cố gắng san  bằng mức sống và lối sống của người dân hai miền, vẫn còn sự khác biệt. Càng xa trung tâm thành phố Berlin (Mitte) càng thấy tàn dư của chế độ cộng sản và con người xã hội chủ nghĩa. Và nếu bạn đi đến những thành phố phía đông của nước Đức khi qua Ba Lan hay Tiệp, sẽ thấy rõ rệt sự cách biệt đó.

Đông Berlin cũ và một số thành phố phía đông như Leipzig, Dresden là những nơi người Việt miền bắc xã hội chủ nghĩa  du học hay lao động hợp tác.

Dãy nhà số 1 (Halle 1) nhìn từ cổng Dong Xuan Center. Hình: NHA

 

Chợ Đồng Xuân:  “bộ mặt tiêu biểu tự hào”?

Nếu bạn còn ở Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 , bạn đã nghe các công an phường, cán bộ chính trị ở trường học và công sở ca ngợi Đông Đức là một mô hình thành công của chủ nghĩa xã hội, là cái đích (và cái bánh vẽ) mà CHXHCN Việt Nam nhắm tới vì công nhân Việt Nam còn làm 5 ngày rưỡi một tuần trong khi Đông Đức anh em xã hội chủ nghĩa chỉ làm việc có 4 ngày, bỏ xa các nước tư bản, rằng ở Đông Đức nhà cửa đầy đủ phương tiện được nhà nước cung cấp miễn phí, rằng làm theo năng lực  hưởng theo nhu cầu, đúng là thiên đường cộng sản dù đã có cả chục ngàn người bị bắn chết vì vượt biên sang Tây Đức!

Hà Nội ca tụng Đông Đức cũng phải vì sau hiệp định Geneva, cám cảnh  đất nước bị chia đôi như mình,  Đông Đức đã bắt đầu chương trình hợp tác đào tạo công nhân từ Miền Bắc, nhưng chỉ bắt đầu tăng nhanh vào năm 1980 từ vài ngàn công nhân xuất cảng lao động lên tới khoảng 60,000 người khi bức tường Berlin bị sụp đổ năm 1989.

Sau khi nước Đức thống nhất, chính phủ Đức tìm cách đưa các công nhân lao động VN trở về quê quán nhưng thất bại. Một số ít trở về với tiền thưởng của chính phủ, đại đa số trốn tránh để ở lại bất hợp pháp và nhiều người làm những nghề bất hợp pháp như buôn thuốc lá lậu.

Đây là một vấn đề nhức nhối cho chính phủ Đức vì Việt Nam không muốn nhận lại các công nhân lao động mà họ đã được ăn chia huê hồng rất cao khi xuất cảng công nhân. Năm 1994, Việt Nam đồng ý nhận  lại 2,500 công nhân lao động khách để đổi lấy số  tiền “tài trợ phát triển” 65 triệu đô la nhưng cuối cùng Hà Nội chỉ nhận 67 người  mà thôi.

Tôi còn nhớ sau năm 1990, nhiều người Việt gốc thuyền nhân từ Miền Nam đã tìm cách giúp một số người Việt ở Đông Đức xin tị nạn chính trị để được ở lại Đức và nghe một số trường hợp thành công. Nhưng với thời gian, vì sự phức tạp của cuộc sống, của não trạng đã thấm nhuần dưới xã hội chủ nghĩa và nhất là có bàn tay của tòa đại sứ CHXHCN Việt Nam xía vào, tình cảm của cựu thuyền nhân dành cho các người lao động khách không còn thắm thiết như khi bức tường Berlin vừa sụp đổ.

Cùng với lao động khách ở Đông Đức không chịu trở về quê quán, có nhiều lao động khách ở các nước Đông Âu như Tiệp, Nga chạy sang Đức xin tị nạn.  Người ta cho rằng con số lao động khách khoảng chừng 40,000 người tương đương với thuyền nhân, và nếu tính cả di dân lậu,  số người từ miền bắc VN hiện ở Đức lên tới khoảng 80,000 người.

Khác với các thuyền nhân đã qua trước một thời gian khá lâu, thuộc thành phần trung lưu của miền nam VN (Việt Nam Cộng Hòa), có học thức và có phương tiện để học hỏi nên có công ăn việc làm vững chắc, có những địa vị trong xã hội Đức, những người lao động khách dù ở lại, cũng chỉ tiếp tục nghề lao động cũ hay buôn bán, mánh mum để sống qua ngày. Với thành phần đông đảo hỗn tạp như vậy, cộng đồng người Việt gốc từ miền bắc gây tiếng xấu cho người Việt, bị người địa phương ghét và thỉnh thoảng xảy ra bạo động giữa họ và người bản xứ.

Chưa hết, giữa người Việt với nhau cũng xảy ra những cuộc chém giết kinh hoàng  giữa các băng đảng. Chỉ trong nửa năm 1996 đã có 15 vụ giết người trong các băng đảng Việt Nam.

Lối đi giữa, bên trong của một dãy nhà tôn trưng bày áo quần, giày dép, mũ nón tại Chợ Đồng Xuân. Hình: NHA

Vì vậy, khi đến Berlin tôi đã tới Chợ Đồng Xuân để xem cuộc sống của người Việt ở đây như thế nào, sinh hoạt ở đây có “ghê gớm” như một vài bài viết trên mạng không.

Từ quảng trường Alexander Platz, tôi gọi taxi đi qua Chợ Đồng Xuân, tên chính thức là Trung  tâm Thương mại Đồng Xuân và tên địa phương là Dong Xuan Center. Quãng đường dài khoảng 7 cây số.

Tôi đưa miếng giấy có ghi sẵn địa chỉ tìm trên mạng: Dong Xuan Center: HerzbergstraBe 128-139, Lichtenberg.

Nhưng chỉ cần nghe ba chữ Dong Xuan Center là bác tài biết ngay, gật đầu. Bác hỏi tôi có phải từ Việt Nam qua, tôi gật đầu cho chắc ăn, khỏi rắc rối. Bác tài tuổi xồn xồn nói được vài chữ tiếng Anh  như  “Vietnam friend, Vietnam girl” rồi  “food… good” nên tôi đoán bác có bồ Việt Nam bởi nghe nói có nhiều bà cặp kè người địa phương để hy vọng được ở lại Đức hợp pháp. Nhưng khi bác vừa cười vừa lấy bàn tay làm dấu hiệu quẹt một đường trước mặt thì tôi không hiểu người đàn bà bác tài quen là người cao ráo hay có mái tóc dài. Nhưng khi bước xuống xe, vào bên trong thấy 4 dãy nhà tôn trông như những barrack của quân đội dài hun hút thì tôi mới hiểu bác tài tả cảnh trung tâm mua bán của người Việt nó lớn như thế nào

Nhìn đồng hồ tính tiền thấy 17.7 Euro, tôi so sánh với những chuyến đi khác, đưa cho ông tờ 20 Euro và bảo hãy giữ luôn làm bác cười rạng rỡ.

Cách đây khoảng hơn 10 năm, tại Berlin có hai chợ có tầm vóc của người Việt là Trung tâm Thương mại Thái Bình DươngTrung tâm Thương mại Đồng Xuân.

Nay thì nghe nói TTTM Thái Bình Dương đã ngủm rồi.  Chợ Đồng Xuân xây trên miếng đất  có diện tích  được cho là rộng 180,000 mét vuông với 3 dãy nhà tôn lớn và một dãy nhà nhỏ hơn.

Tôi ước chừng mỗi dãy nhà  dài khoảng 150 mét và rộng khoảng 16 mét.

Mỗi dãy nhà (barrack) có lối đi giữa, hai bên là các cửa tiệm. Phần lớn là các tiệm bán áo quần, sau đó là các tiệm nail, hớt tóc, dịch vụ điện thoại, chuyển tiền, các tiệm tạp hóa, nhà hàng và người bán thức ăn dạo giữa lối đi của dãy nhà tôn. Cũng có cầu tiêu cho khách trong dãy nhà này nhưng  đi toilet thì phải trả tiền.

Người Việt sống tập trung chung quanh chợ này nghe nói khoảng 4,000 người và họ tạo thành một thế giới riêng, cách biệt với thế giới của cộng đồng chính mạch.

Nghe “danh tiếng”  bạo động của người Việt ở đây, tôi đi “tham quan” nhưng vẫn phải đề cao cảnh giác, nhất là khi chụp hình các cửa tiệm hay người ở đây.

Tôi đến đây vào khoảng hai giờ chiều  ngày Thứ Sáu trong tuần, không thấy chợ đông người hay cảnh chửi bới nhau  như báo chí nhà nước hay báo  chí “chống cộng” hải ngoại mô tả. Có lẽ phải là một ngày khác?

Trời Berlin ở  30 độ C chưa nóng lắm nhưng  những dãy nhà tôn trên miếng đất rộng tráng xi măng khó hấp dẫn du khách đến, bởi trông như là một trại tị nạn ở đâu đó.  Có lẽ chỉ là nơi người Việt sống với nhau. Đi trong hành lang các dãy nhà này, thỉnh thoảng thấy vài người da sậm hay da trắng gốc Trung Á hay Đông Âu, có lẽ là những người làm ăn chung hay dâu rể của người Việt ở đây. Cũng thấy lác đác  chừng chục khách da trắng tóc vàng.

Cửa tiệm và mặt hàng chính ở đây là áo quần. Thấy chỉ có người bán và ít người mua, nhà tôi thắc mắc không hiểu làm sao họ sống được khi có quá nhiều gian hàng y phục như thế. Tôi dược nghe rằng  những cửa tiệm ở đây là trạm trung gian chuyển hàng phân phối đi các nơi ở Đức và các nước Đông Âu. Hèn gì  họ sống được.

Báo chí trong nước như tờ Việt Báo đã “nổ”  khi nói “chính quyền quận Lichtenberg đánh giá cao những đóng góp về kinh tế và văn hóa của Đồng Xuân Centre”, một trung tâm đã “tạo ra bộ mặt tiêu biểu tự hào của cộng đồng Việt Nam ở Berlin”, và các phái đoàn trong nước “qua công tác ở Berlin cũng thường không bỏ qua cơ hội ghé thăm “chợ” Đồng Xuân và thầm thán phục cách làm ăn quy củ, sáng tạo” của người VN ở cái chợ này.

Các sạp bán thức ăn uống trước dãy số 2 (Halle 2) có lẽ là khung cảnh đẹp nhất ở Chợ Đồng Xuân. Hình: NHA

Tự hào? Sáng tạo? Cách đây vài tháng, trước khi chúng tôi du lịch Đức quốc, tại Chợ Đồng Xuân này, trong lễ hội “40 năm hội nhập và phát triển” của người Việt (gốc miền bắc) ở Đức, cựu Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, tốt nghiệp đại học và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đức, thay mặt chính phủ Việt Nam cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của chính phủ và nhân dân Đức, rồi kết thúc bài phát biểu bằng tiếng Đức của ông với lời gửi gắm đến cộng đồng người Việt đang sống ở đây: “Đồng bào hãy chứng tỏ lòng biết ơn nước Đức bằng cách tôn trọng luật pháp Đức”.

Khuyên công dân của ông bằng tiếng Đức để cho người Đức biết, điều này chứng tỏ “đồng bào” của ông không tôn trọng luật pháp nước sở tại, là điều xấu hổ cho mọi người, nhất là người Việt tị nạn cộng sản vì người Đức không phân biệt cựu thuyền nhân với lao động khách và di dân lậu.

Sau khi đi một vòng “tham quan” tất cả 4 dãy nhà tôn này và chụp một số bức hình, chúng tôi ghé vào nhà hàng Đức Anh gọi một tô bún chả cá (nhà tôi gốc bắc), một tô bún giò heo (tôi gốc Huế, thấy bún Huế ở đây không ngon), một ly bia, ly coca cola, tổng cộng 16 Euro. Có nghĩa một tô bún khoảng 7 Euro (khoảng $11.5 Úc kim).

Ăn xong, chúng tôi ra ngoài đường cái đón taxi về, gặp ngay vài thanh niên đứng trước cổng chợ tới mời mua nước hoa Chanel, điện thoại cầm tay, có lẽ là đồ ăn cắp (mời đọc lại bài Người Việt ăn cắp ở Đức của nhà văn gốc miền bắc Phạm Thị Hoài đăng trên TVTS số 1534 và bài Người Việt không phải là người Việt của Bác sĩ Trần Văn Tích, một lãnh tụ cộng đồng người tị nạn ở Đức gốc miền nam).

Tôi nhớ ở Hòa Lan, khi nghe nói  qua Đức tôi sẽ đến thăm Chợ Đồng Xuân cho biết nó là cái chi chi, mấy người bạn mới quen đề nghị  khi qua Tiệp, hãy tới xem Chợ Sapa, bởi chưa đến đó thì chưa đến xứ Tiệp, nơi có cộng đồng người lao động khách và lao động chui đông nhất ở Âu Châu.

Tôi đã mua vé đi Prague và chuẩn bị lên đường qua xứ Tiệp còn được gọi là Cộng hòa Séc. Sẽ hầu chuyện với bạn đọc tuần sau.

Nguyễn Hồng Anh

10.10.2015